Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta.
Đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu tôm được đánh giá là tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11, dự báo cán mốc 4 tỉ USD vào cuối năm 2024. Từ đó, kéo theo giá tôm thu mua tại các địa phương tăng “lập đỉnh”. Tuy nhiên doanh nghiệp chế biến đang “đau đầu” vì thiếu nguồn nguyên liệu.
Thiếu hụt nguyên liệu
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN nhận định, tình hình này, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý 1 năm sau. Trong khoảng thời gian này, các DN chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến giảm sụt hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Từ giữa tháng 8 đến nay, giá tôm thương phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long tăng khá mạnh. Nguyên nhân do sức cung giảm. Nguyên nhân sức cung giảm do tôm nuôi nhiễm bệnh khá trầm trọng. Sự biến động này, theo thông tin bên ngoài do tôm giống không còn chất lượng cao nhất và môi trường nuôi tôm, nhất là nguồn nước nuôi, ngày càng xấu đi. Có nhiều cuộc họp khẩn, nhiều hội thảo xoay quanh câu chuyện này nhưng theo thực tế chưa làm xoay chuyển tình hình.
Do hấp dẫn về giá tôm, từ tháng 10 đến nay tình hình thả nuôi mới đã diễn tiến khá rầm rộ. Theo thông tin, lượng tôm giống bán ra, có nhà cung ứng đạt 150% so năm rồi. Hiện nay cuối mùa mưa lẫn bão, rủi ro trong nuôi tôm đã giảm, nhưng tình hình ao tôm thả mới bị thiệt hại thì chưa cải thiện. Trong vòng một tháng sau khi thả nuôi, ao tôm đã bị nhiễm bệnh khá phổ biến, bệnh EHP và bước tiếp theo là phân trắng.
Tình hình này, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý 1 năm sau. Trong khoảng thời gian này, các DN chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến giảm sụt hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hy vọng năm 2025, năm sẽ có thời tiết sẽ thuận hơn trong việc nuôi tôm, sớm cải thiện tình hình tôm nguyên liệu, hoạt động ngành tôm ổn thỏa hơn.
Diễn biến thị trường sau khi có thuế AD, CVD từ Hoa Kỳ
Theo TS. Hồ Quốc Lực, hiện Ấn Độ có thị phần tôm tại Hoa Kỳ cao nhất, 31% (Báo cáo xuất khẩu thủy sản quý 3/2024 - VASEP). Theo thông tin, tôm Ấn Độ đang bị thuế AD 2,49%, nay bị thêm thuế CVD, mà mức thuế CVD của họ cao nhất, 5,77%. Đó là điều bất lợi sắp tới. Ngành tôm Ấn đang gặp khó khăn vì người nuôi không có lãi, có thể sắp tới sẽ ít nhiều thu hẹp vì rào cản thuế quan này.
Tôm Ecuador không bị thuế AD, chỉ bị thuế CVD 3,78% và đang chiếm thị phần lớn thứ hai ở đây, trên 26%, quan trọng hơn là tăng thị phần ở đây liên tục các năm qua.
Tôm Indonesia không bị thuế CVD, nhưng bị thuế AD là 3,9%, có thị phần tại Hoa Kỳ đứng thứ ba, hơn 17% và có xu thế giảm.
Tôm Việt Nam có thuế CVD là 2,84%, thuế AD cũ là 0%, mức thuế AD sơ bộ mới theo lịch trình tới tháng 3/2025 mới có. Tôm Việt đứng thứ 4 ở đây, thị phần còn khoảng 8%, duy trì vài năm qua.
Với tình hình trên, tôm Ấn Độ bị thất thế và tôm Ecudor có lợi thế nhất ở thị trường Hoa Kỳ. Xu thế có thể nêu ra là tôm Ecuador từng bước thay thế tôm Ấn Độ, trở thành nhà cung cấp tôm hàng đầu ở thị trường này. Tôm Indonesia, trước đây chiếm thị phần thứ 2 và bị tôm Ecuador lấn sân, qua mặt một cách mạnh mẽ. Nay tình hình hình tiếp tục kéo dài. Thiết nghĩ DN tôm Indonesia cũng phải biết tính toán lại thị trường để giảm thiểu rủi ro. Tôm Indonesia chiếm thị phần thứ 2 ở Nhật Bản, sau tôm Việt; có lẽ sắp tới sự cạnh tranh tôm Việt và tôm Indonesia ở thị trường Nhật Bản sẽ căng thẳng hơn hiện nay.
