Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2024 | 10:20

Để người dân miền núi xứ Thanh sống “khỏe” từ cây dược liệu (Bài 2): Mô hình hiệu quả, cách làm hay

Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với những cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình dược liệu của người dân, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên chính đồng đất của mình.

>> Bài 1: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Mô hình dược liệu cho thu nhập cao

Tại huyện miền núi Bá Thước, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, trong những năm gần đây, người dân đã chủ động đưa cây dược liệu vào thay thế các cây trồng trước đây kém hiệu. Sau thời gian thực hiện, với những cách làm sáng tạo cùng với hỗ trợ từ HTX, nhiều mô hình cây dược liệu đã cho thu nhập cao, kỳ vọng sẽ là cây giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Gia đình ông Nguyễn Đại Hải trú tại xã Điền Trung, huyện Bá Thước, sau khi được HTX Dược liệu Pù Luông và chính quyền xã đến tư vấn, hướng dẫn gia đình ông đã chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu như: Cà gai leo, sài đất, xạ đen, hoàn ngọc, tía tô, ngải cứu…

Mô hình ba tầng tán (bên dưới là trồng cây dược liệu, trên là trồng cây thanh long và cây đu đủ) giúp ông Nguyễn Đại Hải thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Hải chia sẻ, bước đầu từ 6 sào đất kém hiệu quả, gia đình ông thuê lại của UBND xã Điền Trung, đến nay ông đã tích tụ và chuyển đổi gần 1ha để tiếp tục canh tác cây dược liệu. Thời điểm đầu, cây cà gai leo nếu chăm sóc tốt cho năng suất và thu nhập cao gấp 4 lần so với trồng các loại cây hoa màu khác. Theo tính toán của ông, một sào cà gai leo sau khi thu hoạch phơi khô bán với giá hơn 40.000/kg cho thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/vụ, 2vụ/năm đạt gần 30 triệu đồng, với 6 sào cho gia đình ông thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm, trừ chi phí thu về hơn 100 triệu đồng.

Ông Hải cho biết thêm, trên cùng thửa đất cây dược liệu ông trồng xem canh cây đu đủ lấy hoa và cây thanh long ruột đỏ. Với 4 lứa chính/năm, cây thanh long ruột đỏ cho ông thu hoạch tổng sản lượng khoảng 12 tấn/năm, với giá bán trung bình 25.000/kg ông thu về khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm; hoa cây đu đủ, có thời điểm ông thu hoạch 100kg/ngày, với giá giao động từ 25.000 – 40.000/kg tươi.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Điền Trung cho biết, gia đình ông Hải là hộ đi đầu trong phát triển cây dược liệu của xã, đây là mô hình điển hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Mỗi năm từ mô hình này đã cho ông thu nhập hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 3- 4 nhân công tại địa phương, với mức lương trung bình 5 - 6 triệu đồng/ tháng.

Cùng với lợi thế về đất đai, khí hậu, nhu cầu lớn về thị trường dược liệu và nguồn đầu ra từ các HTX trên địa bàn huyện, chính quyền xã đang định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây dược liệu vào thay thế cây trồng kém hiệu quả nhằm tăng giá trị và thu nhập.

“Hiện nay, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch để các hộ dân đến tham quan học hỏi kinh nghiệp trực tiếp từ mô hình dược liệu của hộ gia đình ông Hải. Trong thời gian tới xã sẽ quy hoạch, phát triển vùng trồng cây dược liệu tập trung từ 1ha trở lên” – ông Thành chia sẻ.

Cụ Bợt, 75 tuổi (ngoài cùng bên trái) ở thôn Sặc, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước phấn khởi vừa qua gia đình vừa thu hoạch thêm được gần 1 sào cây Hoàn Ngọc, với năng suất cao hơn vụ trước.

Không chỉ gia đình hộ ông Hải, trên địa bàn huyện Bá Thước hiện đang có hàng trăm hộ dân liên kết với HTX Dược liệu Pù Luông phát triển mô hình cây dược liệu với diện tích khoảng 30ha, chủ yếu các cây: cây chè đắng, xạ đen, cà gai, hoàn ngọc, ngải cứu và một số loại cây khác. Bước đầu cũng đã cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 – 4 lần so với các cây trồng khác.

Ông Phạm Quý Lưu, Trưởng thôn Sặc, xã Thiết Ống chia sẻ, trên địa bàn thôn có khoảng 30 hộ đang liên kết với HTX Dược liệu Pù Luông trồng cây hoàn ngọc, với diện tích gần 5ha chuyển đổi từ diện tích lúa, ngô, sắn… trước đây kém hiệu quả. Sau 2 vụ thu hoạch, một sào cây hoàn ngọc đang cho các hộ trong thôn thu nhập khoảng 4 triệu đồng/vụ, thu hoạch 2 vụ/năm, trong khi cây lúa, cây ngô, cây sắn… trước đây chỉ có 1 vụ/năm.

