Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 2 năm 2023 | 21:18

Chuyến ra khơi đầu năm của bà con ngư dân đón nhiều “lộc biển”

Sau chuyến ra biển đầu năm mới, nhiều ngư dân đã được đón “lộc biển” để thu về hàng tỷ đồng, đây thực sự là một tín hiệu vui cho bà con ngư dân vùng biển, hứa hẹn một năm làm ăn “thuận buồm, xuôi gió”.

Chuyến biển khai xuân cho giá trị gần 3 tỷ đồng

Đó là trường hợp tàu cá của gia đình anh Đào Hùng Mậu, ngư dân thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long, hiện cư trú tại thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Khách hàng thu mua cá hố sau khi tàu của ngư dân Đào Hùng Mậu về tại bờ Nam cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu. Ảnh: CSCC

Sau khi nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, từ ngày 1 - 4/2 (từ 11 - 14 tháng Giêng), tàu cá của ngư dân Đào Hùng Mậu đánh bắt được trên 30 tấn cá hố và quay về bờ. Với giá xuất bán là 90.000 đồng/kg, chuyến biển đạt giá trị gần 3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí ngư lưới cụ, xăng dầu và nhân công, chủ tàu lãi khoảng 2 tỷ đồng/chuyến biển.

Theo đại diện Nghiệp đoàn nghề cá xã Quỳnh Long: Tàu cá của gia đình anh Đào Hùng Mậu là một trong những tàu cá của xã thường xuyên đánh bắt hiệu quả vài năm lại đây.

Theo thống kê sơ bộ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, đã có 20 lượt tàu cá trên tổng số 37 tàu đánh xa bờ của bà con Quỳnh Long ra khơi, trong đó có tàu ra khơi từ mồng 4 Tết và đã đánh bắt được 2 chuyến biển, giá trị sản lượng đạt bình quân từ 200 triệu đến gần 1 tỷ đồng/chuyến.

Riêng tàu cá của 2 ngư dân đánh bắt hiệu quả nhất là của anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Minh Thành, chuyến biển ngày mồng 4 Tết đạt giá trị gần là 2 tỷ đồng và chuyến biển của tàu anh Đào Hùng Mậu, thôn Đại Bắc về ngày 14 tháng Giêng đạt 3 tỷ đồng.

Ngư dân Hà Tĩnh đón nhiều “lộc biển”

Trong ánh nắng tươi mới của buổi sớm mai, vùng biển xã Xuân Yên (Nghi Xuân) lại nhộn nhịp các tàu, thuyền đánh cá trở về sau chuyến biển những ngày đầu xuân năm mới. Ngư dân chủ yếu khai thác được tôm sắt, cá cháo, ghẹ, cá trích…

Niềm vui của ngư dân Hà Tĩnh khi đón lộc đầu năm của biển

Ngư dân Nguyễn Tuân (thôn Yên Lợi, xã Xuân Yên) chia sẻ: “Những ngày qua, thời tiết nắng hanh vào ban ngày là điều kiện thuận lợi để bà con đánh bắt được những hải sản có giá trị kinh tế cao. Bắt đầu từ 2 giờ sáng, chúng tôi đã vươn khơi, thả lưới và trở về vào 6 – 9h sáng cùng ngày. Giá hải sản đầu năm được thu mua ở mức cao (cá cháo khoảng 180 – 200.000 đồng/kg, ghẹ 150 – 180.000 đồng/kg…) nên chúng tôi rất phấn khởi. Có ngày tôi may mắn trúng gần 20 kg cá cháo, thu về hơn 3,5 triệu đồng”.

Xã Xuân Yên hiện có hơn 200 tàu thuyền đánh bắt hải sản, công suất 6 - 24 CV. Từ ngày mùng 4 Tết làm lễ “mở biển” đến nay, ngư dân Xuân Yên phấn khởi vì khai thác thuận lợi. Sau mỗi chuyến biển, ngư dân có thể thu về từ 2 – 3 triệu đồng/thuyền.

