Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 11 năm 2022 | 10:28

Cam, bưởi vào vụ

Thời điểm này, người trồng cam, bưởi tại khắp vùng Tây Bắc bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới. Năm nay, thời tiết thuận lợi, được mùa quả.

Văn Chấn: Cam, bưởi được mùa, được giá

Vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã bắt đầu ổn định sản xuất và đang bước vào vụ thu hoạch. Cam, bưởi được mùa, được giá; nông dân vui mừng, phấn khởi.

Nông dân thị trấn Sơn Thịnh phấn khởi thu hoạch bưởi. Ảnh: Báo Yên Bái

Xã Tân Thịnh hiện có 110 ha cam, quýt; trong đó, có 85 ha đã cho thu hoạch với 75 hộ dân trồng, năng suất trung bình đạt 13 tấn/ha. Những năm trước, dịch vàng lá, thối rễ đã khiến 40 ha cam bị nhiễm bệnh nhưng với sự vào cuộc sát sao của chính quyền xã, ngành nông nghiệp, đến năm nay, dịch đã được khống chế, không còn tiếp tục ảnh hưởng đến cây trồng. Người dân vui mừng phấn khởi, hưởng thành quả xứng đáng sau 1 năm chăm bẵm. 

Gia đình anh Cao Văn Mạnh ở thôn Khe Sừng có 2 ha trồng cam, quýt. Năm 2017, 3.000 m2 cam Đường canh của gia đình bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ. Nhờ phát hiện sớm, điều trị đúng quy trình, đúng thuốc, phòng ngừa, khoanh vùng tốt, vườn cam của anh Mạnh đã nhanh chóng phục hồi, không bị lây lan diện rộng. Năm nay, vườn cam đang sinh trưởng, phát triển khá tốt, chuẩn bị được xuất bán, dự kiến tổng sản lượng đạt gần 30 tấn, tăng 20% so với năm ngoái. 

Anh Mạnh phấn khởi: "Sau mấy năm dịch bệnh, giao thương hạn chế, năm nay, chúng tôi rất vui mừng khi cam quýt năm nay mẫu mã đẹp, quả to, khá đồng đều, giá lại tăng hơn so với năm ngoái. Hiện nay, thương lái đang thu mua cam chanh Vinh với giá 12.000 đồng/kg, cao hơn cùng thời điểm năm ngoái 5.000 đồng và 15.000 đồng/kg đối với quýt sen, cao hơn năm ngoái 3.000 đồng/kg. 

Tôi cho rằng, giá sẽ còn cao hơn nữa vì cam, quýt chưa chín kỹ, ăn chưa đủ độ ngọt nên chúng tôi - một số nhà vườn trên địa bàn xã có sản lượng nhiều đã liên kết, thống nhất sẽ chờ lên giá, tức là sau khoảng 20 ngày nữa mới xuất bán. Còn với cam Đường canh, khoảng gần 1 tháng nữa mới bắt đầu cho thu nhưng một số vườn tỉa sớm cho thu hoạch sớm cũng đang bắt đầu bán với giá 35.000 - 37.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái khá nhiều”. 

Không chỉ có các loại cam, quýt, bưởi Văn Chấn cũng đang độ mọng nước, căng tràn chờ thương lái đến thu mua. Gia đình ông Lương Thế Khiển ở tổ dân phố Hồng Sơn, thị trấn Sơn Thịnh có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng cam, bưởi với 170 gốc cam, 170 gốc bưởi Diễn và da xanh. Năm 2021, vườn cây ăn quả của ông Khiển chỉ xuất bán được trên 20 tấn cam, 5.000 quả bưởi Diễn, 1,4 tấn bưởi da xanh, thu nhập gần 300 triệu đồng. Khởi đầu mùa vụ năm nay, ông Khiển vui lắm vì cây trái được mùa lại được cả giá.

