Để nâng cao hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã và làng nghề tập trung thúc đẩy quảng bá, giới thiệu, kết nối và phát triển các kênh phân phối sản phẩm OCOP trên thị trường nước ngoài.
Sản phẩm OCOP đang có những lợi thế nhất định trên thị trường.
Cú hích từ xu hướng tiêu dùng mới
Ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) cho biết thực tế hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu biết, nhận diện được thương hiệu của các sản phẩm OCOP.
Điều này có thể đến một phần do sản phẩm OCOP chỉ được sản xuất theo mùa vụ, phát triển ở từng vùng miền nên khả năng tiếp cận với đông đảo khách hàng bị hạn chế. Ngay khu trưng bày sản phẩm OCOP ở các siêu thị hiện nay dù đã có không gian riêng nhưng vẫn ít nhận được sự quan tâm, lựa chọn của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, một cú hích được coi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những HTX sản xuất sản phẩm OCOP đó là hiện nay, nhiều người đang ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương vì những sản phẩm này thường thu hoạch, sản xuất theo mùa nên tạo được cảm giác an toàn với sức khỏe và tươi hơn so với những sản phẩm sản xuất đại trà, dàn trải. Những sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền cũng đang được coi là sự lựa chọn phù hợp cho những người đang áp dụng các chế độ ăn kiêng, ăn uống có chọn lọc.
Khảo sát của AC Nielsen cũng cho thấy, khoảng 90% người tiêu dùng Việt cho rằng những thực phẩm được sản xuất theo quy trình hữu cơ tuy đắt nhưng phần lớn họ đều quyết định chi trả thêm chi phí cho dòng thực phẩm này.
Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (Hà Nội) Đinh Thị Hải Yến cho biết, nhu cầu sử dụng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của người tiêu dùng là có thật. Nhất là những sản phẩm tươi, chế biến sạch trên dây chuyền máy móc phù hợp luôn có độ tin cậy nhất định đối với người tiêu dùng.
Nhiều người tiêu dùng cho rằng nếu các vùng sản xuất sản phẩm đặc trưng thì thực phẩm sẽ tươi hơn, không phải vận chuyển xa nên ít chất bảo quản. Điều này phù hợp với những sản phẩm OCOP vì khi được chứng nhận đều phải đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm và có những tiêu chuẩn rõ ràng.
Ông Đỗ Trọng Học, Giám đốc HTX mắc ca Thành Phát (Thanh Hóa), cho biết nhu cầu ăn kiêng, ăn các sản phẩm từ các loại hạt của người tiêu dùng gia tăng cũng là điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sản xuất từ hạt mắc ca đạt OCOP 3 sao của HTX tiêu thụ trên thị trường.
“Những sản phẩm như muối, bột ngọt... sản xuất công nghiệp khá thông dụng vì sử dụng hàng ngày nên có sức cạnh tranh. Nhưng bây giờ tâm lý mọi người sợ dùng hàng trôi nổi, gây bệnh tật cao cũng chính là điều tốt cho sản phẩm OCOP”, ông Đỗ Trọng Học nói.
Tìm hướng đầu tư phù hợp
Vậy nhưng có một điều hiện nay là làm sao để nhiều người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng những sản phẩm này biết và sử dụng chúng. Trong khi phần lớn các chủ thể OCOP vẫn chỉ là mô hình sản xuất quy mô nhỏ, quy trình chưa chuyên nghiệp.
Còn để đưa được sản phẩm OCOP ra thị trường đòi hỏi rất cao về điều kiện sản xuất, quy trình sản xuất, máy móc, nhà xưởng, vùng nguyên liệu.
Chị Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc HTX quế Trà My- Minh Phúc (Quảng Nam) cho biết mỗi khi đầu tư thêm một sản phẩm OCOP là cần dây chuyền, máy móc phù hợp. Trong khi nguồn vốn của HTX để mở rộng sản xuất có hạn.
Trước thực tế này, nhiều HTX băn khoăn rằng khi không đủ điều kiện về vốn đầu tư máy móc nhưng HTX có ý tưởng sản xuất sản phẩm đặc trưng dựa trên tài nguyên bản địa bằng hình thức thuê đơn vị gia công thì có được không? Có phù hợp với chương trình OCOP không?
Theo các quy định của chương trình OCOP có thể thấy, chủ thể OCOP là người khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa (nguyên liệu, ngành nghề địa phương). Mục tiêu của OCOP là làm thế nào để người dân, thành viên HTX từ tài nguyên bản địa đó có ý tưởng phát triển sản phẩm để gia tăng giá trị, tạo ra sản phẩm có độ hoàn chỉnh để đưa ra thị trường.
