Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 7 năm 2024 | 11:26

Hanvet bước đầu thành công với vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi

Trải qua hơn 5 năm nghiên cứu vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá thực tế, Công ty cổ phần Dược và Vật tư thú y (Hanvet) đã thử nghiệm thành công vaccine HANVET ASF phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Khi sử dụng vaccine, đàn lợn không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, không đào thải virus ra môi trường, an toàn và hiệu lực cao đặc biệt cho lợn nái.

Đây là kết quả bước đầu Hanvet đạt được và đang làm thủ tục xin cấp phép lưu hành vaccine này để cung cấp ra thị trường cùng với ngành chăn nuôi đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi.

Hơn 5 năm nghiên cứu

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo khoa học “Giới thiệu vaccine HANVET ASF giải pháp hiệu quả phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi”, ThS. Nguyễn Thanh Ba, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Hanvet, cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus, ghi nhận lần đầu tiên tại Kenya vào năm 1921. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết  lên đến 100%.

Tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Việt Nam, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau thời gian dài được khống chế, gần đây dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại nhiều địa phương khiến người chăn nuôi lao đao. Hơn bao giờ hết, bài toán sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi để phục vụ cho ngành chăn nuôi được đặt ra cấp bách cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và đơn vị liên quan.

Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, ông Trần Văn Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanvet, phụ trách nghiên cứu và sản xuất vaccine, cho biết: Khi dịch bùng phát vào tháng 2/2019 tại Hưng Yên, các cơ quan nhà nước gấp rút tổ chức hội thảo, hội nghị để xem xét đánh giá các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Tại thời điểm đó, Hanvet đã cử cán bộ nghiên cứu tham gia, tiếp cận thông tin.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc, TS. Nguyễn Hữu Vũ, Hanvet đã tập hợp đội ngũ tinh nhuệ thành lập nhóm nghiên cứu chuyên biệt, tập trung tìm hiểu tài liệu và kết nối với các chuyên gia Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc và các đơn vị nghiên cứu trong nước có nền tảng khoa học công nghệ để hợp tác phát triển.

TS. Nguyễn Hữu Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Hanvet cho hay, chỉ có vaccine ASF tốt cho lợn nái thì mới cứu được chăn nuôi lợn.

 “Hanvet đã thu thập các mẫu bệnh phẩm, phân lập được các chủng ASF cường độc, dùng chủng đó để đánh giá vaccine. Hanvet đã triển khai nghiên cứu vaccine vô hoạt, vaccine tiểu phần, vaccine DNA, vaccine vector đều đã làm hết, và nhận thấy chỉ có vaccine nhược độc được đánh giá là vaccine có tiềm năng nhất. Đối với vaccine nhược độc thì phải trải qua hàng nghìn thí nghiệm, đánh giá nhiều giống chủng virus để lựa chọn ra giống chủng virus có tính an toàn nhất, nhược độc hóa hoàn toàn và có hiệu lực. Hanvet đã lựa chọn chủng giống virus ASF-HV21 là chủng nhược độc có nguồn gốc Việt Nam, được cải biến khuyết 12 gen nên khó có thể tái động lực”, ông Khánh cho hay.

Trải qua hơn 5 năm nghiên cứu vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, Hanvet đã phân lập, chọn lọc được chủng virus ASF cường độc có độc lực cao, ổn định phục vụ kiểm nghiệm. Đã phát triển thành công chủng virus ASF-HV21 mất hoàn toàn tính độc, sinh đáp ứng miễn dịch tốt và không có khả năng tái động lực. Từ đó tạo ra hai loại vaccine HANVET ASF (dùng cho lợn thịt, tiêm phòng cho lợn từ 4 tuần  tuổi) và HANVET ASF (dùng cho lợn nái, tiêm phòng cho lợn hậu bị, lợn nái không mang thai, lợn đực giống). Vaccine an toàn và hiệu lực cao đặc biệt cho lợn nái.

Thử nghiệm diện rộng

Sau khi nghiên cứu thành công vaccine HANVET ASF, tháng 12/2023, Hanvet đưa vaccine từ phòng thí nghiệm ra ngoài thực địa tại các trang trại lợn ở Gia Lâm (Hà Nội), Nghệ An, Hòa Bình. Thực nghiệm trên đối tượng lợn con sau cai sữa (từ 45 ngày tuổi trở lên) và lợn nái (hậu bị, nái chửa, nuôi con và đực giống).

Hanvet đã tiêm vaccine HANVET ASF cho 15.000 con lợn thịt, 916 con lợn nái (trong đó, số nái hậu bị là 173 con, nái nuôi con là 159 con và nái chửa là 584 con).

