Bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả... bị ngập úng, gãy đổ, giập nát. Tập trung khôi phục sản xuất đang là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở các địa phương trên địa bàn Hà Nội.
Nhiều diện tích trồng lúa, rau hoa màu, cây ăn quả... bị ngập úng, gãy đổ, dập nát.
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, tính từ ngày 6/9 đến 7h sáng 9/9, dông lốc, mưa bão xảy ra trên địa bàn thành phố đã làm cho 2.243ha lúa, 2.435ha rau màu, cây ăn quả, cây hàng năm bị ngập; 24.361ha lúa, 36.424ha rau màu, cây ăn quả, cây hàng năm bị ảnh hưởng, đổ, dập nát; 408ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, 28.607 mái nhà, chuồng trại chăn nuôi lợp tôn bị lật.
Gia đình Anh Nguyễn Hữu Hoàng, xã Phú Phương (Ba Vì) là hộ trồng chuối lớn có diện tích 6ha, phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nhưng toàn bộ diện tích chuối đã bị gãy ngang thân.
Chuối của bà con nông dân xã Phú Phương (Ba Vì) bị đổ gập sau bão
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Phương Phùng Văn Chính chia sẻ: "Chỉ riêng diện tích chuối và ngô bị hư hại của xã đã lên tới 22ha, cùng hơn 6.000 cây xanh công trình bị gãy đổ".
Tại xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) có 3 mô hình nông nghiệp áp dụng nhà lưới, nhà kính, tất cả đều bị tốc mái và đổ sập hoàn toàn sau bão. Anh Đinh Minh Tiến, người đã đầu tư hơn 3.600m² nhà kính và nhà lưới để sản xuất rau, củ, quả cho biết, bão đã làm toàn bộ trang thiết bị và mô hình bị hỏng hết. Để tái sản xuất, trang trại phải đầu tư lại từ đầu, việc này khiến anh lo lắng không biết sẽ lấy vốn từ đâu.
Các vườn rau trồng công nghệ cao ở xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) bị hư hỏng do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Thanh Bạch.
Còn bà Đặng Thị Minh, một hộ trồng 0,7ha bưởi tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) buồn rầu cho biết, cả vườn bưởi hơn 10 năm tuổi, dự kiến sẽ được thu hoạch vào dịp Trung thu tới đây và Tết Nguyên đán đều bị gãy cành, cây bật gốc, quả thì rụng đến 90%, số còn lại đều là quả xấu..."
Tại huyện Gia Lâm, hàng trăm hecta lúa, rau màu, hoa, cây ăn quả trên địa bàn các xã: Văn Đức, Dương Hà, Đặng Xá, Đình Xuyên, Kim Lan, Yên Thường... bị ngập nước do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Chủ tịch UBND xã Văn Đức Trần Xuân Điệu thông tin: Toàn xã có 192,97ha trồng rau, hoa, cây ăn quả các loại bị ngập, thiệt hại hoàn toàn, trong đó có: 23,47ha rau ăn lá, 45ha trồng cải bắp, súp lơ; 36,8ha trồng bầu, cà, mướp, dưa; 5ha trồng ngô, sen; 77,09ha trồng hoa các loại; 23,38ha trồng cây ăn quả các loại; 30ha công trình nhà lưới bị sập, lưới hỏng…, ước tổng thiệt hại hơn 47 tỷ đồng.
Tại xã Xuân Sơn (TX Sơn Tây) trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Lê Hồng Minh ở thôn Xóm Bướm bị ngập nặng. Ông Minh cho biết, trang trại có tổng diện tích 3.000m2 với 3 chuồng nuôi 36.000 con gà công nghiệp gần 30 ngày tuổi, chuẩn bị xuất chuồng. Tuy nhiên, mưa bão đã làm cả 3 chuồng bị ngập. Trong ngày 8-9, đã có 8.600 con gà bị chết do đuối nước, gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương, thực hiện chôn tiêu hủy theo quy định trong buổi chiều cùng ngày. Sáng 9-9, nhiều con gà tiếp tục bị chết và yếu, khó cứu sống, ước khoảng 8.000 con.
Tập trung khắc phục thiệt hại để khôi phục lại sản xuất
Trước mắt để giảm diện tích trồng lúa và hoa màu không bị ngập úng, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội đã vận hành 203 trạm bơm với 776 máy, tổng lưu lượng bơm tiêu khoảng 1.349.580 m3/h để tiêu úng diện tích sản xuất nông nghiệp.