Nhưng hiện nay, nhiều chủ thể OCOP là các tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX đang gặp những khó khăn về vốn, công nghệ, năng lực sản xuất, kinh doanh. Do đó theo giới chuyên gia, việc thuê đơn vị gia công ở giai đoạn đầu được pháp luật cho phép vì không vi phạm bất kỳ tôn chỉ mục đích nào nêu trên.
Quan trọng là HTX cần có vùng nguyên liệu ở địa phương. Bởi nếu HTX vừa thuê gia công, vùng nguyên liệu ở xa hoặc nhập từ bên ngoài thì không có ý nghĩa gì của sản phẩm OCOP và dễ kéo giảm doanh thu, lợi nhuận, không tối ưu trong sản xuất.
Trong khi đầu tư công nghệ, máy móc, nhà xưởng trong thời kỳ đầu với HTX là không hề dễ dàng và có cả những rủi ro lớn. Việc đưa một sản phẩm mới ra thị trường chưa chắc đã thành công. Do đó, thuê gia công trong giai đoạn đầu được cho là hướng đi nhằm hạn chế rủi ro cho HTX cũng như các chủ thể OCOP khác.
Anh Nguyễn Sang, Giám đốc chuỗi cửa hàng Vua Đặc Sản, cho rằng thuê gia công cũng giúp sản phẩm dễ đạt được tiêu chuẩn hơn so với HTX tự đầu tư chế biến trong khi máy móc chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, một vấn đề hiện nay đó chính là khâu quảng bá sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự mang tính tổng thể dù thời gian qua đã được Nhà nước hỗ trợ trong quảng bá sản phẩm OCOP.
Ông Đỗ Trọng Học cho rằng khi vào các siêu thị có thể thấy, người tiêu dùng hay lựa chọn những sản phẩm được quảng cáo trên tivi. Do đó, khâu cần làm là các sản phẩm OCOP được truyền thông, quảng cáo xứng tầm mới thu hút được người tiêu dùng.
"Nên trang bị màn hình ở gian hàng trong siêu thị, cửa hàng để quảng bá sản phẩm thông qua các video về quy trình chế biến nhằm thuyết phục khách hàng", ông Học nói.
Phát triển sản phẩm OCOP từ các Hợp tác xã
Những năm qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) chủ động, tích cực tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo động lực cho các HTX phát triển. Nhiều sản phẩm của các hợp tác xã đạt 3 sao, 4 sao OCOP, được quảng bá, kết nối thúc đẩy tiêu thụ.
Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại xã Bích Hòa giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Chương trình OCOP từ khi được triển khai đến nay nhận được sự quan tâm của nhiều HTX trên địa bàn huyện Thanh Oai, đã có nhiều sản phẩm của các HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, nhiều sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện
Một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của Thanh Oai là sản phẩm thịt lợn chế biến của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước). Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho hay, khi Chương trình OCOP được triển khai, hợp tác xã đã đăng ký tham gia chương trình. Năm 2022, một số sản phẩm thịt lợn chế biến của hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.“Sau khi tham gia chương trình OCOP, công tác xúc tiến thương mại của hợp tác xã được đẩy mạnh, tham dự nhiều hội chợ, sản phẩm được giới thiệu trên một số trang thương mại điện tử, giúp sức tiêu thụ tăng gấp 2 lần so với trước đó”, ông Nguyễn Trọng Long chia sẻ.
Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng) vốn nổi tiếng với 2 sản phẩm gạo chất lượng cao là Nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên thông tin, từ năm 2012, hợp tác xã đã tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội. Hằng năm, hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 7.000-7.500 tấn lúa chất lượng cao. Sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng áp dụng mô hình trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Điểm khác biệt để làm nên thương hiệu gạo Tam Hưng là nhờ chất đất nông nghiệp vùng trũng, giàu dinh dưỡng, hạt lúa sau khi gieo trồng mẩy và vàng hơn, cơm ngon hơn. Đặc biệt, giống gạo nếp khi nấu xôi có màu trắng, mịn, thơm...
Năm 2021, khi tham gia Chương trình OCOP của huyện, hợp tác xã có 2 sản phẩm gạo Nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7 đạt OCOP 4 sao. Từ khi tham gia chương trình, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm của hợp tác xã được thành phố và huyện hỗ trợ rất lớn, sức tiêu thụ từ đó cũng tăng cao. Hợp tác xã đang làm hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP đối với sản phẩm gạo Japonica, gạo Đài thơm số 8, Bắc hương số 9 và một số sản phẩm khác nhằm đa dạng hơn nữa sản phẩm gạo chất lượng cao của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP và đã được đánh giá, phân hạng 52 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao trên cơ sở sản phẩm truyền thống của địa phương và của các hợp tác xã, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo. Đặc biệt, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá đến người tiêu dùng sản phẩm OCOP của huyện, Thanh Oai đã xây dựng 2 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Kim Bài và xã Bích Hòa.
