Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 2 năm 2023 | 10:27

ĐBSCL chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) dự báo, trong tuần tới, xâm nhập mặn có xu thế tiếp tục tăng theo kỳ triều cường Rằm tháng Giêng Âm lịch. Ranh mặn 4g/l lớn nhất tuần sau có thể xuất hiện từ phạm vi 45-55km trên các cửa sông Cửu Long, từ 55-70km trên cửa sông Vàm Cỏ.

Xâm nhập mặn tăng cao

Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện tại xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi từ 30-50km từ cửa biển vào các ngày triều cường. Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 2/2023, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập đến 40-50km, so với năm 2020 thấp hơn từ 18-20km. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 40km trở xuống.

Cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đang đóng ngăn mặn để trữ ngọt phục vụ nước sản xuất vùng Chợ Gạo-Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Ranh mặn 4 g/l lớn nhất tháng 2/2023, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 65-70km, so với năm 2020 thấp hơn từ 25-35km, nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 5-7km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 60km trở xuống trong các kỳ triều cường.

Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn. Một số thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, tuy nhiên, nguồn nước cơ bản vẫn đảm bảo để cung cấp phục vụ sản xuất cho vụ Đông Xuân 2022-2023.

Tuần qua, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong có xu thế giảm, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long có xu thay đổi theo triều. Tại trạm Kratie, mực nước trong tuần có xu thế giảm, đến 7 giờ ngày 1/2 vừa qua mực nước đạt 7,5m; so với cùng kỳ cao hơn trung bình nhiều năm 0,58m, cao hơn năm 2022 khoảng 0,08m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,82m, cao hơn năm 2016 khoảng 0,65m.

Tại Biển Hồ, dung tích ngày 1/2 đạt 8,15 tỷ m3; so với cùng kỳ, cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,35 tỷ m3, cao hơn năm 2022 khoảng 2,87 tỷ m3, cao hơn năm 2020 khoảng 5,61 tỷ m3, cao hơn năm 2016 khoảng 5,49 tỷ m3.

Cán bộ kỹ thuật Công ty THHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre kiểm tra độ mặn khu vực cống Trung Nhuận, huyện Giồng Trôm.

Tại Tân Châu và Châu Đốc, mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc tuần qua có xu thế giảm theo triều. Mực nước lớn nhất ngày 1/2 tại trạm Tân Châu đạt 1,29m; so với cùng kỳ, cao hơn năm 2016 khoảng 0,12m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,16m. Tại Châu Đốc đạt 1,46m; so với cùng kỳ, cao hơn năm 2016 0,17m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,17m.

Hiện, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục phối hợp với các Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Khoa học Thủy lợi miền Nam tăng cường theo dõi thông tin từ thượng nguồn sông Mê Công, liên tục cập nhật nhận định tình hình để báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT phương án ứng phó.

Tiền Giang xây dựng phương án đối phó với nước mặn

Mấy ngày gần đây, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền khu vực tỉnh Tiền Giang nên chính quyền và người dân địa phương đang khẩn trương ứng phó. Đến ngày 4/2, nước mặn từ biển tràn vào sông Tiền đến địa phận thành phố Mỹ Tho với độ mặn 1,4 gam/lít; tại cống Xuân Hòa (thuộc xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) gần 4 gam/lít.

Nước mặn xâm nhập hiện nay chưa ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân tỉnh Tiền Giang (Ảnh: VOV).

Trước tình trạng này, các hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt ven sông Tiền, kênh Chợ Gạo từ vùng Gò Công đến thành phố Mỹ Tho đều đóng kín. Cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi diễn biến mặn để có biện pháp ứng phó.

Hiện, hơn 21.000 ha lúa đông xuân các huyện phía Đông ở tỉnh Tiền Giang đã trổ đòng; một số diện tích lúa đang chín. Trong khi đó, mức nước ngọt trong các kênh nội đồng còn ở mức cao nên không thiếu nước nếu hạn mặn tiếp tục xâm nhập sâu.

Riêng các công trình xây cống ngăn mặn ven sông Tiền như cống Phú Phong, Rạch Gầm (huyện Châu Thành), cống Hai Tân, Cây Còng (huyện Cai Lậy) đã thi công đạt 75% khối lượng công trình. Các cống này đã xây xong các cửa cống có khả năng ngăn mặn để bảo vệ hàng chục nghìn ha vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang.