Ông Khiển chia sẻ: "Năm nay, cam của gia đình quả hơi nhỏ nhưng bưởi lại khá tốt. Một số diện tích bưởi da xanh năm ngoái cho thu bói, năm nay, chính thức được thu khiến sản lượng của gia đình tăng khá nhiều. Vụ này, gia đình tôi đã xuất bán ra thị trường được 2,5 tấn bưởi da xanh với giá 18.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với năm ngoái. Vườn hiện còn khoảng 1 tấn bưởi da xanh đang chín, sẽ tiếp tục cắt bán vào rằm tháng tới. Còn bưởi Diễn mặc dù chưa được thu hoạch nhưng quả khá to, đẹp, đồng đều, dự kiến cũng sẽ được giá cao hơn”.

Toàn huyện Văn Chấn hiện có 1.415 ha cam, quýt các loại, giảm hơn 800 ha so với trước; trong đó có khoảng 900 ha đã cho thu hoạch với các giống chủ yếu là Đường canh, CS1 (chanh Vinh), V2, sành, quýt sen, sản lượng đạt 9.500 tấn; bưởi có 59 ha, sản lượng đạt khoảng 300 tấn. Ngay khi kết thúc vụ trước, huyện đã xây dựng và triển khai nhiều hướng dẫn, kế hoạch chăm sóc từ việc phòng, trừ sâu, bệnh hại cho đến kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chăm sóc sau thu hoạch. 

Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, huyện Văn Chấntích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, tăng cường sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ; duy trì hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Đến nay, toàn huyện đã có 105,9 ha cam đã được cấp các chứng nhận về sản xuất sạch, an toàn. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các ngành chức năng xây dựng thành công bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn”. 

Đây sẽ là nền tảng để huyện Văn Chấn xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền; đồng thời, cũng là cơ sở pháp lý để loại bỏ những doanh nghiệp lợi dụng địa danh các sản phẩm đặc thù địa phương để đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, giúp người dân, doanh nghiệp ngày càng nâng cao chất lượng hàng hóa và gia tăng giá trị.

Tuy chưa kết thúc vụ thu hoạch nhưng sau nhiều năm chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đến dịch vàng lá thối rễ trên cây ăn quả có múi, năm nay, người dân vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Văn Chấn đã có khởi đầu suôn sẻ của một mùa vụ bội thu để bù đắp cho bao công sức đầu tư, vun trồng bấy lâu. 

Vụ bưởi mới ở Tân Lạc

Thời điểm này, người trồng bưởi tại khắp vùng Mường Bi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới. Nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT, chăm sóc đúng quy trình và thời tiết khá thuận lợi nên chất lượng quả bưởi ngày càng nâng cao. Năm nay, các hộ trồng bưởi đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội và các phương thức bán hàng trực tuyến để chủ động tìm thị trường tiêu thụ, hy vọng một vụ bưởi được mùa, giá thành ổn định.

Nông dân xã Đông Lai (Tân Lạc) thu hoạch bưởi đỏ đầu vụ. 

Tới vùng trồng bưởi xã Đông Lai (Tân Lạc, Hòa Bình), chúng tôi thăm vườn của gia đình ông Bùi Văn Tuần, xóm Bái Trang. Trong khu vườn rộng hơn 1,5 ha, những quả bưởi đỏ chín vàng óng. Có những cây lâu năm cành trĩu quả, xà xuống bờ tường bao như mời gọi người tới hái để thưởng thức những múi bưởi đỏ mọng, thơm ngọt, mát lành. Với kinh nghiệm trồng bưởi lâu năm, ông Tuần cho biết: Để thu hoạch được sản phẩm chất lượng cao đòi hỏi nhiều công đoạn. Người trồng phải chăm sóc từ khi đơm nụ, nở hoa, kết trái đến khi thu hoạch. Khâu bón phân cũng phải chú ý thời gian, nguyên liệu ủ. Năm nay, bưởi khá đều quả, mẫu mã đẹp, giá bán tại vườn dao động từ 17.000 - 20.000 đồng/quả tùy loại. Bưởi đỏ cho thu hoạch rải rác từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 bắt đầu thu hoạch rộ. Từ một tháng trước, đã có người muốn đặt hàng theo trọng lượng quả hoặc mua nguyên cả cây, chờ đến lúc thu hoạch sẽ đến hái. Mong rằng, thời tiết từ nay đến giáp Tết Nguyên đán vẫn thuận lợi để quả bưởi giữ được chất lượng tốt nhất khi đến tay khách hàng. 

