Chanh thơm Bình Thanh, xã Bình Thanh (Bình Sơn - Quảng Ngãi) cho trái 4 mùa, người dân địa phương thường gọi là chanh Tứ quý. Sản phẩm đang trình hồ sơ để Hội đồng thẩm định của tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Nguồn gốc của giống chanh thơm Bình Thanh từ núi Thình Thình (xã Bình Thanh), nên người dân nơi đây còn gọi là Chanh thơm Thình Thình. Hơn 10 năm trước, trong một lần đi tuần với đội bảo vệ rừng của xã, ông Phạm Tấn Huỳnh ở thôn Tham Hội 3 phát hiện cây chanh rừng và mang về trồng thử. Chẳng bao lâu, cây chanh sinh trưởng, phát triển nhanh, 4 mùa sai trái, cây lại không có gai nhiều, trái chanh có vỏ dày, nhiều nước và rất thơm.
Ông Huỳnh chia sẻ: “Tôi nghĩ là “lộc” của rừng cho người nghèo khó, nên cố gắng bảo tồn nguồn giống, nhân giống và san sẻ cho nhiều người trong thôn, trong xã trồng. Các nhà khoa học đã đánh giá gene của giống chanh là hoang dã, rất quan trọng cho quê hương, nên cần nhân rộng”.
Anh Nguyễn Vũ Vương ở xã Bình Thanh chọn cây chanh thơm có nguồn gốc từ núi Thình Thình làm cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế.
Với khát vọng và ý chí của tuổi trẻ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Vũ Vương (35 tuổi) ở thôn Tham Hội 3 đã quyết tâm vươn lên làm giàu từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp ngay trên vùng đất quê hương. Nhận thấy tiềm năng của cây chanh, anh quyết định chọn chanh thơm Tứ quý ở địa phương làm cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế.
Từ 20 gốc chanh ban đầu, nhân giống bằng phương pháp chiết cành từ cây bố mẹ và ươm hạt, đến nay, vườn chanh của gia đình anh đã có 850 cây, trong đó hơn 500 cây đã cho thu hoạch.
Theo anh Vương, giống chanh thơm này cho trái 4 mùa, thời điểm vào mùa trái rộ từ tháng 3 - 7 âm lịch. Chanh có vị chua thanh dịu nên rất được thị trường ưa chuộng.
Anh Vương thường thu hoạch trên 1,5-2 tạ chanh/ngày, rồi giao chanh cho tiểu thương ở các chợ trong huyện Bình Sơn. Những tháng chính vụ, giá dao động 15.000 - 20.000 đồng/kg, những ngày cận Tết Nguyên đán và tháng Giêng, giá tăng lên, đến 45.000 đồng/kg. Mỗi năm, thu khoảng 22-25 tấn trái, thu nhập khoảng 250 -300 triệu đồng.
Thấy được giá trị kinh tế của chanh thơm, anh phá bỏ diện tích trồng ổi, mít chuyển sang trồng chanh, đến nay, gia đình có khoảng 1,8ha chanh thơm.
Ngoài việc trồng chanh bán trái, anh Vương còn ươm, ghép cây giống để cung ứng ra thị trường. Bình quân, anh bán cho các hộ dân có nhu cầu và tại các hội chợ khoảng 3.000 cây giống với giá 70.000 đồng/cây; số lượng cây có khi nhiều hơn do nhu cầu đăng ký cây giống của các hộ mua.
Phó chủ tịch UBND xã Bình Thanh Bùi Văn Đông cho biết, những năm qua, từ nguồn hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng của Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, địa phương đã hỗ trợ giống chanh cho nông dân. Đến nay, Bình Thanh có 40 hộ trồng chanh thơm, phát triển diện tích lên đến 25ha. Chanh thơm Bình Thanh đã có chứng nhận VietGAP và nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận. Mô hình trồng chanh thơm rất có triển vọng, khi đầu ra của sản phẩm đã có nơi tiêu thụ, giá cả ổn định. Xã đang lên kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh hơn 50ha.
Bình Thanh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân. Xã đã khảo sát xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp ở các thôn và khuyến khích người dân phát triển cây chanh thơm.
Từ hiệu quả của chanh thơm Bình Thanh, các địa phương trên địa bàn Bình Sơn cũng đã mua giống về trồng. Đến nay, theo thống kê của các địa phương, xã Bình Tân Phú trồng 2,5ha, Bình Hòa 1,5ha, Bình Phước 1,5ha.
Hiện, nhiều địa phương ngoài tỉnh cũng đặt mua cây giống chanh thơm Bình Thanh để trồng thử nghiệm.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.