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Các công trình khai thác thủy lợi Tiền Giang cho biết, nước mặn đang lên cao đột biến nhưng theo nhận định trong vài ngày nữa sẽ giảm. Hệ thống dự án “ngọt hóa Gò Công” hiện đã đóng hết cống. Cống Xuân Hòa lấy gạn, nước mặn dưới 1 gam/lít mới cho lấy nước, trên 1 gam/lít cống sẽ đóng kín. Riêng khu vực thành phố Mỹ Tho các cống ngăn mặn đã được đóng kín hết, vì dự kiến đợt này sẽ đạt đỉnh mặn cao nhất trong ngày 4/2 sau đó giảm dần. Hiện tại nước dự trữ trong kênh nội đồng còn khá cao nên nông sản của người dân sẽ không bị thiệt hại.

Vĩnh Long chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, dịp Tết Quý Mão năm 2023 trùng với kỳ nước triều dâng cao 30 tháng Chạp âm lịch năm Nhâm Dần nên khả năng độ mặn xâm nhập sâu và sạt lở bờ sông có thể diễn biến phức tạp, do đó, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình để chủ động ứng phó.

Người dân Vĩnh Long làm túi trữ nước ngọt ngay trong vườn để phục vụ tưới tiêu.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương trong dịp Tết theo dõi chặt chẽ diễn biến về nguồn nước, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, nhất là tại các điểm có nguy cơ bị sạt lở và đã sạt lở thời gian gần đây. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các địa phương tổ chức kiểm tra mực nước và đo độ mặn thường xuyên, tranh thủ thời gian độ mặn cho phép tổ chức vận hành các công trình thủy lợi để lấy nước ngọt và trữ nước tối đa vào hệ thống kênh, rạch, mương, ao, hồ phục vụ sản xuất, dân sinh; tranh thủ nguồn nước ngọt đảm bảo để tưới cho diện tích cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 đã xuống giống.

Cùng với đó, các ngành chức năng, các địa phương thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới các xã và người dân; vận động người dân tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Các ngành chức năng, địa phương kiểm tra và hướng dẫn neo đậu các lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, đồng thời nhắc nhở các chủ cơ sở nuôi trồng không di dời lồng, bè vào sát bờ, đề phòng sạt lở bờ sông sau khi triều rút gây thiệt hại về người và tài sản.

Bến Tre đối diện tình trạng xâm nhập mặn mùa khô sớm

Để đối diện tình trạng xâm nhập mặn mùa khô, tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 trên địa bàn nhằm chủ động phương án phòng chống.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố khảo sát hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa những công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn... để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.

Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa 33 hạng mục công trình cống ngăn mặn, nạo vét kênh nội đồng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô năm 2022- 2023.

Cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra đo độ mặn tại cống thủy lợi Tre Bông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, chuẩn bị phương án ngăn mặn tạm thời trong trường hợp các cống không kịp hoàn thành trước mùa khô năm 2022-2023. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có phương án ngăn mặn đối với công trình cống Tân Phú, Bến Rớ thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre (khi cần thiết).

Các đơn vị chức năng thực hiện giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô bao gồm đập tạm ngăn mặn, thuyền bơm... đã được đầu tư mùa khô 2019-2020.

Cùng với việc thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh Bến Tre yêu cầu chuyển tiếp thông tin dự báo, cảnh báo, số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm đến lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã và thông qua trang mạng xã hội (Zalo, Facebook) về phòng chống thiên tai để người dân biết, ứng phó. Lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Có kế hoạch cấp nước cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô hạn, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng phục vụ. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, duy tu bảo dưỡng hệ thống cấp nước tại các nhà máy nước; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng kịp thời khắc phục những hư hỏng trên tuyến, đảm bảo vận hành nhà máy nước liên tục phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.

Cùng đó, việc nạo vét các ao chứa nước thô được chú trọng nhằm tăng lượng dự trữ nước ngọt phục vụ vận hành cấp nước; tổ chức đo kiểm tra độ mặn tại các nhà máy để có kế hoạch lấy nước hợp lý phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân trong giai đoạn xâm nhập mặn… UBND các huyện, thành phố kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch; chỉ đạo sản xuất theo đúng lịch thời vụ. Mặt khác, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn; các thông tin dự báo, cảnh báo; chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để tổ chức ứng phó cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top