Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024 | 20:40

Hà Tĩnh vào mùa thu hoạch cam

Thời điểm này, các nhà vườn ở Hà Tĩnh đang tất bật bước vào mùa thu hoạch cam. Dù năng suất năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên nhà vườn vẫn phấn khởi.

Cam VietGAP được "săn đón" tại vườn

Năm nay, gần 1ha cam của gia đình ông Nguyễn Đình Vinh, thôn Thắng Lợi, xã Hương Minh (Vũ Quang) chỉ cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả, bằng một nửa năm ngoái. Năng suất giảm nhưng gia đình vẫn không quá lo bởi giá cam thời điểm này khá cao, bình quân tại vườn là 30 nghìn đồng/kg (cao hơn 5 -10 nghìn đồng/kg so với năm ngoái) và dự báo còn tăng trong những ngày tới. 

Nhờ thực hiện chăm sóc cam theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nên cam của gia đình ông Vinh cho quả đẹp và ngọt đậm, được khách hàng "săn đón" tại vườn.

Theo nhà vườn xã Hương Minh, xu hướng hằng năm, cam thường sẽ tăng giá vào thời điểm cuối năm nên hiện nay, bà con chưa thu hoạch ồ ạt mà tập trung cắt tỉa quả chín sớm. Kinh nghiệm này vừa giúp hạn chế được việc rụng quả, vừa đảm bảo nguồn thu vào cuối vụ.

Anh Đoàn Ngọc Bảo - chủ trang trại cam Bảo Phương, xã Quang Thọ (Vũ Quang) cho biết: “Chúng tôi có hơn 5 ha, năm nay có 3 ha cho thu hoạch, ước sản lượng khoảng 15 tấn. Cam bắt đầu vào vụ chín, đầu mùa nhưng đã ngọt đậm. Năm nay do ảnh hưởng thời tiết, sản lượng thấp hơn những năm trước nhưng cam ngọt hơn. Chúng tôi đã bắt đầu hái để bán ra thị trường khoảng 1 tuần nay, mức giá cắt tại vườn 40.000 đồng/kg, tương đương với năm trước. Là cam trồng theo quy trình hữu cơ, dùng túi giấy bọc từng quả, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao nên được người tiêu dùng tin tưởng. Hiện thị trường chính của trang trại là Nghệ An, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình. Mùa cam kéo dài từ nay tới Tết nên chúng tôi sẽ rà soát số lượng, phân loại và có giải pháp cân đối từng đợt thu hoạch”.

Cam hữu cơ, nói không với thuốc hoá học; nhờ đó, chất lượng cam luôn được đảm bảo, giá bán đạt cao ngay từ đầu vụ

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn Hợp Trùa, xã Hương Minh cho biết: "Hơn 2 ha cam của gia đình năm nay chỉ đạt khoảng 10 tấn quả, thấp hơn năm ngoái gần 3 tấn. Nhờ xây dựng được thương hiệu, chất lượng cam đạt chuẩn nên bán rất được giá, hiện tôi đang bán 35 nghìn đồng/kg. Dù vậy, gia đình vẫn không vội bán hết mà chỉ bán tỉa một số ít".

Được biết, toàn xã Hương Minh hiện có hơn 170 ha cam đang cho thu hoạch. Để giúp bà con nâng cao thu nhập, thời gian qua, địa phương đã tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo quy trình hữu cơ, nói không với thuốc hoá học; nhờ đó, chất lượng cam luôn được đảm bảo, giá bán đạt cao ngay từ đầu vụ.

Không chỉ ở xã Hương Minh, những năm gần đây, nhờ chú trọng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng cam trên địa bàn huyện Vũ Quang ngày càng được nâng lên. Nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng theo quy trình hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế.

