Sáng 22/6, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 15).
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: VGP/Viết Thành
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tham dự hội nghị còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu các bộ, ban, ngành, cơ quan MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và TPHCM cùng hơn 34.000 đại biểu tham dự tại các điểm cầu.
4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn với Thủ đô
Giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết 15, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết gồm 4 phần; về quan điểm, mục tiêu, Bộ Chính trị đã nêu rõ 4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn đối với từng giai đoạn với nhiều điểm mới để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong trung và dài hạn.
Theo đó, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến-văn minh-hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.
Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nghị quyết đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện và có nhiều điểm mới so với các nghị quyết về phát triển Thủ đô trước đó, như: Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển Thủ đô; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới; hoàn thiện hệ thống pháp luật với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giới thiệu nội dung Nghị quyết 15 - Ảnh: VGP/Viết Thành
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 15 phát huy hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống, Bộ Chính trị đã phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước quán triệt sâu sắc Nghị quyết; chủ động phối hợp, xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện đầy đủ 4 quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu; nhất là việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết.
Bộ Chính trị cũng phân công cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường lãnh đạo, vận động các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm tham gia, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan hướng dẫn việc tuyên truyền và quán triệt thực hiện Nghị quyết.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, với sự vào cuộc khẩn trương để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 15, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng ban hành Hướng dẫn số 58-HD/BTGTƯ ngày 14/6/2022 về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết )...
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành Trung ương, một số tỉnh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương tại Hà Nội đã phát biểu tham luận. Các ý kiến đều khẳng định, Nghị quyết 15 có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, mà còn đối với cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đáng chú ý, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều khẳng định phải tập trung sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Thủ đô, nhằm thể chế hóa Nghị quyết và tạo hành lang pháp lý để hiện thực các cơ chế đặc thù phát triển Thủ đô…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, Nghị quyết 15 đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ảnh: VGP/Viết Thành
Nêu một số ý kiến gợi mở cho Hà Nội trong quá trình triển khai Nghị quyết 15, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, đầu tiên, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong cả nước, nhất là Đảng bộ TP. Hà Nội phải tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông trong tuyên truyền nội dung Nghị quyết và kết quả thực hiện thời gian tới.
Cùng với đó, huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến–văn minh-hiện đại", xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; hội nhập quốc tế; động lực có tính dẫn dắt, lan tỏa đối với vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Thứ hai, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, đặc biệt là Hà Nội phải hết sức coi trọng, tập trung quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết. "Ngay sau Hội nghị hôm nay phải tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng và lộ trình để thực hiện Nghị quyết; phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đã đề ra; tạo bước chuyển biến rõ rệt về sự phát triển của Thủ đô; định kỳ hằng năm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư", đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết; hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở hành lang pháp lý cho phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
Cần lưu ý rằng việc thực hiện Nghị quyết không chỉ riêng Hà Nội mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Trong đó các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có liên quan nhiều đến sự phát triển của Thủ đô cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình; tích cực, chủ động, phối hợp với Hà Nội để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết.
"Từ nay đến năm 2030, chỉ còn 8 năm, vì thế Hà Nội phải chọn việc trọng điểm, quyết tâm hoàn thành, làm cho bằng được, tạo chuyển biến diện mạo Thủ đô, nhất là quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm trật tự an toàn đô thị, môi trường xanh, sạch, đẹp; xây dựng được một số công trình văn hóa tiêu biểu, hạ tầng giao thông hiện đại, tạo niềm tin cho nhân dân", đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu.
Bên cạnh đó, phát triển Hà Nội nhanh, bền vững, đòi hỏi phải phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ gìn bản sắc văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, đặc biệt quan tâm nội dung xây dựng con người Hà Nội thanh lịch-một đặc điểm, nét riêng có của người Hà Nội từ ngàn xưa. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì; phấn đấu xây dựng con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Đây là vấn đề Nghị quyết đã nêu và thực hiện không chỉ một vài năm mà phải kiên trì, dài hơi…
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, một yếu tố nữa có tính chất quyết định là phải tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của Thủ đô, bảo đảm thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện; đồng thời hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.
Tập trung xây dựng đội ngũ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp; có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước; luôn gần gũi quần chúng, bám sát cơ sở; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong quá trình phát triển và trình độ ngày càng cao của người dân Hà Nội.
"Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Mọi việc tốt hay xấu đều do cán bộ mà ra. Như vậy để Hà Nội phát triển đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết này, tôi cho rằng đầu tư, xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề rất quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay", đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng tin tưởng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.