Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 3 năm 2023 | 8:4

Hành động chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững

Ngày 28/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyển đổi hướng tới đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng

Quan điểm là thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh lương thực trong khu vực và thế giới.

Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên toàn cầu.

Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm hướng tới nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đảm bảo khả năng tiếp cận và thụ hưởng lương thực thực phẩm lành mạnh cho mọi đối tượng và trong mọi tình huống, đặc biệt đối với khu vực khó khăn, nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương.

Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm cần được thực hiện theo hướng lồng ghép các nguồn lực và thông qua các cơ chế, chính sách tạo động lực để huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu lương thực thực phẩm trên 30 tỷ đô la Mỹ/năm

Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập cư dân nông thôn cao hơn 2,5 đến 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 đến 1,5%/năm. Tỷ lệ hộ gia đình không đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm mức độ nặng và vừa ở mức dưới 5%. Duy trì kim ngạch xuất khẩu lương thực thực phẩm trên 30 tỷ đô la Mỹ/năm.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 15%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 3%.

Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10%; trẻ 5 - 18 tuổi ở mức dưới 19%; người trưởng thành 19-64 tuổi ở mức dưới 20%.

Tỷ lệ ngộ độc cấp tính được ghi nhận dưới 5 người/100.000 dân. Tỷ lệ diện tích được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi chiếm trên 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Số vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được đăng ký chứng nhận tăng 5%/năm.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương ở mức trên 30%. Tỷ lệ giá trị nông sản chế biến trong tổng giá trị sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản ở mức trên 50%.

Trên 50% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông lâm thủy sản được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Phát triển hệ thống cung ứng đầu vào cho sản xuất

Với mục tiêu trên, Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất, chế biến và tiêu dùng lương thực thực phẩm; phát triển hệ thống cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp; phát triển hệ thống chế biến và phân phối lương thực thực phẩm và thúc đẩy thực hành tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Để phát triển hệ thống cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, Kế hoạch đưa ra nhiệm vụ đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm và bền vững; xây dựng, tổ chức hướng dẫn quy trình sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phù hợp cho sản xuất lương thực thực phẩm hiệu quả và an toàn.

Đồng thời, nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng các giống và biện pháp kỹ thuật cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu cao với điều kiện bất thuận phù hợp với các vùng sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; cơ giới hóa phù hợp với nông nghiệp sinh thái; phát triển và kết nối hệ thống chợ đầu mối nông sản thành các đầu mối logistics, dịch vụ tổng hợp và cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp đa dạng hóa

Kế hoạch để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là triển khai áp dụng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi đối với mọi loại cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc đối với lương thực thực phẩm; xây dựng và chuyển giao các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sinh thái; gắn sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp trong liên kết chuỗi giá trị, kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa và ẩm thực nông thôn theo hướng đa dạng vùng/miền và các phương thức sản xuất.

Xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp đa dạng hóa, nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng ở khu vực khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng lương thực thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho khu vực khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các đối tượng dễ bị tổn thương tại các vùng có nhiều rủi ro thiên tai và mất cân đối về thực phẩm, dinh dưỡng…

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top