Tự tìm tòi học hỏi, Trần Tuấn Anh ở xã Cam Đường (TP. Lào Cai, Lào Cai) đã xây dựng thành công mô hình nuôi ốc nhồi, cung ứng sản phẩm cho nhiều tỉnh,thành miền Bắc, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thành công
Rẽ vào thôn Dạ 2, chúng tôi đi thăm khu ương nuôi rộng 1.200m2 của chàng trai trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát sinh năm 1994.
Trần Tuấn Anh tâm sự: Tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất năm 2015, em về Lào Cai xin làm việc tại các doanh nghiệp. Công việc đang ổn định thì dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, em phải nghỉ việc.
Con nhà nông lại có sẵn vườn, đồi rộng, Tuấn Anh bắt tay vào tìm hiểu một số ngành nghề chăn nuôi và phát hiện ra nuôi ốc nhồi khá hợp với sở thích và điều kiện của mình.
Khởi nghiệp bằng 5 triệu đồng tiền vốn mua 1,3 vạn con giống nuôi thử ở 3 bể bạt từ tháng 6/2019. Đến tháng 10 thì anh thu hoạch mẻ ốc thương phẩm đầu tiên và chọn lựa được ốc bố mẹ để nhân giống. Tuấn Anh cho biết: “Mẻ ốc thịt đầu tiên bán với giá 70.000 đồng/kg, em đã thu về đủ vốn và lãi được rất nhiều con giống. Cũng từ đó, em tự chủ động nguồn giống của mình”.
Ốc thịt thu hoạch bán với giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg.
Năm 2020, Tuấn Anh quyết định mở rộng mô hình. Anh đầu tư khoảng 30 triệu đồng vừa san gạt mặt bằng, vừa xây hệ thống ao trên diện tích 1.200m2 vườn. Ao có chiều sâu 50-1,2 m, rộng khoảng 5m. Ốc là loài ưa bóng mát nên bên trên mặt nước, anh làm giàn tre để trồng mướp, vừa tạo bóng râm, vừa thu hoạch quả. Ngoài ra, anh cũng trồng thêm sắn, dọc mùng... làm tăng thêm nguồn thức ăn phong phú cho ốc.
Tuấn Anh chia sẻ: “Hàng ngày em thu gom phụ phẩm nông nghiệp như: bèo, bầu bí, mướp, bẹ chuối, quả mít... làm thức ăn cho ốc. Đây đều là những thứ sẵn có ở quanh nhà nên không tốn thêm bất cứ chi phí gì về thức ăn và con giống. Tuy nhiên, nuôi ốc quan trọng nhất là phải có nguồn nước ổn định và sạch, có thể tận dụng nước từ các khe, mạch tự nhiên hoặc nước từ giếng khoan công nghiệp.
Để duy trì môi trường sạch sẽ, Tuấn Anh thực hiện thay nước mỗi tháng 1 lần và phân chia ốc sinh sản, ốc nhỡ, ốc to... vào từng bể riêng để dễ chăm sóc và thu hoạch. Mỗi năm, thu hoạch 2 đợt ốc thịt, từ tháng 2 - 4 và tháng 8 - 10 âm lịch. Mỗi đợt thu được 4-6 tạ, bán với giá 70.000-90.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, em bán cả trứng ốc, ốc con làm giống với giá 500.000-800.000 đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng”.
Từ khi khởi nghiệp đến nay, Tuấn Anh chưa gặp phải sự cố hay thất bại gì bởi ốc dễ nuôi lại nhanh được thu hoạch (khoảng 3 tháng), thị trường nhiều tiềm năng. Tuấn Anh rất tích cực tham gia vào các hội nhóm nuôi ốc nhồi, đặc biệt là Hội Chăn nuôi ốc nhồi của tỉnh Lào Cai để được hướng dẫn, chia sẻ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhiều người ở các tỉnh Lai Châu, Hà Nam, Thái Bình, Phú Thọ... tìm đến tham quan mô hình, học hỏi về kỹ thuật nuôi và cũng đã thành công.
Thu nhặt trứng ốc giống.
Muốn mở rộng quy mô
Hiện, ốc thịt thương phẩm của Tuấn Anh không chỉ tiêu thụ tại Lào Cai mà còn cung cấp cho các tỉnh, thành: Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa... Do luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán, anh đứng ra bao tiêu cho gần chục hộ nuôi ốc khác với sản lượng trung bình từ 2 tạ đến hơn 1 tấn/hộ. Theo Tuấn Anh, các món ăn chế biến từ ốc nhồi rất được ưa chuộng nên nhu cầu của khách hàng còn rất lớn. Chính vì vậy, anh vẫn đang nung nấu tìm cách mở rộng quy mô.
Thành công rồi nhưng vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường dành cho mặt hàng này nên không chỉ khuyến khích các thành viên khác trong hội nhóm nuôi ốc, anh còn bỏ công đi quanh xã, sang cả xã khác trong vùng để tìm thêm những hộ có nhu cầu phát triển kinh tế và có đủ điều kiện: mặt bằng, nguồn nước... để hỗ trợ xây dựng mô hình.
Một góc ao nuôi.
Tuấn Anh cho rằng: “Để bà con làm giàu thì khó, nhưng để có được nguồn thu nhập ổn định thì hoàn toàn có thể làm được từ sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện hiện nay của mình, tôi chưa thể đầu tư thêm và thuê nhân công. Nhưng tôi sẵn sàng giúp bà con khởi nghiệp, đây cũng là cách giúp mình mở rộng quy mô sản xuất nhưng gắn chặt tinh thần và trách nhiệm của họ vào. Vì vậy, tôi luôn tìm cách chủ động tư vấn và sẵn sàng cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi”.
Anh tin rằng, với vài hộ gia đình thì là chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng nếu nhiều hộ cùng nhau phát triển bền vững thì không chỉ tạo công ăn việc làm, có nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo ra vùng chuyên cung cấp sản phẩm ốc sạch lớn cho toàn miền Bắc.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.