Hiệu quả của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Hà Tĩnh đã khẳng định những đóng góp trong phát huy nội lực kinh tế nông thôn vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, việc giữ vững, nâng hạng và phát triển các sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đầu tư máy móc hiện đại, nâng tầm chất lượng
Hà Tĩnh xác định, cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân, trong đó Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là giải pháp đột phá thực hiện mục tiêu đó. Thực tế, đầu tàu OCOP đã mang lại nhiều khởi sắc cho NTM khi thu nhập của người dân tham gia chương trình từng bước được nâng cao.
Từ Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm chủ lực của các địa phương ở Hà Tĩnh ngày càng phát triển, khẳng định uy tín với người tiêu dùng, mang lại thu nhập cao cho các chủ thể.
Các chủ cơ sở OCOP mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thời gian qua, nhiều cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại, tự động hóa trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Chị Lê Hoài Thu, chủ cơ sở bánh ram Anh Thu, chia sẻ: Năm 2020, sản phẩm của cơ sở được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để đáp ứng yêu cầu thị trường, chúng tôi đã liên tục mua sắm các máy móc sản xuất. Đầu năm 2024, cơ sở vừa đầu tư thêm hệ thống máy sản xuất bánh ram liên hoàn, phục vụ vừa tráng vừa sấy với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Dây chuyền sản xuất khép kín này không chỉ giúp giảm sức lao động mà còn đảm bảo tốt hơn các điều kiện sản xuất về an toàn sản phẩm. Chúng tôi vừa mở rộng thêm 1 nhà xưởng để đáp ứng quy mô sản xuất. Từ đầu năm tới nay, cơ sở đã xuất bán gần 8 tấn bánh ram, phục vụ thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)”.
Mạnh dạn “rót vốn” đầu tư sản xuất, nhiều chủ thể OCOP đã đưa cơ sở từ đơn vị quy mô nhỏ lẻ, sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống trở thành cơ sở sản xuất hiện đại, quy mô mở rộng, phát triển đa dạng mặt hàng, sản phẩm kinh doanh như: HTX mật ong Cường Nga, cơ sở giò chả Tiến Giáp, HTX sản xuất thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm, cơ sở giò chả Bình Sơn, HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương, Công ty TNHH sản xuất bánh đa nem Anh Thu…
Theo đánh giá của Văn phòng NTM Hà Tĩnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 247 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó 240 sản phẩm OCOP 3 sao và 7 sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã thay đổi tích cực về bao bì, mẫu mã. Nhiều cơ sở đã đầu tư máy móc trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng, mở rộng đầu ra. Sau khi tham gia Chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm đều tăng, bình quân tăng 40% so với trước khi tham gia chương trình.
Sau khi tham gia Chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm đều tăng, bình quân tăng 40% so với trước khi tham gia.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ở Hà Tĩnh xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng có lợi thế, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng hạng các sản phẩm vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Khê, toàn huyện hiện có 17 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (trước đây là 24 sản phẩm); 7 sản phẩm đã hết hạn công nhận nhưng các chủ thể không thực hiện đánh giá để được công nhận lại.
Ông Nguyễn Trí Đồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Khê, cho biết: “Việc đánh giá, xếp hạng lại là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP khi đến hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận. UBND huyện Hương Khê đã có công văn chỉ đạo các xã thực hiện khảo sát, hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện hồ sơ để đánh giá lại. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ cơ sở có tâm lý e ngại khi phải thực hiện lại quy trình, chờ đợi chính sách hỗ trợ đối với hoạt động đánh giá, công nhận lại sản phẩm… Đối với các sản phẩm đã hết hạn công nhận, không thực hiện đánh giá, công nhận lại, chúng tôi đã có thông báo yêu cầu không sử dụng logo OCOP có gắn sao để in, dán trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm”.
Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được khách hàng đánh giá cao.
Những khó khăn mà các chủ thể sản xuất ở Hương Khê đang đối mặt cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở OCOP trên địa bàn Hà Tĩnh. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, lũy kế đến nay, toàn tỉnh thực hiện đánh giá công nhận 343 sản phẩm, trong đó 247 sản phẩm có hiệu lực chứng nhận OCOP (7 sản phẩm 4 sao và 240 sản phẩm 3 sao). Như vậy, còn 96 sản phẩm có chứng nhận đã hết hiệu lực chưa thực hiện đánh giá, công nhận lại, chiếm gần 28% tổng số các sản phẩm được đưa ra đánh giá. Nguyên nhân chủ yếu được các cơ quan chuyên môn phân tích là do một số sản phẩm OCOP có quy mô nhỏ, khó mở rộng sản xuất; năng lực của một số chủ cơ sở còn hạn chế, việc tiếp cận và mở rộng thị trường gặp khó khăn.
Ngoài ra, thời gian qua, kinh tế khó khăn, thị trường tiêu thụ giảm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nội địa. Đặc biệt, một số sản phẩm thiếu nguồn nguyên liệu do nhiều địa phương chưa xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững. Những khó khăn này trở thành lực cản đối với sự phát triển bền vững của sản phẩm OCOP, kể cả quá trình nâng hạng sao OCOP.
Ông Võ Tá Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh, chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất khi xuất khẩu các sản phẩm OCOP là quy mô của nhiều cơ sở khá nhỏ, chỉ xuất tiểu ngạch, nhỏ lẻ, chưa thể đáp ứng đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu yêu cầu nhiều tiêu chuẩn khắt khe, đặc biệt là về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), cơ sở vật chất, điều kiện đáp ứng… Hiện nay, cần có sự liên kết vùng nguyên liệu, liên kết các chủ thể để tạo sản phẩm hàng hóa, đáp ứng các đơn hàng lớn”.
Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để các chủ thể OCOP thực hiện đánh giá, hoàn thành hồ sơ công nhận lại sản phẩm đạt chuẩn. Theo đó, trên nền tảng hồ sơ cũ, chủ thể bổ sung các giấy tờ có tính thời hạn; giấy kiểm định VSATTP.
Về giải pháp bền vững, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở: Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ thực hiện hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết 51/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022-2025; đồng hành với các địa phương và các chủ thể định hướng, hỗ trợ để xây dựng ý tưởng; tập huấn, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm nhằm đảm bảo bộ sản phẩm OCOP Hà Tĩnh chất lượng, đúng mục tiêu Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Sở Công Thương đẩy mạnh kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP trên 3 sàn thương mại điện tử ; phối hợp với các đại sứ quán, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ các chủ thể về thông tin thị trường xuất khẩu, hoàn thiện điều kiện tiêu chuẩn để đưa các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Tĩnh xuất khẩu.
Sáng 3/10, tại Di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) đã diễn ra Lễ dâng hương kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (5/10/1930 - 5/10/2024) và tổng kết, trao giải Giải báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) tỉnh năm 2024.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.