Cùng với việc bố trí gian hàng, huyện Thanh Oai còn phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, tổ chức hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu. Các chương trình xúc tiến thương mại đều có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP và lãnh đạo huyện, thành phố. Tại các chương trình xúc tiến, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP trưng bày, giới thiệu gần 1.000 dòng sản phẩm của các địa phương trong cả nước.
Để nâng cao hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của huyện, đặc biệt là sản phẩm OCOP của các hợp tác xã và làng nghề, đối với các xã làng nghề có sản phẩm được công nhận OCOP, huyện đang rà soát quỹ đất để bố trí điểm trưng bày sản phẩm, hình thành các tuyến du lịch làng nghề. Huyện cũng rà soát và đưa vào danh mục các nhóm ngành hàng cần ưu tiên phát triển, xây dựng thương hiệu, từ đó đầu tư quy mô sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tập trung vào sản phẩm theo chuỗi khép kín, ứng dụng công nghệ cao của các hợp tác xã.
Ngoài ra, huyện Thanh Oai còn xây dựng cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng/sản phẩm (sản phẩm được xếp hạng sao) để xây dựng thương hiệu. Huyện chủ động rà soát, lồng ghép vào các chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, công nghệ cao… để hỗ trợ kinh phí, khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất cho các chủ thể, hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt, huyện phối hợp với các đơn vị xây dựng kênh thương mại điện tử riêng cho sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá. Ông Nguyễn Trọng Khiển khẳng định.
Đưa các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu
Các sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi bật của Việt Nam đang được giới thiệu tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế AF-L'ARTIGIANO IN FIERA.
Khu gian hàng quốc gia Việt Nam tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế AF-L'ARTIGIANO IN FIERA năm 2024 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhằm thúc đẩy quảng bá, giới thiệu, kết nối và phát triển các kênh phân phối sản phẩm OCOP trên thị trường nước ngoài.
Giới thiệu sản phẩm hoa quả sấy của Việt Nam với khách tham quan tại AF-L'ARTIGIANO IN FIERA.
Khu gian hàng Việt Nam tại hội chợ AF-L'ARTIGIANO IN FIERA có quy mô 90m2 với sự tham gia của 8 đơn vị doanh nghiệp và gần 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Khu gian hàng quốc gia Việt Nam đã thu hút đông khách quốc tế tham quan, giao dịch và trải nghiệm.
Các sản phẩm được trưng bày tại Khu gian hàng Việt Nam gồm sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu như: Sản phẩm tơ lụa, thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, trang trí nội ngoại thất, chạm khắc, túi xách; sản phẩm quà tặng… và các sản phẩm thực phẩm thế mạnh của Việt Nam như: Hạt điều, chè, macca, nước ép trái cây, trái cây sấy các loại…
Với chủ đề “Sản phẩm OCOP Việt Nam: Hội tụ giá trị - Lan tỏa văn hóa”, Khu gian hàng quốc gia Việt Nam được tổ chức với không gian được xây dựng theo hình thức mở, kết hợp với phục vụ trải nghiệm và thử nếm sản phẩm, thuận tiện cho khách thăm quan trải nghiệm và tìm hiểu về sản phẩm, văn hóa vùng miền.
Trong đó, sản phẩm mục tiêu là các sản phẩm OCOP 5 sao, sản phẩm OCOP đạt giải tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt giải cuộc thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Các hoạt động trình chiếu hình ảnh, video quảng bá về sản phẩm OCOP gắn với văn hóa đặc trưng vùng miền, du lịch nông thôn tiêu biểu của Việt Nam; giới thiệu sản phẩm, tiếp nhận thông tin phản hồi của khách hàng (doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng,...) về các sản phẩm của Việt Nam cũng được diễn ra.
Chương trình nằm trong chuỗi các nhiệm vụ thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chủ trì thực hiện nhằm xúc tiến tiêu thụ quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - cho biết, Khu gian hàng quốc gia Việt Nam tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế AF-L'ARTIGIANO IN FIERA năm 2024 tại Milan (Italia) trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP Việt Nam, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam tới các đơn vị thương mại, người tiêu dùng của các nước châu Âu.
Khu gian hàng Việt Nam giới thiệu tới khách tham quan về văn hóa đặc trưng vùng miền của Việt Nam thông qua các câu chuyện của sản phẩm OCOP Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tham gia hội chợ còn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể OCOP quảng bá, kết nối thông tin, trao đổi kinh nghiệm giúp từng bước hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy cơ hội hợp tác thương mại tại thị trường EU./.
Chiều ngày 9/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) tại tỉnh Quảng Nam.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.