Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 1 năm 2023 | 9:34

Dấu mốc trên hành trình 20 năm không để ai bị bỏ lại phía sau

Kể từ khi thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến nay đã tròn 20 năm. Đây là dấu mốc rất quan trọng, để chúng ta tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai tín dụng chính sách hiệu quả trong thời gian tới.

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau khi nghe báo cáo của NHCSXH và các ý kiến tham luận tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

Kênh tín dụng phụng sự người nghèo

Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, huy động được sự tham gia tích cực của toàn xã hội.

Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cụ thể hóa quy định của Luật các tổ chức tín dụng về phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.

Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

Trải qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, với sự kiên trì, quyết tâm cao, phát huy nội lực của NHCSXH và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn vốn tăng gần 42 lần

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 298.000 tỷ đồng, tăng gần 291.000 tỷ đồng, gấp 41,9 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,4%.

Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30.000 tỷ đồng thể hiện rõ phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm.”

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.

Trong 20 năm qua, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ ( năm 2002) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ tại thời điểm 30/11/2022.

Kết quả này cũng thể hiện qua nhiều người dân đã được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi này.

Hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới

Trong 20 năm qua, NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.624 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố.

Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác. Hoạt động giao dịch tại 10.435 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nề nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã” là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, 20 năm qua, NHCSXH thường xuyên chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, quyết tâm với công việc, phục vụ người dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, cùng các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết, hoạt động phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội bắt đầu từ năm 2003. Tính đến ngày 30/11, các cấp Hội Nông dân đang quản lý 51.637/168.624 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ ủy thác qua tổ chức Hội đạt 83.397 tỷ đồng cho 1,973 triệu tổ viên  còn dư nợ, chiếm 30,1% tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,25%. Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý ngày càng được nâng cao, có gần 50.000 tổ xếp loại tốt, khá (chiếm tỷ lệ 96,1%).

“Nhìn lại chặng đường 20 năm thực hiện hoạt động ủy thác giữa NHCSXH và các đoàn thể chính trị- xã hội nói chung, Hội Nông dân Việt Nam nói riêng ngày càng phát huy được hiệu quả; chính sách tín dụng đã đi vào đời sống của từng người dân Việt Nam góp phần tạo điều kiện cho NHCSXH và Hội Nông dân Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao về mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, cũng đánh giá cao nguồn vốn tín dụng chính sách. Đây là nguồn vốn triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, tác động trực tiếp giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh) và mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế-xã hội, là trụ cột của các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.

Từ những kết quả đạt được sau 20 năm triển khai thực hiện, đặc biệt sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, có thể khẳng định, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống. Là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.

Nhiệm vụ thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững là rất nặng nề

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2022.

Các chuyên gia dự báo, năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, nguy cơ suy thoái gia tăng; rủi ro về tài chính, tiền tệ, bất động sản, an ninh lương thực, năng lượng,… có khả năng hiện hữu.

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, sức ép lạm phát còn cao, thị trường quốc tế có xu hướng bị thu hẹp; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến lao động, việc làm, thu nhập của người lao động, hậu quả của đại dịch Covid-19 kéo dài, thiên tai, bão lũ trái quy luật, khó dự báo…

Điểm ra một loạt những thách thức của nền kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững là rất nặng nề, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị NHCSXH chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn và nâng mức cho vay. Tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn.

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top