Mùa thu hoạch bưởi đến cũng là lúc HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ Tân Đông phát huy vai trò trong kết nối, tìm kiếm thị trường, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho các thành viên. Ông Trần Hồng Năng, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi có dịch Covid-19, các thành viên HTX đã chủ động, nhạy bén hơn trong việc phối hợp, đoàn kết để cùng tìm kiếm thị trường và khai thác các kênh bán hàng trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội zalo, facebook và sàn giao dịch thương mại điện tử để tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng. Không chỉ liên kết bao tiêu sản phẩm, các thành viên tham gia vào HTX còn được trang bị kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm về mô hình, quy trình SX-KD và tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn... Các sản phẩm bưởi của thành viên HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, đây còn là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, có tem truy xuất nguồn gốc và đựng trong hộp giấy in đầy đủ thông tin, địa chỉ nơi sản  xuất nên luôn được khách hàng, tư thương và cả một số cửa hàng kinh doanh nông sản sạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... tin tưởng lựa chọn mỗi khi đến vụ  thu hoạch.

Huyện Tân Lạc hiện có trên 1.500 ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó có khoảng trên 1.100 ha bưởi các loại, phân bố ở hầu hết ở các xã, thị trấn. Mỗi năm, bưởi đỏ là loại đầu tiên bước vào vụ thu hoạch, tiếp đến trong tháng 11 sẽ là bưởi Diễn và bưởi da xanh. Đồng chí Bùi Văn Hiển, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Tùy theo kỹ thuật chăm sóc mà ở mỗi vườn trồng bưởi sẽ có năng suất, chất lượng tương xứng. Năm nay, cơ bản chất lượng và mẫu mã bưởi vẫn ổn định. Những năm qua, cây bưởi đã khẳng định được giá trị, góp phần phát triển KT-XH của huyện. Trong tổng diện tích bưởi hiện có, huyện đã có nhiều diện tích được cấp chứng nhận VietGAP. Để nâng cao giá trị và gìn giữ thương hiệu bưởi của địa phương, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý thương hiệu; duy trì dán tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng bao bì cho các đơn vị, HTX đạt tiêu chuẩn, đưa quả bưởi xứng tầm sản phẩm đặc trưng được công nhận là sản phẩm OCOP.

Dọc các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn huyện Tân Lạc đã có những sạp hàng bày bán bưởi đỏ, không ít tư thương, khách quen sớm tìm đến hỏi mua. Chỉ ít ngày nữa, trên khắp các vườn bưởi sẽ rôm rả tiếng nói, cười của người mua, người bán, xe hàng các nơi lại nối đuôi nhau chở sản phẩm ngọt thơm, đỏ mọng của vùng Mường Bi phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Hàm Yên vào mùa thu hoạch cam

Đến Hàm Yên vào thời điểm này, những trái cam Vinh, V2 chín sớm mọng nước. Người dân vùng cam Hàm Yên (Tuyên Quang) đang bước vào mùa thu hoạch.

Vườn cam hơn 800 gốc của gia đình anh Trần Văn Đức, xã Bạch Xa đang độ mọng nước, đẩy ngọt chào đón các thương lái vào thu mua. Anh Đức chia sẻ, vườn cam của gia đình anh hiện có hơn 600 gốc là cam Vinh, 200 gốc là cam V2. Năm nay cam của gia đình anh ra hoa, đậu quả gặp thời tiết thuận lợi và được chăm sóc tốt nên cam sai quả, quả to, đồng đều, sản lượng cam tăng 1/3 so với năm 2021. Dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng trên 30 tấn. Thời điểm này đã có nhiều thương lái đến tìm mua, đặt hàng tại vườn với giá từ 10 - 11 nghìn đồng/kg, tăng 2 - 3 nghìn đồng/kg so với vụ cam trước. Thương lái đến từng vườn chọn mua theo trọng lượng quả hoặc mua nguyên cả vườn, chờ đến lúc được thu hoạch sẽ đến hái.