Bộ đội hỗ trợ người dân xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) buộc, dựng lại lúa. Ảnh: Ngô Huân
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 1.665ha diện tích hoa màu, trong đó lúa 1.208ha bị nghiêng, đổ (không bị úng ngập) tại các xã: Liên Mạc, Thanh Lâm, Tam Đồng, Tiến Thịnh, Tiến Thắng, Tự Lập... Hiện lực lượng dân quân tự vệ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... hỗ trợ nông dân khắc phục dựng buộc diện tích lúa, cơ bản hoàn thành, bảo đảm lúa tiếp tục sinh trưởng tốt. Đối với 457ha rau màu bị dập nát, các lực lượng tại địa phương giúp đỡ bà con thu hoạch, dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, tổ chức gieo trồng bổ sung bảo đảm diện tích gieo trồng.
"Sau khi bão tan, công tác khắc phục được triển khai ngay trên địa bàn, bảo đảm an toàn, sinh hoạt cho người dân. Xã cũng chủ động phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi Thanh Trì tích cực bơm tiêu úng, yêu cầu các đơn vị tiếp tục thống kê thiệt hại, báo cáo cấp trên để thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai theo quy định", Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Trần Quốc Oai cho biết.
Đoàn Thanh niên tham gia hỗ trợ nhân dân xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) buộc dựng lại lúa bị đổ do bão. Ảnh: Hoàng Sơn.
Huyện Gia Lâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương xử lý các sự cố về điện trên địa bàn, cung cấp điện cho nhân dân và chạy các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước; xử lý, khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp, các tài sản bị hư hỏng do mưa bão gây ra; chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm, Xí nghiệp Thoát nước số 5 phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp vận hành các trạm bơm, bảo đảm việc tiêu thoát nước khu dân cư, tiêu úng tại các vùng sản xuất nông nghiệp.
Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức đang vận hành 21 trạm bơm với 70 tổ máy, tổng lưu lượng 265.300 m3/h để tiêu úng cho cây trồng. Ảnh: Đức Huy
Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, để khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn, Xí nghiệp thủy lợi Gia Lâm vận hành 32 máy bơm phục vụ việc tiêu thoát nước, công suất 70.000m3/h…
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngay sau khi bão tan người dân cũng đã trực tiếp ra đồng, nhanh chóng dựng lại diện tích lúa bị đổ, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng cho cây nhanh chóng phục hồi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, phương án phục hồi sản xuất nông nghiệp sau mưa bão sẽ là khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu úng, khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên đồng ruộng đối với những diện tích bị ngập.
Trong đó, với trà lúa sớm, có khoảng 6.983ha đang giai đoạn chín sáp, dự kiến cho thu hoạch từ ngày 10 đến 15/9, tiến hành thu hoạch nhanh gọn, không để hạt lúa ngâm nước lâu ngày, tránh nảy mầm.
Đối với trà lúa trung và muộn đang giai đoạn trỗ và chắc xanh, chưa đến thời kỳ thu hoạch (dự kiến cho thu hoạch từ ngày 20/9 đến ngày 5/10) bị đổ do mưa, giông, hướng dẫn nông dân khẩn trương dựng lúa, cột thành từng bó để chống đổ và giữ mực nước 5-7cm để lúa trỗ bông, làm hạt được tốt và bảo đảm công tác bảo vệ thực vật. Cần chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, như: Bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và rầy nâu... (đặc biệt lưu ý tại những ruộng lúa bị đổ).
Đối với cây rau màu sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, xới xáo phá váng ngay, khi cây trồng hồi phục mới tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình của từng cây. Phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh chóng phục hồi; khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK....
Đối với cây ăn quả, những vườn cây đã rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây), giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.
Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn..., tránh hiện tượng nứt, rụng quả. Thường xuyên theo dõi vườn cây, nhất là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại bằng loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi bộ rễ cây đã phục hồi, mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá, hạn chế sử dung phân bón hóa học để tăng khả năng phục hồi của cây.
Hy vọng, với sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, ngành chức năng, sự chủ động của người dân, thiệt hại do mưa lũ gây ra cho sản xuất nông nghiệp của Thủ đô sẽ giảm đáng kể.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.