Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  

Nhiều địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng mùa hanh khô

Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024 | 20:44

Bước vào mùa hanh khô, thời tiết diễn biến bất thường sẽ làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm. Vì vậy, việc chú trọng tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đóng vai trò rất quan trọng.

Sóc Sơn tăng cường công tác tuần tra

Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện huyện Sóc Sơn chủ yếu là rừng trồng, được phân bổ tại 11 xã, thị trấn và giáp ranh với 2 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Vì vậy, công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được huyện Sóc Sơn xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Theo Trung tá Trần Phương Đông – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Sóc Sơn, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng của huyện đã thực hiện nhiều lượt tuyên truyền lưu động về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, tập trung vào các khu vực có nhiều khách thăm quan, cắm trại, picnic như: Hồ Đồng Đò, hồ Hoa Sơn, núi Hàm Lợn, đền Sóc…

Khi xảy ra cháy rừng, công tác chữa cháy hết sức vất vả vì vị trí cháy trên các ngọn đồi, núi, tiếp cận đám cháy rất khó cũng như phải huy động nhiều phương tiện, lực lượng để chữa cháy

“Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn PCCC rừng trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại và khó khăn, như khi xảy ra cháy rừng, công tác chữa cháy hết sức vất vả vì vị trí cháy trên các ngọn đồi, núi, tiếp cận đám cháy rất khó cũng như phải huy động nhiều phương tiện, lực lượng để chữa cháy.

Vì vậy, đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyện và công an huyện Sóc Sơn căn cứ từng địa bàn và diện tích đám cháy để có những phương án chữa cháy, huy động lực lượng một cách kịp thời”, Trung tá Trần Phương Đông cho biết thêm.

Còn theo ông Hoàng Văn Chung – Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), thời gian qua, công tác bảo vệ, quản lý và phát triển rừng trên địa bàn xã luôn được các cấp, ngành quan tâm chú trọng; đã khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Nhờ đó, các vụ cháy rừng và vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ngày càng giảm cả về số vụ và diện tích thiệt hại. Trong đó, không thể không nhắc đến sự quan trọng của các đội Cơ động Bảo vệ rừng và PCCC rừng cùng đội PCCC cơ sở (dân phòng) trong công tác tuyên truyền, chủ động phòng cháy và chữa cháy rừng.

Mặc dù thời gian qua, ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của đa số các chủ rừng và người dân sống ven rừng cũng như khách tham quan, du lịch đã được nâng lên rõ rệt. Các biện pháp bảo vệ rừng, phóng cháy, chữa cháy rừng được triển khai đồng bộ, chủ động, quyết liệt, nhưng theo ông Lê Xuân Sơn – Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội, thời điểm hanh khô, nguy cơ cháy rừng vẫn luôn hiện hữu.

Bên cạnh đó, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng, Công an huyện Sóc Sơn đã tích cực tăng cường công tác tuần tra, thành lập các Tổ liên gia an toàn PCCC và Cụm liên kết an toàn PCCC rừng, gồm nhiều lực lượng tham gia gồm: đại diện UBND, Công an xã, lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng, lực lượng dân phòng và các hộ được giao nhận khoán để cùng thực hiện công tác bảo vệ rừng.

“Đây chắc chắn là tiền đề để công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH cũng như phòng, chống cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn có hiệu quả hơn, đảm bảo phương châm 4 tại chỗ, giúp ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra”, Trung tá Trần Phương Đông nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Công an huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục triển khai công tác tuần tra, canh gác phòng chống cháy rừng trên địa bàn để không xảy các vụ cháy rừng. Đặc biệt, sẽ thắt chặt quản lý, tuyên truyền cho người dân về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, không để xảy ra tình trạng vô ý làm cháy rừng.

Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng nói chung và PCCC rừng nói riêng.

Cũng liên quan đến công tác PCCC rừng tại địa phương này, Thành phố Hà Nội vừa đề nghị Công an điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra các vụ gây cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn trong thời gian vừa qua để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu huyện Sóc Sơn phân công lãnh đạo UBND huyện trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng trực cháy rừng và bố trí lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra trong những ngày cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên.

UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo UBND các xã có rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm, thường xuyên có nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Công an thành phố chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với UBND các xã xảy ra cháy rừng và các cơ quan liên quan điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với Sở NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô kiểm tra, rà soát, có biện pháp thực hiện hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, báo cáo UBND thành phố Hà Nội theo quy định…

Sở NN&PTNT cũng có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng và các đơn vị trực thuộc tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt tại các khu vực có các hoạt động du lịch tâm linh, lễ hội… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ cháy rừng...

Sơn La: Chủ động phòng, chống cháy rừng

Trên địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có hơn 47.500 ha rừng tự nhiên. Bước vào mùa khô năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống cháy rừng.

Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn đã rà soát, đánh giá, xác định từng vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu cho các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, củng cố lực lượng, chuẩn bị phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” kịp thời ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

Ông Trịnh Vinh Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, hạt đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với các tổ chức đoàn thể của xã, thị trấn, bản, tiểu khu tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp năm 2017; nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân về công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR đối với các chủ rừng.

Bên cạnh đó, Hạt tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến rừng. Phối hợp với các địa phương tổ chức phát dọn đường băng cản lửa tại các khu vực dễ xảy ra cháy; củng cố và duy trì hoạt động 410 tổ, đội bảo vệ, PCCCR tại các thôn, bản, tiểu khu; 22 đội thanh niên xung kích và 22 trung đội dân quân tự vệ tại các xã, thị trấn, với tổng số gần 5.000 thành viên. Ngoài ra, Hạt còn phối hợp với lực lượng công an, quân sự xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”...

Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn đã tổ chức 214 cuộc tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ, PCCCR tại các xã, bản, thôn, tiểu khu, với tổng số gần 12.000 lượt người nghe. Phối hợp với các xã, thị trấn, chủ rừng tổ chức hàng trăm cuộc tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, đã phát hiện, xử lý 33 vụ, 217 đối tượng phá 136.417 m2 rừng tự nhiên; 1 vụ gây cháy 1.591 m2 rừng tự nhiên và phòng hộ; 1 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu 0,8 m3 gỗ tròn nhóm thông thường; 1 vụ vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,2 tỷ đồng.

Cùng cán bộ kiểm lâm huyện Mai Sơn và Tổ bảo vệ rừng bản Đông Sàn, xã Nà Bó, đi kiểm tra, rà soát và thực hiện biện pháp PCCCR. Nhờ làm tốt việc bảo vệ rừng, hơn 140 ha rừng nguyên sinh của bản Đông Sàn vẫn còn nhiều cây cổ thụ, hàng trăm năm tuổi. 

Ông Mùa A Dia, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Đông Sàn, cho biết: Bản đã thành lập Tổ bảo vệ rừng, với 5 thành viên là trưởng các tổ chức đoàn thể của bản và thành lập đội xung kích với lực lượng nòng cốt là thanh niên và dân quân. Hằng tháng, phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra, bảo vệ rừng. Tại các cuộc họp bản, tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; nhất là mùa làm nương, yêu cầu các hộ có nương ven rừng phải phát đường băng cản lửa, không để xảy ra cháy rừng do đốt nương.

Ông Hàng A Sang, bản Đông Sàn, hơn 70 tuổi, cho biết: Bà con trong bản bảo nhau không đốt, chặt phá rừng; tuyên truyền, nhắc nhở cho các thế hệ con cháu phải bảo vệ rừng như ngôi nhà của mình.

Còn tại xã Nà Ớt, một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của huyện Mai Sơn, với hơn 4.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng gần 50%. Từ đầu năm đến nay, xã đã trồng mới hơn 20 ha rừng tập trung và gần 7.000 cây phân tán các loại; làm mốc giữa đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp tại 2 bản Nặm Lanh và Xà Kìa.