Kết quả trên đàn lợn thịt: Sau khi thử nghiệm vaccine đến khi xuất bán, trên đàn lợn âm tính cho tỷ lệ lợn còn sống đạt 85,88%, trọng lượng trung bình 113,8 kg/con, chỉ số FCR đạt 2,59 (chỉ số tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng). Trên đàn lợn nghi ngờ tỷ lệ lợn còn sống đạt 80,24%, trọng lượng trung bình đạt 107,56 kg/con, chỉ số FCR đạt 2,6.

Lợn hậu bị của Công ty Thành Đô được tiêm vaccine HANVET ASF.

Trên đàn lợn nái (gồm: hậu bị, nái chửa, nái nuôi con và đực giống): kết quả sau tiêm có 415 con lợn nái đẻ, số lợn con đẻ ra là 4.882 con (trong đó số con chết 269 con, nuôi sống 4.613 con), tỷ lệ nuôi sống đạt 94,48%. Trường hợp lợn nái và hậu bị đều không ảnh hưởng đến tăng trọng, tính dục, nái sống sau tiêm đạt 96,57%. Với lợn đực giống đã tiêm 19 con, sau khi tiêm vaccine, lượng tinh tốt, kiểm tra liên tục trong 4 tháng, không phát hiện có virus ASF trong tinh dịch.

Ông Trần Văn Hậu, cán bộ kỹ thuật của Công ty Thành Đô chia sẻ: “Trang trại lợn của Công ty Thành Đô gặp phải dịch tả lợn châu Phi. Công ty đã kết hợp cùng Hanvet tiêm vaccine HANVET ASF cho gần 1.000 con lợn nái tại trang trại Hòa Bình. Hanvet có đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng tận tâm, nhanh chóng, kịp thời. Khi sử dụng vaccine, đàn lợn phát triển ổn định, các chỉ tiêu đánh giá ổn định, giúp sản lượng lợn cung cấp ra thị trường duy trì ổn định”.

ThS. Nguyễn Hữu Mẫn, Giám đốc Ban chăn nuôi thử nghiệm Công ty Hanvet, cho hay: Dịch tả lợn châu Phi là bệnh nguy hiểm nhất hiện nay, bệnh dịch làm thiệt hại không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, với bà con chăn nuôi lợn thì thiệt hại đến mức không có khả năng hồi phục. Nhà nước và doanh nghiệp đã bắt tay vào nghiên cứu, đến nay đã có hai vaccine được lưu hành, tuy nhiên, khi đưa ra thực tiễn cũng còn hạn chế nhất định, đặc biệt là vaccine chưa dùng được cho lợn nái và đực giống.

“Trước tình hình dịch bệnh, Hanvet đã tổ chức nghiên cứu vaccine. Trong quá trình nghiên cứu, Công ty đã tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, kết hợp với nhiều chuyên gia từ nước ngoài để cùng đưa ra quyết định làm vaccine. Đặc biệt, lợn muốn phát triển được thì phải giữ được đàn lợn nái, cho nên Công ty phải làm bằng được vaccine cho lợn nái. Hiện nay, Công ty đã sản xuất được vaccine này. Quá trình sản xuất được vaccine rất khó, Công ty đã phân lập từ chủng cường độc thực địa, rồi từ đó nhược độc, tự xây dựng môi trường nuôi cấy riêng. Thành công rồi Công ty mới đưa ra đánh giá (đưa từ phòng thí nghiệm và ra ngoài thực tiễn)”, ThS. Nguyễn Hữu Mẫn cho biết thêm.

Kết quả cho thấy, vaccine HANVET ASF an toàn khi tiêm cho tất cả các đối tượng lợn từ 4 tuần tuổi trở lên, lợn có đáp ứng miễn dịch phòng dịch tả lợn châu Phi, thời gian kéo dài hơn 4 tháng. Vaccine không gây tác dụng phụ sau tiêm và không ảnh hưởng tới chức năng miễn dịch đối với các bệnh khác, không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của lợn, không gây rối loạn chức năng sinh sản của lợn nái, đực giống, đặc biệt không gây hại cho thai và tinh trùng. Vaccine không bài thải virus sau tiêm, nhất là khi tiêm cho lợn con.

TS. Nguyễn Hữu Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Hanvet, nhấn mạnh: “Công ty đã đạt những kết quả bước đầu trong việc nghiên cứu vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có vaccine tốt hơn, hoàn thiện hơn và xin được lưu hành. Chỉ có vaccine ASF tốt cho lợn nái thì mới cứu được chăn nuôi lợn quy mô vừa; cứu giúp được hàng chục vạn hộ dân chăn nuôi lợn, góp phần cùng ngành chăn nuôi Việt Nam đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi”.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top