Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 8 năm 2024 | 9:25

Cảnh giác với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

Thời gian qua, việc hàng loạt các công ty, doanh nghiệp bị xử phạt về sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, không đạt chuẩn, đã khiến cho bà con nông dân hết sức lo lắng khi đã và đang sử dụng những sản phẩm vật tư nông nghiệp kém chất lượng...

Nhiều hệ lụy

Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật thường được bà con sử dụng phòng trừ sâu bệnh, dịch hại. Tuy nhiên, khi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đặc biệt các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ tác động không nhỏ tới môi trường và sức khoẻ con người.

Đặc biệt, phân bón giả gây ra hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất xuống, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.

Cụ thể, theo Tổng cục QLTT, mỗi năm cả nước phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ phân bón giả, kém chất lượng. Người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, người nông dân vừa thua lỗ nặng. Với những hộ trồng cây ăn trái, thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chương Mỹ kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xã Đông Phương Yên. Ảnh: Lương Hằng

Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả đang là câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. Theo đó, cơ quan chức năng ở các địa phương liên tục phát hiện, triệt phá và khởi tố hàng loạt đường dây sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Đặc biệt, nhiều hoạt chất đã đưa vào danh mục chất cấm từ lâu nhưng vẫn được nhiều đại lý bán công khai, thậm chí tràn lan trên mạng xã hội.

Lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, hằng năm, Cục đều tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành thông tư danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam, trong đó xác định rõ tên hoạt chất và tên thương phẩm. Thời gian vừa qua, cục đã đề xuất với bộ loại bỏ 14 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp lợi nhuận vận chuyển, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục bị các lực lượng chức năng phát hiện. Điển hình là sản phẩm chứa hoạt chất Paraquat, Chlorpyrifos Ethyl...

Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, cuối năm 2022, nhận thấy tình hình sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng, diễn biến phức tạp, Cục đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương tăng cường phối hợp với các đơn vị để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Mới đây Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp phát hiện và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở buôn bán 200 kg thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc và chuyển hồ sơ cơ quan công an xác minh, xử lý…

Đặc biệt từ các thông tin rao bán trên mạng xã hội và các nguồn thông tin từ các tổ chức, cá nhân phối hợp cung cấp, Cơ quan Công an tỉnh Bắc Giang đã đấu tranh, triệt phá khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Mạnh Đạt về hành vi “Sản xuất hàng giả là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”…

Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện rà soát, thống kê lại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó lập danh sách 14.081 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản (thành phố quản lý 1.609 cơ sở và cấp quận, huyện, xã, phường quản lý 12.472 cơ sở). Trong đó có 3.271 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và 10.810 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Để giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng thanh tra ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 72 tổ chức và 1 cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua công tác kiểm tra phát hiện 10 tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 9 tổ chức và 1 cá nhân với tổng số tiền là 417 triệu đồng; buộc tiêu hủy 14.221kg thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Không dùng thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi để sản xuất nông nghiệp bền vững 

Đối với lĩnh vực trồng trọt, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 2 tổ chức vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 2 tổ chức với tổng số tiền 112 triệu đồng; buộc tiêu hủy 802kg hạt giống rau không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Về lĩnh vực chăn nuôi, thuốc thú y, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện 2 tổ chức vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 1 tổ chức và trình Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính 1 tổ chức với tổng số tiền là 262 triệu đồng; buộc tiêu hủy 92 lọ thuốc thú y quá hạn sử dụng và 52 lọ thuốc thú y không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đồng thời chuyển hồ sơ 1 vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) để xác minh, làm rõ.

Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra 2.249 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, phát hiện 212 cơ sở vi phạm, xử phạt 848 triệu đồng. Một số quận, huyện, thị xã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, là: Đông Anh, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn, Thanh Oai, Hà Đông, Long Biên, Sơn Tây...

Còn theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, trên địa bàn thị xã hiện có 503 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở này chủ yếu là nhỏ lẻ, thậm chí hoạt động theo mùa vụ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã chưa có cơ sở giết mổ tập trung, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm vẫn nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến, song chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn…

Tuyên truyền và kiểm tra, xử lý nghiêm

Các chuyên gia cho rằng, để kiểm soát tốt việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, cần chủ động theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất và  kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên từng địa bàn. Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cho rằng, để thuận lợi hơn trong công tác quản lý phân bón, thuốc BVTV, cơ quan chức năng nên cân nhắc giải pháp “tinh gọn” danh mục các loại sản phẩm này.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có kiểm soát. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản để tăng sức cạnh tranh; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức, trình độ cho nông dân về sản xuất nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, chuỗi sản xuất nông sản an toàn... Qua đó hạn chế việc người dân sử dụng các loại vật tư nông nghiệp không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý chất lượng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và tăng cường quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản; tổ chức thẩm định, xếp loại và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; đồng thời, kiểm tra định kỳ các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. 

Từ thực tế, trồng trọt không thể thiếu phân bón. Việc sử dụng phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại cho người nông dân.

Do vậy, trong thời gian tới, Cục QLTT các địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời kết hợp phổ biến tuyên truyền để tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh này.

Được biết, để giải quyết tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân và ngành nông nghiệp, thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được ký và có hiệu lực thi hành.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Tienphong, hanoimoi...)
Ý kiến bạn đọc
Top