Ông Lò Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Nà Ớt, cho biết: Xã đã chỉ đạo các bản rà soát khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, huy động nhân dân làm đường băng trắng cản lửa. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về PCCCR, củng cố lực lượng PCCCR tại 11/11 bản; chủ động phương án “4 tại chỗ” và tổ chức ứng trực PCCC rừng 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo vệ, PCCCR tại các bản, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCC rừng đảm bảo kịp thời khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Ngoài ra, xã đã chỉ đạo phát quang các biển bảo vệ rừng, biển cảnh báo cháy rừng...

Đến thời điểm này, công tác PCCCR trên địa bàn huyện Mai Sơn đã được củng cố về lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, các chủ rừng thực hiện nghiêm công tác PCCCR; tổ chức huấn luyện, tập huấn cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để làm tốt dự tính, dự báo cháy rừng; tăng cường tuần tra, kiểm soát, hạn chế thấp nhất xảy ra cháy rừng trong mùa khô.

Trên 800 người diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng cấp Quốc gia tại Thái Nguyên

Cuộc diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được tổ chức theo hình thức 4 cấp (xã, huyện, tỉnh và Trung ương); huy động nhiều phương tiện, trang thiết bị chữa cháy rừng chuyên dụng và hơn 800 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, kiểm lâm cùng người dân trên địa bàn tại xóm Cao Trãng (xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên) tham gia.

Nội dung cuộc diễn tập được thực hiện theo tình huống giả định, cụ thể: Tại khu vực rừng sản xuất của hộ dân thuộc lô 3, khoảnh 8, tiểu khu 308, xã Phúc Xuân, xảy ra cháy rừng keo 12 năm tuổi. Mặc dù xã đã huy động hết lực lượng, phương tiện, dụng cụ theo phương châm "4 tại chỗ" để chữa cháy rừng nhưng đám cháy tiếp tục bùng phát, lan tràn, không kiểm soát được. Do đó, Chủ tịch UBND xã đã thông tin với UBND TP. Thái Nguyên đề nghị huy động thêm lực lượng, phương tiện chữa cháy.

Cuộc diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng cấp Quốc gia huy động trên 800 người tham gia.

UBND TP. Thái Nguyên huy động 2 xe PCCC chuyên dụng, 2 xe cứu thương, xe bán tải chở người và thiết bị, máy bơm, bàn dập lửa… đến hỗ trợ nhưng đám cháy vẫn không thể kiểm soát được. Nhận định đám cháy tiếp tục lan rộng, UBND TP. Thái Nguyên báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh để xin hỗ trợ lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ, Công an tỉnh cử 100 chiến sĩ phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tỉnh tham gia di dời tài sản và người dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng của đám cháy, cắt cử lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực và trực tiếp tham gia dập lửa.

Mặc dù đã huy động tối đa phương tiện, lực lượng, dụng cụ trên địa bàn tỉnh để chữa cháy nhưng đám cháy tiếp tục bùng phát, lan tràn nhanh, khó kiểm soát. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương hỗ trợ lực lượng, phương tiện chữa cháy.

Ngay sau đó, Cục Kiểm lâm điều động lực lượng, phương tiện của Chi cục Kiểm lâm vùng I, vùng II và Vườn quốc gia Tam Đảo tham gia chữa cháy rừng… Sau hơn 4 giờ triển khai các phương án chữa cháy, dập lửa, đám cháy được khống chế, dập tắt hoàn toàn.

Tại buổi rút kinh nghiệm, các đại biểu đánh giá lực lượng tham gia diễn tập chữa cháy rừng đã triển khai mọi tình huống theo đúng chương trình, kịch bản, bảo đảm bám sát tình hình và điều kiện thực tế của địa phương. Việc kết hợp giữa các lực lượng bảo đảm đúng yêu cầu.

Buổi diễn tập là dịp thực hành, rút kinh nghiệm để nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ huy PCCCR; đồng thời đánh giá sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng. Qua đó xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để chủ động ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VOV, Baosonla, baothainguyen...)

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top