Trước tình trạng sâu cuốn lá nhỏ gây hại cục bộ tại một số huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã đưa ra các giải pháp và hướng dẫn bà con phòng trừ.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, vụ lúa mùa năm 2024, tỉnh gieo trồng 48.400 ha, các địa phương đã gieo trồng đạt 100% kế hoạch. Trong đó, trà mùa sớm diện tích 16.940 ha, chiếm 35% diện tích; trà mùa chính vụ 26.620 ha, chiếm 55% diện tích; trà mùa muộn 4.840 ha, chiếm 10% diện tích. Hiện nay, trà lúa sớm đang ở giai đoạn phân hóa đòng, trỗ tập trung từ cuối tháng 8; trà lúa mùa chính đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, trỗ tập trung vào đầu tháng 9; trà mùa muộn đang giai đoạn đẻ nhánh.
Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang hướng dẫn bà con triển khai giải pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại trên lúa.
Qua tổng hợp từ các địa phương, đến ngày 14/8/2024, sâu cuốn lá nhỏ đã gây hại cục bộ tại một số huyện như: Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Thế... với diện tích nhiễm 3.485 ha, nhiễm nặng 310 ha, diện tích phòng trừ 3.950 ha. Dự báo những ngày tới mức độ gây hại của sâu cuốn lá nhỏ có khả năng tiếp tục tăng lên, nếu như không được phun phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị bà con nông dân tập trung theo dõi sát diễn biến sâu cuốn lá nhỏ, chỉ phun phòng trừ những nơi có mật độ cao từ 50 con/m² trở lên với diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh, không phun thuốc tràn lan gây lãng phí thuốc, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Đối với diện tích lúa giai đoạn đứng cái - đòng, để phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, cần phun phòng trừ ngay diện tích lúa mật độ từ 20 con/m² trở lên; diện tích lúa đã phòng trừ lần 1 cần kiểm tra lại phun nhắc lại lần 2 nếu mật độ còn cao; diện tích phun xong gặp mưa phải phun lại ngay khi có điều kiện thuận lợi. Thời gian tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 10-20/8/2024.
Đối với diện tích lúa đã trỗ thoát- chín, cần bám sát đồng ruộng, tổ chức phòng trừ tốt rầy lứa 5 để giảm áp lực rầy lứa 6, nhằm hạn chế cháy rầy cuối vụ. Tiến hành thu hoạch sớm khi trà lúa đến độ chín với phương châm “xanh nhà, hơn già đồng”.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản nhằm ứng phó với sinh vật gây hại trên cây trồng, nhất là cây lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên thăm đồng để kiểm tra nắm chắc diễn biến dịch hại, kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết, sinh trưởng cây trồng, chỉ đạo phun phòng trừ kịp thời, hiệu quả đối với sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu bệnh khác từ nay đến cuối vụ; chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để phòng trừ đảm bảo hiệu quả.