VASEP nhận định rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ kéo dài đến hết quý I/2025.
“Hiện nay tôm Việt có bất lợi lớn nhất là giá thành cao, giảm sức cạnh tranh. Nếu sắp tới đây tôm Việt duy trì được mức thuế AD là 0% thì thị trường Hoa Kỳ còn giữ vững. Nếu thuế này cao 3-5%, chắc chắc các DN tôm Việt phải tập trung vào các sản phẩm không bị thuế AD lẫn CVD mới bám trụ được. Ngành tôm Trung Quốc bị thuế AD tại Hoa Kỳ rất cao, và họ cũng tận dụng khe hở này để còn duy trì một phần tôm tiêu thụ ở đây hàng năm”, TS. Hồ Quốc Lực cho hay.
Theo nhận định từ ngành chức năng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra. Môi trường vùng nuôi tôm chưa được kiểm soát tốt, nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm. Giá vật tư đầu vào luôn có xu hướng tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu có những thời điểm giảm sâu, nhất là giá tôm thẻ chân trắng.
Ông Huỳnh Văn Tấn, Phó tổng Giám đốc Camimex Corp Cà Mau cho biết: “Quý II/2024 thì chúng tôi đã đẩy mạnh đơn hàng phục vụ xuất khẩu cuối năm, nhưng với tình hình này thì chúng tôi đã không có đủ nguyên liệu cho kế hoạch sản xuất. Dự kiến chúng tôi cố gắng hoàn thành kế hoạch trong một tháng nữa”.
Về xuất khẩu, tôm chân trắng Việt Nam đã ghi nhận mức tăng ấn tượng, đạt 35.350 tấn trong tháng 10, tăng 47% so với tháng 9 và 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và EU đều tăng trưởng mạnh mẽ.
Cùng với sự thay đổi trong mô hình sản xuất tôm ở một số quốc gia như Ấn Độ, ngành tôm Việt Nam sẽ phải tìm ra những giải pháp để duy trì sự ổn định trong dài hạn. VASEP kỳ vọng, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi vào năm 2025, nguồn cung tôm nguyên liệu có thể được cải thiện, giúp giá cả ổn định hơn và mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành xuất khẩu tôm Việt Nam.
Sự điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp
Trước các rào cản mới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động thay đổi chiến lược xuất khẩu. Triển khai mạnh mẽ vào công nghệ chế biến hiện đại, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, và đảm bảo tính minh bạch để tăng giá trị cho sản phẩm. Một số doanh nghiệp còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tận dụng mạng lưới phân phối tại Mỹ, giảm thiểu tác động từ các chính sách thuế.
Dù chính sách thuế có thay đổi, thị trường Mỹ vẫn duy trì nhu cầu cao đối với các sản phẩm tôm chế biến sẵn và đông lạnh, nhờ tính tiện lợi và chất lượng vượt trội. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh khai thác các sản phẩm tôm giá trị gia tăng, nâng cao vị thế trong phân khúc cao cấp, và giữ vững thị phần tại thị trường quan trọng này.
Sản phẩm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng cho rằng, giá thành tôm thương phẩm Việt Nam quá cao, cao hơn 30% so với Ấn Độ/Indonesia và cao hơn gấp đôi so với Ecuador, khiến tôm Việt Nam rất khó để cạnh tranh.
Nếu tôm đạt chứng nhận ASC/BAP có thể bán được giá cao hơn 5 - 10%, còn tôm đạt chứng nhận hữu cơ/sinh thái giá bán cao hơn 10 - 20%. Hơn nữa, tôm đạt chứng nhận sẽ được vào các hệ thống siêu thị lớn, các nhà hàng/khách sạn lớn và các hệ thống phân phối lớn…
"Cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao thì cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả, đặc biệt là về chất lượng, môi trường, sức khỏe và giá bán", ông Lê Văn Quang cho hay.
Xuất khẩu tôm 11 tháng mang về gần 3,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Với sự tăng trưởng ở các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận ở mức 2 con số, xuất khẩu tôm năm 2024 dự báo sẽ đạt 4 tỷ USD. Tuy chưa thể vượt được kim ngạch xuất khẩu tôm kỷ lục của Việt Nam năm 2022 (khi đạt 4,3 tỷ USD), nhưng cũng đã cho thấy ngành hàng tôm đang có sự hồi phục rõ nét so với năm 2023 (chỉ đạt 3,4 tỷ USD)./. |