Còn tại thủ phủ cam Hương Khê, hiện cũng đã có một số nhà vườn thu hoạch lứa cam chín sớm để bán. Anh Lê Hữu Hà - chủ vườn cam xã Hương Thủy cho biết: “Tùy thuộc vào cách chăm sóc và giống cây mà cam có độ chín sớm hoặc muộn. Hiện nay, chỉ mới một số vườn chín sớm có thu hoạch, còn lại đa số phải từ tháng 11 trở đi mới có cam để bán. Vườn gia đình tôi có hơn 200 gốc, dự kiến đạt hơn 4 tấn quả. Năm nay mất mùa, sản lượng chỉ bằng khoảng 2/3 năm ngoái nhưng bù lại, cam có mẫu mã đẹp và chất lượng ngọt hơn. Hiện nay, cam đã chín và nhiều thương lái tới mua. Giá cắt tại vườn 20.000 – 25.000 đồng/kg, có “nhỉnh” hơn một chút so với năm ngoái”.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Khê, năm nay, diện tích trồng cam trên địa bàn huyện đạt khoảng 2.000 ha, tập trung ở các xã như Hương Đô, Hương Thủy, Phúc Trạch, Lộc Yên, Hương Giang... Trong đó, nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình chăm sóc tốt, cam đạt chất lượng cao nên được khách hàng ưa chuộng, có sức tiêu thụ tốt trên thị trường trong nhiều năm qua.

Thị trường sôi động

Theo các chủ vườn, mùa thu hoạch cam sẽ kéo dài từ nay đến tết Nguyên đán, cao điểm thu hoạch khoảng tháng 11 và tháng 12 dương lịch tới đây. Thông thường cam chanh chín sớm, riêng cam giòn, cam bù, cam đường sẽ vào vụ muộn hơn. Theo đánh giá của các nhà vườn, năm nay sản lượng cam không cao như các năm nhưng có vị ngọt đậm hơn.

Ghi nhận trên thị trường, thời điểm này, đặc sản cam Hà Tĩnh đã có mặt tại nhiều sạp hàng của các tiểu thương ở chợ truyền thống, cửa hàng hoa quả.

Chị Phan Thị Tuyết – Giám đốc HTX Sản xuất, thu mua và chế biến nông sản Vũ Quang cho hay: “Mùa cam năm 2023 HTX thu mua gần 50 tấn để bán ra thị trường. Năm nay mới bán khoảng 2 tuần nhưng chúng tôi cũng đã tiêu thụ khoảng hơn 3 tấn cam. Ngoài 7 ha của thành viên HTX trồng, chúng tôi cũng đã đi khảo sát, lựa chọn để đặt mua tại các vườn ngay từ khi cam mới chớm chín. Do năm nay sản lượng thấp nên giá cam cao hơn các năm trước, hiện giá tại vườn chúng tôi mua cao hơn năm ngoái khoảng 5.000 đồng/kg”.

Qua khảo sát cho thấy, mức giá cam hiện nay phổ biến từ 30.000 – 60.000 đồng/kg, trong đó giá 50.000 – 60.000 đồng/kg là cam trồng theo quy trình hữu cơ, VietGAP, cam đạt chuẩn OCOP.

Chị Cao Thị Diệu – tiểu thương bán cam tại chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi đã bắt đầu bán cam từ đầu tháng 10, chủ yếu cắt tại các nhà vườn ở các xã của Hương Khê như Hương Đô, Hương Thủy. Đây chủ yếu là những vườn chúng tôi đã thu mua từ nhiều năm nay nên cam được lựa chọn kỹ. Hiện đang đầu mùa nên mỗi ngày tôi bán khoảng gần 1 tạ cam, vào cao điểm chính vụ thì sẽ nhiều hơn. Giá bán từ 30.000 – 35.000 đồng/kg”.

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, tổng diện tích trồng cam toàn tỉnh năm nay đạt 7.339 ha, trong đó diện tích cam cho sản phẩm 6.104 ha, năng suất ước đạt 114 tạ/ha, sản lượng ước đạt 69.585 tấn. Một số địa phương có sản lượng cam lớn như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc.

Cây cam đã tạo nguồn thu nhập chính cho người dân nhiều địa phương ở Hà Tĩnh.

Là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh Hà Tĩnh, công tác xúc tiến tiêu thụ cam cũng được các địa phương, các ngành quan tâm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cam, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, trong tháng 11, Lễ hội Cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh tiêu biểu dự kiến sẽ được tổ chức. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức thường niên nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản cam và các sản phẩm khác của tỉnh.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top