Ông Đặng Văn Thành, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu hoạch cam Vinh đầu vụ.    

Với diện tích hơn 500 ha cam, thời điểm này, một số vườn cam sớm của xã Tân Thành đang bắt đầu thu hoạch cam. Ước tính sản lượng cam của xã năm nay đạt khoảng 7.000 tấn. Đồng chí Đặng Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, cây cam là cây trồng chủ lực của người dân trong xã, vì thế, ngay khi kết thúc vụ cam 2021 - 2022, xã đã xây dựng kế hoạch chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ cam, không để cam tồn đọng. Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cam, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật, chuyển đổi 30 ha cam trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGAP; 14 ha cam trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Đồng thời, duy trì hoạt động của tổ hợp tác cam sành hữu cơ xã Tân Thành, tổ hợp tác cam Tân Thành để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Là 1 trong 7 thành viên đầu tiên của tổ hợp tác cam sành hữu cơ xã Tân Thành được thành lập năm 2018, ông Đặng Văn Thành, thành viên tổ hợp tác cam sành hữu cơ hiện có vườn cam rộng hơn 3 ha, trong đó có 1,5 ha cam sành trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, còn hơn 1,5 ha cam vinh, V2 được ông trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP. Cây cam của gia đình chủ yếu có độ tuổi từ 8 - 9 năm tuổi, ở độ tuổi này sẽ cho ra những trái cam chất lượng cả về sản lượng, mẫu mã, vị ngọt. Ông Thành bảo, xác định việc đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm, giúp sản phẩm dễ tiêu thụ hơn. Khi tham gia vào tổ, ông được chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cam đúng quy trình, kỹ thuật cam hữu cơ, cam an toàn. Cam đạt chứng nhận hữu cơ có tem truy xuất nguồn gốc nên việc tiêu thụ rất thuận lợi, được nhiều khách hàng ưa chuộng, tin dùng. Giá bán cam hữu cơ cao hơn gấp 3 - 4 lần so với cam truyền thống. Hơn 1,5 ha cam sành đang độ mọng nước, đẩy ngọt và 1,5 ha cam Vinh, V2 đang bắt đầu cho thu hoạch những trái cam đầu vụ. Với giá bán tại vườn là 17 nghìn đồng/kg cam VietGAP,  hy vọng rằng ông sẽ có một mùa vụ cam bội thu.

Hiện, huyện Hàm Yên có gần 6.200 ha cam các loại, diện tích cho sản phẩm gần 5.700 ha. Sản lượng cam ước tính gần 75.000 tấn. Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, đồng hành với người dân tiêu thụ hết sản lượng, ổn định về giá và giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, UBND huyện đã và đang tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành xây dựng phương án tiêu thụ cam. Huyện tập trung duy trì và phát triển thị trường tiềm năng: với cam xanh (từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2022) tập trung vào thị trường các tỉnh miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên; còn sản phẩm cam chín (từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2023) tập trung tiêu thụ tại các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Huyện phấn đấu tiêu thụ nội tỉnh đạt từ 20 đến 25% sản lượng; tiêu thụ ngoại tỉnh vẫn là chủ yếu chiếm từ 75 đến 80% sản lượng. Trong đó, tiêu thụ ngoại tỉnh dựa vào các thương lái mua tại vườn, tại huyện cung cấp cho các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Huế, Đà Nẵng, Đắc Lắk, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh... Dự kiến sản lượng tiêu thụ khoảng 55.000 tấn. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, huyện Hàm Yên phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư các tỉnh, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện đưa vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, dự kiến khoảng 15.000 tấn. Còn hơn 4.000 tấn tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử như Vỏ Sò, Postmart, mạng xã hội Zalo, Facebook…

Nhìn những vườn cam, bưởi sai trĩu quả đang vào mùa thu hoạch hứa hẹn sẽ đem lại cho người dân một mùa quả được mùa, được giá.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top