Hiện nay, xâm nhập mặn trên các cửa sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu hướng tăng dần. Để né hạn, mặn, nhiều địa phương trong vùng đang khẩn trương gieo sạ vụ lúa đông xuân sớm, riêng tỉnh Sóc Trăng đã gieo cấy trên 100.000ha, đạt trên 60% kế hoạch.
Sóc Trăng gieo sạ trên 100.000 ha lúa
Theo Cục Thủy lợi, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2023-2024, năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Ngoài các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ nằm ở vùng lõi thì các tỉnh còn lại ở ĐBSCL, mặn có thể xâm nhập sâu vào các nhánh sông lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con.
Tại tỉnh Tiền Giang, mặn có thể xâm nhập sâu ở các sông lớn như: sông Tiền, Vàm Cỏ Tây, kênh Chợ Gạo. Các khu vực có thể bị ảnh hưởng chính gồm các huyện, thành phố phía Đông của tỉnh Tiền Giang. Độ mặn trên 4 phần ngàn dự báo xuất hiện trên các sông Ông Đốc, Gành Hào, kênh Phụng Hiệp của tỉnh Cà Mau.
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã chủ động ứng phó bằng nhiều biện pháp trước khi xuống giống vụ mới để giảm rủi ro. Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) là địa phương ven biển, nằm trong vùng thủy lợi khép kín, thường xuyên bị ảnh hưởng nếu mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt cục bộ vào mùa khô. Từ 2 tuần nay, tranh thủ mực nước trên ruộng đang giảm nông dân khẩn trương xuống giống vụ lúa chính trong năm - vụ đông xuân với hi vọng được mùa trúng giá.
Ông Lâm Buôl, ở xã Liêu Tú (huyện Trần Đề) tranh thủ cải tạo 2ha ruộng để xuống giống vụ lúa đông xuân 2024-2025, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. “Các giống được bà con ưu tiên chọn là giống lúa đặc sản, chất lượng cao như: nhóm lúa ST, OM5451, OM18, OM34, Đài Thơm 8... Riêng tôi chọn giống Đài Thơm 8 vì phù hợp với thời tiết, hạn chế dịch bệnh”, ông Buôl nói.
Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ trên 100.000 ha lúa đông xuân, đạt trên 60% kế hoạch sản xuất.
Hiện, nhiều cánh đồng ở huyện Thạnh Trị lúa đã gieo sạ được hơn 1 tháng. Nông dân nơi đây đang tích cực ra đồng theo dõi diễn biến của thời tiết, sâu, bệnh hại nhằm có giải pháp phòng, ngừa kịp thời. Ông Nguyễn Văn Phúc, xã Lâm Tân cho biết, những năm gần đây bà con đều chủ động gieo sạ sớm vụ lúa đông xuân nhằm né hạn, tránh mặn, đảm bảo năng suất, chất lượng lúa, đem lại giá bán cao. Việc xuống giống vụ đông xuân trễ rất dễ bị ảnh hưởng của nước mặn làm giảm năng suất lúa. Rút kinh nghiệm nên tôi sạ sớm hơn gần 1 tháng so cùng kỳ những năm trước. Lúa thu hoạch trước Tết Nguyên đán vừa né được mặn vừa có thu nhập để chuẩn bị ăn Tết.
Ông Lê Thanh Chúc, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị cho hay, vụ lúa đông xuân này, địa phương xuống giống hơn 31.500 ha, được chia làm 3 đợt. Để đảm bảo đạt năng suất, sản lượng theo kế hoạch đề ra, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng lịch thời vụ sản xuất vụ đông xuân gồm: vụ sớm gieo sạ từ 10/9 - 15/10/2024, vụ chính vụ gieo sạ từ đầu tháng 11 đến giữa 12/2024, vụ muộn gieo sạ dứt điểm 25/1/2025.