“So với cây lúa, cây ngô, cây sắn thì cây dược liệu đem lại hiệu quả gấp 3 – 4 lần. Vụ tới đã có thêm 10 hộ dân trong thôn đăng ký trồng mới cây hoàn ngọc, dự kiến thôn có thể mở rộng thêm khoảng 3ha…”– ông Lưu nói.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bá Thước cho biết, mặc dù cây dược liệu là cây trồng mới trên địa huyện, tuy nhiên bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng truyền thống như: cây ngô, cây lúa... Bên cạnh đó, không đòi hỏi cần nhiều nước như canh tác lúa, vì vậy,  người dân có thể canh tác cây dược liệu mỗi năm ít nhất 2 vụ, từ đó có thêm thu nhập.

Ông Tâm cho biết thêm, hiện nay, với nhiều mô hình dược liệu phát triển tốt, tuy quy mô chưa lớn nhưng đã cho kết quả khả quan. Trong thời gian tới, huyện sẽ cùng với HTX trên địa bàn hỗ trợ người dân phát triển mở rộng diện tích trồng dược liệu trên địa bàn 6 xã; tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân đưa cây dược liệu sản xuất thay thế cây trồng trước đây kém hiệu quả.

Cách làm hay

Trước đây, với những diện tích chỉ chuyên canh dược liệu, nhận thấy chu kỳ khai thác khá lâu, trong khi đặc tính cây dược liệu phát triển sinh trưởng tốt dưới các tán cây, ông Nguyễn Đại Hải đã đưa cây ăn quả, cây lấy hoa trồng xen canh trên cùng diện tích đất canh tác dược liệu để tạo thêm thu nhập thêm cho gia đình. Với cách làm này, với 1ha đất ông đã có thêm 2 nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Ông Hải chia sẻ, cùng diện tích trồng dược liệu trên, ông tạo 3 tầng tán, cao nhất ông trồng cây đu đủ đực để lấy hoa, tầng giữa ông thêm cây thanh long ruột đỏ, tầng dưới cùng là cây dược liệu. Với các tầng tán như vậy không ảnh hưởng đến sinh trưởng những cây trồng trên cùng diện tích đó mà gia đình ông có thêm nguồn thu nhập liên tục trong năm.  

“Đặc điểm của cây dược liệu là chu kỳ khai thác dài, giao động từ 6 tháng đến 3 năm, trong khoảng thời gian đó để có thu nhập duy trì cuộc sống cần có nguồn thu nên tôi tận dụng trên nền đất trồng thêm các cây có chu kỳ khai thác ngắn ngày, không những vậy nó có thể tạo bóng mát và độ ẩm cho cây dược liệu sinh trưởng mạnh…” – ông Hải nói.

Người dân phấn khởi được HTX Dược liệu Pù Luông hỗ trợ cây giống dược liệu. 

Thời gian qua, với nhu cầu mở rộng vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng đủ dược liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến, nhiều mô hình dược liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phát triển cả về quy mô và chất lượng thông qua liên kết hợp tác bền vững giữa HTX với người dân.

Đáng chú ý, là mô hình liên kết trồng dược liệu của HTX Dược liệu Pù Luông với hàng trăm hộ dân trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Để người dân yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, HTX đã hỗ trợ cho người dân vốn đầu tư ban đầu (giống, phân bón, chi phí cải tạo đất…) theo hình thức trả chậm, đặc biệt, một số địa phương lồng ghép các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các dự án hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài tỉnh, HTX sẽ hỗ trợ người dân hoàn toàn vốn đầu tư ban đầu. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật, đưa cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp hỗ trợ người dân trồng và chăm sóc cây dược liệu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Dược liệu Pù Luông cho biết, để người dân yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, nhằm thúc đẩy mở rộng vùng nguyên liệu, kịp thời đáp ứng nguồn cung cho các nhà máy. HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây dược liệu vào canh tác. Bước đầu, HTX sẽ hỗ trợ người dân 70% vốn đầu tư theo hình thức chậm trả bao gồm: cây giống, phân bón, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Một số mô hình kết hợp cùng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, HTX sẽ hỗ trợ người dân 100% vốn ban đầu không hoàn trả.

“Hiện nay, với nguồn vốn hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bá Thước, tại thôn Sặc, xã Thiết Ống, chúng tôi đã hỗ trợ người dân hoàn toàn vốn đầu tư ban đầu mà không hoàn trả” – ông Thân cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bá Thước đánh giá, không chỉ thôn Sặc mà nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện đang được HTX Dược liệu Pù Luông liên kết phát triển trồng dược liệu, từ vốn đầu tư ban đầu cho đến bao tiêu sản phẩm, với diện tích khoảng hơn 30ha. Việc hỗ trợ chi phí đầu tư lên đến 70% về giống, phân bón theo hình thức chậm trả giúp người dân giảm bớt chi phí đầu tư, yên tâm về rủi do đầu ra cho cho sản phẩm của mình.

Ngoài ra, HTX có kỹ thuật hỗ trợ cùng người dân trồng, chăm sóc, qua đó chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giúp người dân có thêm kiến thức, kỹ năng trong canh tác, từng bước thay đổi tư duy sản xuất. Đặc biệt là sản xuất theo hướng hữu cơ, tận dụng được thảm thực vật sẵn có, phân thải từ gia xúc tạo ra phân bón, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao lợi nhuận.

Bài 3: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

 

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
Top