Đây là một trong những yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong – Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Tháp, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo mở rộng, sáng 8/3.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu kết luận. Cùng chủ trì cuộc họp còn có các Phó Trưởng ban: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu.
Các địa phương phải rà soát lại các tiêu chí và thực trạng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn, nhất là các tiêu chí mới; các sở cũng phải tăng cường đối chiếu thông tin địa phương cung cấp, từ đó có bảng theo dõi chính xác để chỉ đạo thực hiện đáp ứng yêu cầu; quan tâm đến các tiêu chí về an ninh trật tự.
Bên cạnh nguồn đầu tư công cần chú trọng đến nguồn lực xã hội đóng góp xây dựng nông thôn mới và không để có tình trạng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới chậm giải ngân hoặc giải ngân không đạt yêu cầu – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Về phát triển sản phẩm OCOP, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị tiếp tục duy trì, thúc đẩy khởi nghiệp để tạo giá trị mới từ sản phẩm tài nguyên bản địa Đồng Tháp, trong đó có sản phẩm OCOP; nâng chất lượng sản phẩm và thúc đẩy nâng hạng sản phẩm OCOP.
Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục tập trung cho các ngành hàng chủ lực, có kế hoạch, hướng phát triển cụ thể hằng năm. Trên cơ sở thông tin phân tích dữ liệu đối tượng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng phải nghiên cứu phương thức hỗ trợ cho hộ nghèo, chú ý đến nhóm đối tượng người nghèo có khả năng lao động. Bên cạnh hỗ trợ thoát nghèo từ các chính sách, chương trình của các cấp chính quyền, đoàn thể, cần tính đến phương thức người dân giúp nhau thoát nghèo, trong đó Hội quán là một trong những điển hình.
Văn phòng điều phối (thuộc Ban Chỉ đạo) báo cáo kết quả thực hiện chương trình và thông tin kế hoạch năm 2023
Năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm 18 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm 03 huyện nông thôn mới: Lai Vung, Lấp Vò và Châu Thành.
Dự kiến năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4%, từ 2,17% xuống còn 1,77% theo chuẩn nghèo đa chiều; đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định, góp phần tăng thu nhập bình quân hộ nghèo cuối năm 2023 tăng 1,3 lần so với cuối năm 2020.
Về kinh tế tập thể, phát triển mới ít nhất 10 hợp tác xã theo Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh; số hợp tác xã đạt loại tốt, khá là 179 hợp tác xã, số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao là 40 hợp tác xã, 90 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Về sản phẩm OCOP, có ít nhất 50 sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên; có ít nhất 02 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia v.v..
Sáng 29/5, tại Trường THCS Bắc Lý (Lý Nhân), Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành giáo dục tỉnh Hà Nam về khảo sát việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam.