Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 10 năm 2022 | 15:52

Gỡ nút thắt cho dự án đền bù dở dang

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa gửi văn bản kiến nghị cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho dự án bất động sản, trong đó có các dự án đền bù dở dang.

Giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc

HoREA cho biết, hiện nay, một số dự án đô thị, nhà ở thương mại theo phương thức chủ đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng do không thoả thuận được nên bị dở dang, “da beo”, không thể triển khai thực hiện được dự án trong nhiều năm.

Nhiều dự án bất động sản lớn được đề xuất tháo gỡ vướng mắc.

Điển hình như dự án khu nhà ở Tân An Huy (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) quy mô 20,6ha, do Công ty Tân An Huy làm chủ đầu tư, đến nay vẫn chưa hoàn thành việc tự thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, không thể xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng của dự án, không thể bàn giao được nền nhà cho  khách hàng. Nguyên nhân là chủ đầu tư yếu kém về năng lực, nhất là năng lực tài chính. Dự án này đứng hình 18 năm nay với hàng trăm khách hàng đã góp vốn mua nền nhà bị mắc kẹt.

Cùng cảnh ngộ là dự án khu dân cư Bình Trưng Đông (Cát Lái, TP. Thủ Đức - quận 2 cũ). Dự án có quy mô 154ha, do Công ty Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư chính với 14 chủ đầu tư dự án thành phần. Theo cơ chế, các chủ đầu tư dự án thành phần đóng góp tài chính để chủ đầu tư chính thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trục chính của toàn bộ dự án, rồi bàn giao đất cho các chủ đầu tư dự án thành phần để thực hiện dự án. Nhưng do chủ đầu tư chính không thể thỏa thuận được với một số người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nên dự án bị “dở dang” không thể xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Dự án  này đã đứng hình 20 năm nay với hàng trăm khách hàng góp vốn mua nền nhà bị mắc kẹt.

Kiến nghị gỡ vướng cho nhiều dự án

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 80% người dân và 80% diện tích đất dự án trở lên, nhưng không thể thỏa thuận để nhận chuyển nhượng phần diện tích đất còn lại, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng “dở dang”, HoREA đề nghị xem xét giải pháp để xử lý.

Trong đó, xem xét cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh ranh giới dự án trong phạm vi phần đất đã giải phóng mặt bằng và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Trong trường hợp không thực hiện được giải pháp nói trên thì đề nghị Nhà nước thực hiện quy định tại Điểm đ, Khoản 2. Điều 65, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với “dự án tái điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và đô thị, khu dân cư nông thôn”, đặc biệt là thực hiện phương thức “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” quy định tại Điều 68, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hoặc phương thức người sử dụng đất “góp quyền sử dụng đất” quy định tại Khoản 4, Điều 169, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong văn bản kiến nghị lần này, HoREA cũng đề nghị cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh trên phần đất thương mại, dịch vụ của dự án nếu có nhu cầu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết, các chủ đầu tư dự án khu đô thị đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn, từ vài chục đến hàng ngàn tỉ đồng để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng để tạo lập quỹ đất dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở. Sau đó, họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước với giá trị rất lớn (thường bằng khoảng 70-80% chi phí giải phóng mặt bằng).

Tiếp theo là chi phí đầu tư xây dựng san lấp mặt bằng, thi công các công trình kết cấu hạ tầng của dự án (như đường giao thông, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống cấp nước sạch, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc, Internet, công viên cây xanh, kết nối hạ tầng y tế, giáo dục, vui chơi giải trí); chi phí vốn; chi phí quản lý…

Dù vậy, hiện nay, chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở lại không được đầu tư xây dựng kinh doanh các công trình trên đất dịch vụ của dự án như đất y tế, đất giáo dục, đất công viên giải trí, công viên chuyên đề là không hợp lý và không đảm bảo được quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Châu cho rằng, đây là nhu cầu chính đáng, vừa phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư các công trình dịch vụ và tiện ích đô thị phục vụ lợi ích công cộng mà Nhà nước không phải bỏ ngân sách để đầu tư; vừa đảm bảo có các dịch vụ, tiện ích đô thị phục vụ cư dân trong dự án, cho cả khu vực lân cận và khách vãng lai theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt.

 

Thái An
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top