Để có thêm thu nhập lúc nông nhàn, ở một số huyện miền núi Hà Tĩnh, người dân vẫn ngày ngày mưu sinh bằng nghề “đập keo” thuê nặng nhọc với nhiều mối hiểm nguy rình rập.
Nghề gian nan
Giữa cái nắng như đổ lửa, băng qua những đoạn đường khúc khuỷu, gập ghềnh, chúng tôi tìm đến một khu rừng tràm đang độ tuổi khai thác ở xã Nam Điền (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Nơi đây, đội quân “phu keo” vẫn đang lao động miệt mài mặc cho mồ hôi túa ra như tắm.
Việc cưa cây, vận chuyển những thân gỗ keo to, nặng được các đấng mày râu đảm nhận.
Từ xa đã nghe thấy tiếng cưa máy rít từng hồi, tiếng cây ngã đổ xen lẫn tiếng cười nói làm vang cả khu rừng. Trong nhóm 5 - 10 người làm công việc này, cánh đàn ông sẽ đảm nhận công việc nặng như cắt cây, vác cây; còn chị em phụ nữ sẽ đảm nhận vai trò bóc vỏ cây keo. Công việc nặng nhọc nhưng dụng cụ làm việc của họ rất thô sơ, mỗi người chỉ chuẩn bị cho mình đôi bao tay, cái rựa, đôi ủng hoặc dày có bám cao rồi đeo thêm chiếc khẩu trang dạng chụp trên đầu kín mít chỉ để lộ cặp mắt. Khi những cây keo ngã xuống, ai nấy đều tự giác vào việc. Người thì cưa cây ra thành từng khúc ngắn; người cầm rựa phát bụi rậm, chặt cành cây nhỏ; người thì chuyển keo ra điểm tập kết; người dùng rựa bóc, tách lớp vỏ ra, chỉ trừ lại phần thân gỗ trắng bóng phía trong.
Bóc vỏ cây là công việc không hề dễ dàng và nhàn hạ, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ. Bởi công việc này thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, keo thường được trồng trong các vùng đồi núi hiểm trở nên chỉ cần chút sơ suất là xảy ra tai nạn, nhẹ thì vẹo vai, trầy xước, nặng thì gãy tay do bốc vác cây bị trượt chân, thậm chí có người còn bị cây đè trúng.
Chị Nguyễn Thị Tâm, người có thâm niên gần 6 năm làm công việc bóc vỏ keo.
Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ít ỏi, chị Nguyễn Thị Tâm (trú tại xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) chia sẻ: “Gia đình chỉ làm mấy sào ruộng, nhưng con cái đều đang độ tuổi đến trường, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ . Mặc dù biết nghề bóc vỏ cây này vất vả, hàng ngày phải đi làm xa, thường xuyên trèo đồi, lội suối nhưng bù lại cũng mang lại nguồn thu nhập khá ổn định. Nếu làm việc chăm chỉ, mỗi tháng cũng có thể kiếm được 5 -6 triệu đồng, nên tôi cũng cố gắng để có đủ tiền trang trải cuộc sống”.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt thu về 5 -6 triệu đồng/tháng nhờ công việc bóc vỏ keo.
Cùng nỗi niềm, chị Nguyễn Thị Nguyệt (trú tại thôn 10, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), một trong những người có thâm niên 6 năm trong nghề, cho biết: “Nhóm chúng tôi có khoảng 10 người, trong đó có 4-5 chị em phụ nữ đảm nhận vai trò bóc vỏ cây, vận chuyển những khúc keo nhỏ, còn nam giới phụ trách cắt cây, vận chuyển những cây lớn. Để làm công việc này, chúng tôi thường phải vào rừng sâu nên khá vất vả và nguy hiểm. Cũng có nhiều chị em do không cẩn thận nên nhiều khi bị vỏ keo chọc vào người, bị ong đốt…
Nguồn phụ thu ổn định
Trời càng về trưa nắng càng gắt, cái nóng hầm hập hắt vào người, những người phu keo ai nấy mồ hôi mồ kê đổ ra ướt đẫm từng tấm áo.Tuy vậy, trên khuôn mặt khắc khổ ấy, vẫn hiện lên những nụ cười rạng rỡ, bởi niềm vui lao động và tinh thần lạc quan vốn có của những người dân quê chân chất, mộc mạc.
Do đặc thù công việc nên tiền công của người làm ở đây sẽ được chi trả tùy theo năng lực và sức vóc mà họ bỏ ra. Cánh đàn ông sẽ được trả công cao hơn, bởi nhiều việc nặng phải đến tay họ, còn chị em phụ nữ thu nhập thấp hơn bởi công việc bóc vỏ keo nhẹ nhàng hơn, trung bình mỗi ngày họ có thể kiếm được 250- 300.000 đồng, ngoài ra còn có thêm bữa phụ như sữa, bánh, trái…
Không quản nắng mưa, ngày đêm, những cánh rừng ghi dấu những giọt mồ hôi mặn chát của người phu keo, họ theo chân những chủ mua rừng len lỏi vào các cánh rừng sâu để mưu sinh. Lướt con rựa thoăn thoắt bóc những lớp vỏ keo sần sùi, để lộ những khúc gỗ keo trắng phóc, chị Nguyễn Thị Hoài (50 tuổi, trú tại xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) cười nói: “Tôi làm nghề bóc vỏ keo này khoảng 9 năm nay. Công việc vất vả, nhiều lúc mồ hôi đổ lộn con mắt, nhưng bù lại có thêm tiền mua thức ăn hàng ngày, con cái được đến trường tử tế chứ nhà chỉ có 4 sào ruộng, không làm thì biết lấy gì chi tiêu”.
Vừa đập vỏ keo vừa thở hổn hển, chị Bùi Thị Ngân chia sẻ: Trước chủ tính tiền theo ngày công, nhưng sau này hầu như khoán số lượng, nên mỗi tấn keo, chủ buôn sẽ trả cho người làm 300.000 - 500.000 đồng (bao gồm tiền đốn cây, bóc vỏ, vận chuyển lên xe). Như chị em phụ nữ chúng tôi chỉ bóc vỏ cây thì kiếm được khoảng 200 - 300 ngàn đồng/ngày”. Kinh nghiệm cho thấy, để tăng năng suất làm việc, khi cây vừa cắt xuống là phải bóc vỏ ngay, nếu để lâu, cây chảy hết nước sẽ khó bóc, năng suất làm việc sẽ giảm.
Ông Nguyễn Sỹ Quý, Chủ tịch UBND xã Nam Điền (huyện Thạch Hà), cho biết: “Nam Điền là một trong những địa phương có diện tích trồng cây keo khá lớn, hiện tại có hơn 500ha, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho “phu keo”, trong đó đáng kể là đội chị em bóc vỏ cây. Dù công việc khá vất vả, nguy hiểm nhưng mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân nơi đây trong thời điểm nông nhàn, nhiều gia đình cả vợ và chồng cùng gắn bó với nghề đập keo”.