Tuy sự tăng trưởng trong xuất khẩu cá ngừ có nhiều ấn tượng, nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ vẫn đang đối diện với nhiều yếu tố cần giải quyết trong nguồn nguyên liệu cá ngừ.
Sản phẩm cá ngừ đại dương của Phú Yên đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó có Hoa Kỳ. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, lũy kế xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tính đến hết tháng Sáu năm nay ước đạt hơn 463 triệu USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là sự tăng trưởng tốt dù thủy sản Việt Nam nói chung và cá ngừ nói riêng đang nỗ lực hoàn thiện nhiều tiêu chí xuất khẩu do các thị trường nhập khẩu yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ thúc đẩy xuất khẩu sang 2 thị trường lớn là Mỹ và châu Âu, tạo nên thành tích tăng trưởng mới so với năm ngoái.
Dự báo đến hết tháng Sáu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ ước đạt hơn 37%, còn thị trường châu Âu ước đạt tăng trưởng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường khác như Israel, Nga và Hàn Quốc đang tăng mạnh nhất, lần lượt là 55%, 70% và 76%...
Tuy sự tăng trưởng trong xuất khẩu cá ngừ có nhiều ấn tượng, nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ vẫn đang đối diện với nhiều yếu tố cần giải quyết trong nguồn nguyên liệu cá ngừ. Đơn cử, Việt Nam đang ráo riết thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Cộng đồng ngư dân Việt Nam cùng đội tàu khai thác xa bờ cũng nỗ lực truy xuất nguồn gốc cho nguyên liệu hải sản, trong đó có nguyên liệu cá ngừ, lại gặp nhiều trục trặc bởi hệ thống thiết bị giám sát hành trình bị lỗi liên tục.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), cho biết hiện ngành hàng này đang gặp khó. Cụ thể, liên quan nguyên liệu khai thác trong nước, nhiều doanh nghiệp trong ngành cá ngừ đều phản ánh là thực sự khó làm giấy xác nhận nguyên liệu (S/C). Dù doanh nghiệp đã tăng cường làm việc với các đầu mối và kiểm tra kỹ lưỡng, nhưng vẫn vô cùng thấp thỏm sau khi đã chốt mua xong nguyên liệu.
Nhiều lý do khiến các doanh nghiệp mua nguyên liệu xong không được cấp S/C do một số vấn đề ở các khâu phía trước mà doanh nghiệp rất khó để biết rõ, như vấn đề xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá hay vấn đề tàu cá khai thác ở vùng biển không đúng quy định… Dù những tàu cá này vẫn được phép ra khơi khai thác bình thường, được kiểm tra và cho phép cập cảng bình thường.
Với đội ngũ khai thác trên biển, các tàu khai thác xa bờ cũng gặp trở ngại do hệ thống giám sát qua mạng VNPT bị lỗi liên tục làm cho tàu cá mất kết nối giám sát hành trình từ 6 tiếng trở lên, có tàu mất đến 2-3 ngày nên ảnh hưởng trực tiếp đến khâu làm giấy S/C của doanh nghiệp.
"Thêm vào đó, Nghị định 37/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2029/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản vừa có hiệu lực từ tháng Năm vừa qua chưa phù hợp, thiếu khả thi và sẽ có những tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu bình thường của ngành cá ngừ," bà Cao Thị Kim Lan nêu ý kiến.
Theo bà Cao Thị Kim Lan, quy định kích thước tối thiểu cho phép khai thác cá ngừ vằn 500mm (nửa mét) là hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Size 500mm trở lên chỉ chiếm tỷ lệ trung bình 5-7% trong các lô khai thác ngừ vằn hiện nay. Tiêu chuẩn thương mại quốc tế bình thường hiện nay nhỏ hơn rất nhiều và đặc biệt chưa thấy quốc gia nào quy định cấm khai thác ngừ vằn nhỏ hơn 500 mm.
Ủy ban Nghề cá Trung-Tây Thái Bình Dương (WCPFC) cũng chưa có bất cứ báo cáo hay thông báo nào rằng cá ngừ vằn bị khai thác quá mức hay quy định khai thác theo size cỡ. Quy định này sẽ khiến ngư dân phải thay đổi lưới có kích thước mắt lưới đáp ứng, các tổ chức quản lý cảng cá thêm tiêu chí "ngư cụ" vào phần kiểm tra cấp phép xuất bến-cập bến và các doanh nghiệp sẽ không có nguồn nguyên liệu ngừ vằn để thu mua sản xuất xuất khẩu.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ chia sẻ các quy định này là để đáp ứng các yêu cầu về quản lý Nhà nước cũng như đáp ứng yêu cầu của các thị trường, doanh nghiệp rất đồng hành và tuân thủ. Tuy nhiên, những quy định mới cũng đã gây tác động không nhỏ tới các nhà cung cấp, gây tâm lý e ngại khó đáp ứng được khi phát sinh thêm nhiều yêu cầu về mặt chứng từ có liên quan như: yêu cầu nội dung chứng nhận y tế H/C, yêu cầu chứng từ C/C (chứng minh sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ của quốc gia), giấy phép khai thác, thời gian khai báo trước khi tàu cập cảng… Một số quốc gia và một số nhà cung cấp đã từ chối các yêu cầu mới này, đồng nghĩa chúng ta sẽ mất đi nguồn cung.
Về phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đã có thông báo đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng thời kiến nghị xem xét sửa đổi quy định để có thể cấp giấy xác nhận nguyên liệu S/C ngay cho doanh nghiệp khi đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu cá có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá; có hướng dẫn, chỉ đạo việc giải quyết giấy S/C cho những trường hợp tàu cá bị mất kết nối do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ được xác nhận.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết tiềm năng và dư địa cho ngành cá ngừ Việt Nam còn lớn hơn nhiều nếu toàn ngành nỗ lực vượt qua những thách thức nội tại, giải quyết được những khó khăn với sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng năm nay, cá ngừ Việt Nam sẽ có cơ hội quay lại mốc 1 tỷ USD nếu những bất cập về vấn đề nguyên liệu được tháo gỡ./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…