Để ứng phó với tình hình mặn xâm nhập, tỉnh Sóc Trăng đang đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa đông xuân 2024 - 2025. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ trên 100.000 ha, đạt trên 60% kế hoạch sản xuất. Sở Nông nghiệp và PTNT đã bố trí lịch thời vụ sớm nhằm tránh mặn, hạn hán cuối vụ, đặc biệt tại những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao. Đồng thời, khuyến cáo người dân gia cố đê bao chắc chắn để chủ động bơm trữ nước ngọt, tiến hành nạo vét hệ thống kênh thủy lợi nội đồng nhằm khơi thông dòng chảy.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, mùa khô năm nay sẽ đưa vào vận hành hai công trình thủy lợi trọng điểm ở ĐBSCL là cống ngăn mặn trữ ngọt Nguyễn Tấn Thành ở tỉnh Tiền Giang và Rạch Mọp ở tỉnh Sóc Trăng. Hai cống này giúp điều tiết nước cho hơn 150.000 ha đất canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 người dân giúp các địa phương chủ động ứng phó với mùa khô năm nay. |
Chủ động xuống giống né hạn, mặn
Để tránh thiệt hại do sâu, bệnh và các yếu tố thời tiết gây bất lợi đến sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu thông báo lịch xuống giống vụ lúa đông xuân 2024 - 2025 sẽ chia làm 3 đợt. Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố xây dựng lịch xuống giống riêng cho đơn vị phù hợp với thực tiễn sản xuất của địa phương theo nguyên tắc “né rầy, né hạn mặn”.
Ông Trương Phước Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phước Long cho biết, để chủ động ứng phó với hạn hán, mặn xâm nhập và dịch hại có thể ảnh hưởng đến diện tích lúa đông xuân, địa phương đã xây dựng lịch xuống giống sớm hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Địa phương còn chủ động tuyên truyền nông dân gia cố đê bao chắc chắn để chủ động bơm trữ nước ngọt khi có mặn xâm nhập. Cùng đó, ngành chức năng đã tiến hành nạo vét hệ thống kênh thủy lợi nội đồng nhằm khơi thông dòng chảy, chủ động bơm tát ứng phó với mặn xâm nhập.
Nhiều địa phương tranh thủ xuống lúa sớm để tránh hạn mặn (Ảnh: Báo Apbac).
Vụ lúa đông xuân 2024 - 2025, Bạc Liêu có kế hoạch xuống giống 45.000ha. Theo đó, ngành Nông nghiệp các địa phương đã bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ của tỉnh kết hợp với biện pháp “xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng”, chỉ đạo không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen.
Ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo, các địa phương cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện giải pháp gieo sạ tập trung, không để xảy ra tình trạng nhiều trà lúa trong cùng một cánh đồng. Quan tâm thực hiện làm phẳng mặt ruộng kết hợp với đánh rãnh để chủ động áp dụng giải pháp ngập khô xen kẽ và phòng chống rầy nâu, ốc bươu vàng hiệu quả. Ðặc biệt, trong tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, nông dân và ngành Nông nghiệp các địa phương cần theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời các thông tin dự báo mưa, bão, lũ và các khuyến cáo của ngành chức năng để chủ động sản xuất và phòng tránh thiệt hại cho lúa đông xuân.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, vụ lúa thu đông năm 2024, nông dân các huyện phía Đông của tỉnh gồm: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thành phố Gò Công xuống giống hơn 12.500 ha lúa. Ở thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được trên 500 ha, diện tích còn lại đang trong giai đoạn trổ và chín.
Nhằm chủ động phòng chống hạn mặn mùa khô mùa khô năm 2024 - 2025 có thể xảy ra, sau khi thu hoạch vụ thu đông nông dân các huyện phía Đông của tỉnh khẩn trương xuống giống vụ đông xuân; trong đó chọn các giống năng suất cao, khả năng chịu hạn mặn cao. ác địa phương trong khu vực ngọt hóa Gò Công cũng chủ động làm thủy lợi nội đồng đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt cho vụ mùa tới.
Ông Nghĩa gieo sạ vụ lúa đông xuân, (Ảnh: Báo Apbac).
