Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 15 tháng 12 năm 2024  

Giá cà phê tăng cao, nông dân cần chú trọng khâu thu hái để đảm bảo chất lượng

Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024 | 16:33

Những ngày này, hàng ngàn nông hộ trồng cà phê trong tỉnh Lâm Đồng đang vui mừng, phấn khởi khi giá cà phê nhân tăng cao, có thời điểm vượt ngưỡng 130 triệu đồng/tấn. Khắp nơi, không khí nhộn nhịp của mùa vụ đang tràn ngập, nhưng cũng không thiếu những lo âu và thách thức.

Tình trạng thiếu hụt nhân công cùng với lo ngại giá cà phê giảm khiến người nông dân thu hái cà phê đồng loạt ngay cả khi trái chưa chín

Gia đình bà Nguyễn Thị Hải, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng hiện đang có hơn 8 ha canh tác cà phê. Niên vụ cà phê năm nay, gia đình bà dự kiến thu về khoảng 120 tấn quả cà phê tươi, tương đương khoảng 28 tấn cà phê nhân, năng suất ước đạt khoảng 3,5 tấn nhân/ha.

Diện tích trồng cà phê lớn, nên gia đình bà quyết định thu hoạch cà phê sớm, cho dù vườn cây chưa chín đều và đạt như khuyến cáo khi thu hoạch. Mặc dù, bà Hải cũng biết, khi đem cà phê tươi ra đại lý bán sẽ bị khấu trừ hao hụt nhiều hơn. Mặt khác, hiện tại, việc thuê người thu hái cà phê của gia đình bà trở nên ngày càng khó khăn do thiếu nguồn nhân công và chi phí cao.

Bên cạnh niềm vui của người nông dân, mối lo chung hiện nay của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tỉnh Lâm Đồng là tình trạng thiếu hụt nhân công để thu hái cà phê và tình trạng thu hoạch đồng loạt cà phê khi trái chưa chín, dẫn đến chất lượng cà phê năm nay có phần đi xuống.

Ông Đoàn Mạnh Trình - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, đóng chân trên địa bàn huyện Lâm Hà nhấn mạnh, việc hái cà phê khi chưa chín không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Thậm chí về lâu dài, điều này sẽ tác động xấu đến thương hiệu cà phê của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cụ thể, nếu người nông dân tuân thủ tốt việc thu hoạch cà phê chín với tỷ lệ trên 90% sẽ mang đến nhiều lợi ích. Trong đó, sản phẩm được làm từ cà phê thu đúng độ chín sẽ cho ra sản phẩm chất lượng, có hương vị thơm ngon. Thành phần vị chua và vị chát trong sản phẩm được giảm xuống mức thấp nhất. Cùng với đó là người sản xuất được hưởng lợi khi trọng lượng cà phê tươi cao hơn, giá cũng tốt hơn so với cà phê chưa đủ độ chín.

Do đó, nhằm khuyến khích các hộ nông dân thu hoạch cà phê đạt chất lượng cao nhất, Công ty đã xây dựng bảng tiêu chuẩn cộng thưởng cho cà phê chất lượng cao của các nông hộ, trong đó nhấn mạnh cà phê robusta quả tươi hái chín từ 90% trở lên cộng thưởng 1.000 đồng/1 kg cà phê tươi so với thị trường; cà phê hái chín dưới 50% doanh nghiệp này không nhận gửi. Đối với cà phê xay lụa, tách quả xanh, phơi trên dàn ngoài trời theo quy trình hướng dẫn sơ chế của Công ty Tám Trình, doanh nghiệp sẽ cộng thưởng 6.000 đồng/1 kg cà phê nhân so với giá thị trường.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có khoảng gần 177 ngàn ha cà phê, ước sản lượng đạt hơn 572 ngàn tấn, tăng 3,93% so với cùng kỳ. Năm 2024, năng suất cà phê ở nhiều vùng đạt khá, thậm chí có nhiều vùng năng suất vượt trội. Sở dĩ các vườn cà phê đạt năng suất cao là nhờ các ngành chức năng, địa phương đã tăng tốc thực hiện đề án tái canh cà phê với năng suất đạt từ 3 - 4 tấn nhân/ha, cao hơn khi chưa tái canh 1 - 2 tấn/ha. Bước vào vụ thu hoạch, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh khuyến cáo người dân chỉ nên thực hiện việc thu hái cà phê khi tỷ lệ quả chín trên cây đạt từ 80% trở lên.

Ông Hà Ngọc Chiến – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, bước vào cà phê 2024-2025, để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, tiếp tục duy trì và nâng cao thương hiệu cà phê của tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường hướng dẫn người dân sản xuất cà phê thực hiện tốt theo các khuyến cáo.

Cụ thể, người dân chỉ tiến hành thu hoạch quả đúng tầm chín; không thu hái quả xanh, quả non; thu hái đúng kỹ thuật (không tuốt, vặn cành, làm gãy cành); thu hoạch nhiều lần trong một vụ để thu hết quả chín, phải ngừng thu hái trước và sau khi hoa nở 3 - 5 ngày. Trong đó, đối với quả cà phê áp dụng phương pháp chế biến ướt, tỷ lệ quả chín phải đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, cà phê quả sau khi thu hoạch phải được chuyên chở kịp thời về cơ sở chế biến. Nếu chế biến ướt không để quá 24 giờ. Nếu chế biến khô phơi trên sân bê tông hoặc sân đất nện, vải bạt, độ dày không quá 30 cm và thường xuyên cào đảo, phải có phương tiện che mưa. Phương tiện vận chuyển và bao bì đựng cà phê quả phải sạch, không nhiễm phân bón, hóa chất... Trường hợp không vận chuyển hay chế biến kịp thời cà phê phải được đổ trên nền khô ráo, thoáng mát và không được đổ đống dày quá 30 cm và phải cào đảo thường xuyên.

Mặt khác, đối với các cơ sở, nông hộ khi áp dụng các phương pháp sơ chế, chế biến (khô, bán khô hoặc ướt) phải phù hợp đối với từng chủng loại cà phê và phải đảm bảo yêu cầu chất lượng của sản phẩm. Cà phê sau khi được phơi, sấy khô đạt ẩm độ 12 - 13% sẽ được đựng trong các bao chuyên dùng và cất giữ, bảo quản trong nhà kho sạch, khô ráo, thông thoáng. Dự kiến, thời tiết năm nay sẽ có mưa kéo dài, ảnh hưởng đến việc thu hoạch, bảo quản và sơ chế cà phê của người dân. Do đó, ngành Nông nghiệp cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã làm việc với các cơ sở sấy cà phê và các hộ trồng cà phê có phương án tổ chức thu hoạch, sản xuất phù hợp để hỗ trợ người dân sơ chế cà phê đảm bảo chất lượng hiệu quả.

 

 

 

Hoàng Sa/Báo Lâm Đồng

Xem thêm

4 5[6]
Top