Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 12 năm 2022 | 9:55

Hỗ trợ nhà vườn xây dựng mã số vùng trồng

Hiện nay, trái cây muốn xuất sang các nước và đưa vào bán với giá cao tại các siêu thị và kênh bán hàng cấp cao, đòi hỏi phải đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Để đẩy mạnh xuất khẩu và ổn định đầu ra cho trái cây, ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ đang hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng (MSVT) và sản xuất an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hỗ trợ nông dân

Cần Thơ hiện có hơn 23.680ha cây ăn trái, với sản lượng trái cây đạt hơn 169.200 tấn/năm. Thành phố trồng khá nhiều loại cây trái ngon, đặc sản, có tiềm năng xuất khẩu, giúp mang lại giá trị kinh tế cao như sầu riêng, vú sữa, nhãn, xoài…

Để phát huy hiệu quả vườn cây và ổn định đầu ra trong bối cảnh diện tích và sản lượng tăng, ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ đang tích cực tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng  tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả gắn với tiêu thụ. Đặc biệt, xây dựng MSVT để đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết, áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, nhất là theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP...), đáp ứng các yêu cầu thị trường về chất lượng, an toàn và góp phần bảo vệ môi trường.

Sầu riêng được trồng tại HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long (Phong Điền - Cần Thơ).

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ), thành phố hiện có  477ha cây trồng ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm 2022, ngành chức năng thành phố đã hỗ trợ cấp mới và cấp lại 17 mã số cho 10 vùng trồng, với tổng diện tích hơn 150ha. Qua đó, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cây ăn trái được cấp 46 mã số cho 37 vùng trồng, với tổng diện tích hơn 600ha và 7 mã số cho 5 cơ sở đóng gói để phục vụ các thị trường xuất khẩu: Mỹ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU.

Yêu cầu cấp thiết

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có quy định bắt buộc trái cây tươi từ các nước khác muốn vào nước họ phải có MSVT, do vậy, việc xây dựng MSVT là rất cần thiết, nông dân cần quan tâm nhằm đảm bảo đầu ra cho trái cây. Trong điều kiện diện tích trồng cây ăn trái theo quy mô nông hộ còn nhỏ lẻ, nông dân cần quan tâm liên kết thành lập các THT và HTX để có vùng trồng đạt từ 10ha trở lên và đảm bảo các điều kiện để được cấp MSVT.

Các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có quy định bắt buộc trái cây tươi từ các nước khác muốn xuất khẩu sang nước họ phải có MSVT. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả chủ lực của nước ta và trước đây được xem là thị trường khá “dễ tính”. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc đã siết chặt quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của trái cây và các loại nông sản nhập khẩu và đặt ra các yêu cầu phải có MSVT, mã cơ sở đóng gói và đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm. Trung Quốc cũng kiểm soát ngày càng chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, ngăn chặn nhập khẩu hàng theo hình thức tiểu ngạch. Do vậy, để duy trì và phát triển xuất khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và các nước, đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp ở nước ta phải quan tâm xây dựng MSVT và sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn.

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn TP. Cần Thơ liên tục tăng, đóng góp quan trọng trong chuyển đổi sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi diện tích và sản lượng trái cây tăng, đòi hỏi chúng ta phải kịp thời mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm với giá tốt nhất.

Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1 (huyện Phong Điền), cho biết: “HTX có 29 thành viên, với 29ha trồng sầu riêng. Dù cây sầu riêng đang có đầu ra rất tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nông dân của HTX cũng rất lo cho đầu ra sản phẩm trong tương lai khi diện tích trồng sầu riêng đang tăng mạnh tại nhiều địa phương. Việc xây dựng MSVT là rất cần thiết nhằm phục vụ xuất khẩu và chúng tôi rất vui khi được ngành Nông nghiệp thành phố quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn quy trình thực hiện xây dựng MSVT”.

Phong Điền là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất TP. Cần Thơ, với  2.144ha, chiếm khoảng 25% tổng diện tích cây ăn trái của huyện. Sầu riêng là loại trái cây có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là tại thị trường Trung Quốc.

Theo bà Biện Thị Bích Chi, Phó trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phong Điền, để xuất khẩu trái sầu riêng, đơn vị đã và đang tích hỗ trợ, hướng dẫn nhà vườn ghi chép nhật ký, lấy thông tin định vị vùng trồng và thực hiện các hồ sơ thủ tục, quy trình sản xuất để được cấp MSVT. Hỗ trợ cho 13 THT và HTX trồng sầu riêng tại huyện hoàn thành hồ sơ đăng ký MSVT trong năm 2022. Trạm cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho tất cả nông dân trồng sầu riêng tại huyện có thể tham gia xây dựng MSVT thông qua việc liên kết, thành lập THT, HTX.

Xây dựng MSVT còn gặp khó do diện tích cây ăn trái tại nhiều nơi còn nhỏ lẻ và trồng xen canh nhiều loại cây. Nhiều nông dân chưa hiểu rõ ý nghĩa và sự cần thiết của MSVT. Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ, tới đây, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở và ngành chức năng các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và tập huấn để nâng cao nhận thức và hành động của người dân. Kịp thời hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy tăng cường liên kết, hình thành các vùng trồng cây chuyên canh tập trung gắn với THT, HTX để được cấp MSVT và thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu…

 

 

Khánh Trung/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
Top