Vừa thu hoạch xong vụ lúa thu đông cách nay khoảng 1 tuần, gia đình ông Nguyễn Trọng Nghĩa (ấp Quới An, xã Long Bình) đã khẩn trương cuốn rơm, thuê máy cày xới đất để gieo sạ 4 công lúa của gia đình. Thời điểm này, nguồn nước phục vụ sản xuất vẫn còn rất dồi dào. Có năm, thời điểm này là đã đóng cống ngăn mặn, nhưng hiện vẫn còn xả cống. Do đó, gieo sạ thời điểm này khả năng sẽ không bị ảnh hưởng bởi mặn, ông Nghĩa nhận định.
Gia đình chị Nguyễn Thị Trúc Linh (ấp Hòa Phú, xã Long Bình) thu hoạch xong gần 2 ha lúa cách nay ít ngày. Sau khi thu hoạch xong, gia đình chị đã khẩn trương làm đất và gieo sạ vào ngày 7/12, để đảm bảo đủ nguồn nước sản xuất. Chị Linh chia sẻ, bà con ở đây ai làm lúa xong cũng khẩn trương gieo sạ lại. Bởi bây giờ đã là đầu tháng 11 âm lịch, nếu không tranh thủ thì nguy cơ lúa sẽ bị thiếu nước tưới.
Theo Cục Trồng trọt, bố trí thời vụ lúa vụ đông xuân 2024-2025, các địa phương trong vùng cần tập trung rà soát bố trí thời vụ xuống giống và cơ cấu giống lúa phù hợp trong từng tháng, từng tiểu vùng, đồng thời theo dõi chặt chẽ nguồn nước, có phương án điều tiết cấp thoát nước, sử dụng nước phù hợp cho sản xuất. Ngoài ra, cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi đồng thời căn cứ theo bản đồ nguy cơ cho lúa vào những năm cực đoan lũ và hạn mặn đã được xây dựng trước đây để làm cơ sở cho bố trí mùa vụ sản xuất.
Một điều kiện quan trọng nữa là, theo Cục Trồng trọt, khi bố trí thời vụ cho lúa đông xuân cần lưu ý trong kỹ thuật canh tác như tập trung cày ải, phơi đất, cải tạo mặt bằng, vệ sinh đồng ruộng và giãn cách giữa hai vụ ít nhất 3 tuần; mật độ sạ (khối lượng hạt giống lúa sử dụng/ha) thích hợp, sử dụng lượng giống từ 80-100 kg/ha, sạ lan hay bằng trang thiết bị sạ bằng máy, công cụ sạ hàng; đồng thời tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tỷ lệ áp dụng và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng giống lúa xác nhận, cày ải, áp dụng 1 phải 5 giảm, cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng... Bên cạnh, nông dân cần cân đối sử dụng phân bón trong vụ này, ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão, khô hạn...
Sử dụng những giống lúa cho vụ đông xuân, ngoài những giống lúa có tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã, chịu hạn mặn... Cục Trồng trọt còn khuyến cáo nông dân sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn và có phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Các nhóm giống lúa chính khuyến cáo sử dụng, gồm: Nhóm giống lúa chủ lực khả năng thích ứng rộng, diện tích ổn định, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt như: OM 18, OM 5451, OM 4900, OM 6976, Jasmine 85, Ðài Thơm 8, OM 7347, Nàng Hoa 9... Nhóm giống bổ sung thích hợp một số vùng sản xuất đặc thù, phù hợp tập quán canh tác, có thị trường hẹp như RVT, nếp IR 4625, ÐS1, Tài Nguyên, ST 24, ML202, OM 9582...Nhóm các giống lúa chịu được độ mặn ở mức độ trung bình, khá như OM 6976, OM 5451, OM 9921, OM380... và các giống lúa chịu mặn ở mức độ khá hơn, gồm OM 9577, OM 9955...
Các nhà chuyên môn còn cho rằng, song song với việc tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp cho vụ lúa đông xuân vừa an toàn trước thiên tai vừa giúp tăng năng suất, sản lượng lúa, thì cũng cần chú trọng đến vấn đề xã hội khác như sự liên kết giữa nông dân, tổ chức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác) với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp... Các địa phương có điều kiện thì triển khai kế hoạch thực hiện Ðề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” nhằm tăng thêm lợi ích kinh tế lẫn môi trường.
Tổng hợp từ nguồn: Daidoanket.vn; Vov.vn; Baoapbac.vn, baocantho.com.vn...