Ngư dân nhiều vùng bãi ngang trên địa bàn tỉnh như: xã Thịnh Lộc, Thạch Kim (Lộc Hà); Thạch Hải, Thạch Trị (Thạch Hà); Kỳ Phú, Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh) cũng hồ hởi vươn khơi. Những chuyến biển thuận lợi đầu năm càng tiếp thêm niềm tin cho ngư dân bám biển, khai thác các loại hải sản trong vụ cá Nam sắp tới.

Song hành với niềm vui thắng lợi của ngư dân, các tiểu thương kinh doanh cũng phấn khởi khi có được nguồn hàng để phục vụ thị trường. Chị Nguyễn Thị Thúy – tiểu thương tại TP. Hà Tĩnh chuyên nhập hàng tại Cảng cá Cửa Sót chia sẻ: “Trước tết, biển động dài ngày, nguồn cung hải sản tươi khá hiếm, chúng tôi không có đủ hàng để bán cho khách. May mắn là từ ra tết đến nay, thời tiết thuận lợi, ngư dân tích cực bám biển nên hàng hóa đã đa dạng hơn, tôi nhập được gần 5 triệu tiền hàng/ngày gồm tôm biển, cá thu, cá bớp, cá bạc má…”.

Theo ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, từ ngày 2 Tết, nhiều ngư dân Hà Tĩnh đã làm lễ “mở biển”, khai thác hải sản. Thời thời tiết thuận lợi, các nguồn lợi hải sản cuối vụ cá Bắc như cá cháo, tôm, ruốc… xuất hiện tương đối nhiều nên bà con phấn khởi vươn khơi. Do đợt này chủ yếu đang là tàu nội tỉnh, hoạt động gần bờ, thời gian đánh bắt trong đêm, hải sản tươi nguyên nên vừa cập bến là “cháy hàng”, nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu khá cho ngư dân. Tính chung tổng sản lượng khai thác trong tháng 1/2023 đạt mức khá, khoảng 3.100 tấn.

Thời gian tới, các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn bà con ngư dân khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn lợi của vụ cá Bắc; nắm bắt thông tin thời tiết để đảm bảo an toàn trên biển. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khai thác vụ cá Nam kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 9 âm lịch, đây cũng là vụ khai thác chính nhất trong năm”.

Bên cạnh những tín hiệu vui từ những chuyến đi biển đầu năm của bà con ngư dân, chính quyền địa phương của một số tính miền Trung lại đang tập trung quyết liệt để thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU

Quảng Bình quyết liệt thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Văn Lợi cho biết, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU. Đặc biệt, khuyến nghị về hoàn thiện khung pháp lý đã được tỉnh thực hiện đầy đủ, phù hợp với tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng tập trung khắc phục để chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 4 vào tháng 4/2023.

Quảng Bình sẽ hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Hiện, công tác chống khai thác IUU ở tỉnh ta vẫn còn tình trạng một số tàu cá hoạt động nhưng chưa có giấy phép khai thác thủy sản (KTTS); công tác ghi, nộp nhật ký KTTS chưa bảo đảm yêu cầu, các chủ tàu cá chưa thực hiện ghi chép trên biển và nộp cho Ban Quản lý cảng cá theo quy định, một số chủ tàu khi vào bờ mới ghi, nộp nhật ký khi được yêu cầu…

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 66 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tập trung nhiều ở các xã Bảo Ninh với 11 tàu cá; Cảnh Dương 11 tàu cá, Quảng Xuân 10 tàu cá; Quảng Lộc 7 tàu cá; Đức Trạch 3 tàu cá, Nhân Trạch 3 tàu cá... 

Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Lê Ngọc Linh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU, nhưng tập trung chủ yếu vào một số nguyên nhân, như: Nhiều chủ tàu, thuyền trưởng ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt; đặc biệt, một số chủ tàu, thuyền trưởng cố tình ngắt kết nối, không duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình để trốn tránh sự giám sát của các đơn vị chức năng; một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác chống khai thác IUU, chưa phát huy vai trò của UBND cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ; việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại vùng nước ven bờ còn hạn chế.

Theo kế hoạch, tháng 4/2023 Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4. Hiện các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai thực hiện chống khai thác IUU.

Nỗ lực cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, Quảng Bình đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân Quảng Bình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép KTTS, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lập danh sách các tàu cá không tham gia KTTS và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý…

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top