Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 10 năm 2022 | 10:25

Khánh Hội "chinh phục" chuẩn nông thôn mới

Là xã vùng xa, nhiều khó khăn, ban đầu chỉ đạt 4/19 tiêu chí, sau 11 năm phấn đấu, tập trung quyết liệt của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, Khánh Hội (U Minh - Cà Mau) đã "chinh phục" chuẩn nông thôn mới (NTM).

Ghi nhận này đánh dấu bước tiến dài của vùng quê từng phải chịu nhiều tang thương của nơi cơn bão Linda khủng khiếp 25 năm trước.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (bìa phải) trao chứng nhận nông thôn mới cho xã Khánh Hội  ngày 4/10/2022.

Đổi thay trên vùng quê biển

Cửa Khánh Hội tháng 11/1997 chứng kiến hàng ngư dân ra biển mãi không về sau cơn bão Linda. Cả nước đau thương ngỡ ngàng trước sự mất mát to lớn ấy, cùng nhiều tàu thuyền khác chìm và mất tích. Nhưng nay không vì thế, nghề biển nơi đây vẫn được ngư dân duy trì, bám biển mưu sinh, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Sau cơn bão hãi hùng ấy, cơ sở vật chất, nhân lực của nghề biển của Khánh Hội gánh chịu tổn thất lớn. Kiệt quệ và tang thương, tưởng chừng như không thể khôi phục.

Cửa biển Khánh Hội (xã Khánh Hội) được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi cho nghề biển. Là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành khai thác thủy hải sản, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân. Đến nay, toàn xã có 542 phương tiện khai thác thủy hải sản, trong đó có 162 phương tiện từ 12 m trở lên đánh bắt xa bờ, đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hàng năm trên 23.000 tấn. Chợ xã nằm ngay cửa biển với hơn 250 cơ sở kinh doanh các dịch vụ hậu cần nghề biển như: hãng nước đá, cây xăng dầu, cơ sở thu mua, sơ chế thủy sản, cơ sở sửa chữa máy móc, sửa chữa tàu thuyền, cơ sở mua bán hậu cần nghề cá (ngư lưới cụ, xăng dầu, nước đá....), góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động, tăng thu nhập bền vững cho người dân.

Dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú bão cho tàu cá kết hợp với bến cá cửa biển Khánh Hội được đầu tư với tổng số vốn trên 134 tỷ đồng

Phát biểu tại Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau công nhận xã Khánh Hội đạt chuẩn NTM năm 2021, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: “Đi lên từ xã vùng xa, nhiều khó khăn, ban đầu chỉ đạt 4/19 tiêu chí, sau 11 năm phấn đấu, tập trung quyết liệt của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và  nhân dân,  Khánh Hội đã chinh phục được chuẩn NTM.

”Xã cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về lộ trình xây dựng NTM cho giai đoạn tiếp theo, Việc quán triệt nội dung nên ngắn gọn, dễ hiểu, rút ngắn thời gian và chất lượng xây dựng NTM, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu và chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn. Huyện U Minh cần tập trung rà soát 19 tiêu chí đạt được so với Bộ tiêu chí mới, để tập trung nâng chất NTM cho xã Khánh Hội, phấn đấu năm 2025, Khánh Hội đạt chuẩn mới và chuẩn NTM nâng cao", ông Sử nói. 

Hậu cần nghề biển ( ngư cụ, nước đá, xăng dầu…) ở Khánh Hội khá phát triển.

Còn ông Châu Minh Đảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, thì vui mừng nói: “Kết quả nổi bật trong xây dựng NTM thể hiện rõ nhất chính là diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng như: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế,... được đầu tư xây dựng đồng bộ. Chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm. Sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng lên; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững”.

Cây xăng ngay cửa Khánh Hội.

Bám trụ đi lên từ nghề biển

Theo ông Sử, Khánh Hội là xã ven biển, yêu cầu về quản lý an ninh trật tự ven biển rất quan trọng, yêu cầu các ngành có liên quan quan tâm, chỉ đạo tốt công tác này. 

Còn ông Châu Minh Đảm thì ví von: “Mỗi chuyến biển an toàn sẽ góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương”.

Khánh Hội nổi tiếng với nghề câu mực ở Cà Mau

 

Cách đây 25 năm, cơn bão số 5 còn gọi Linda đã đổ bộ vào vùng biển Tây Nam. Theo thống kê, cơn bão này đã làm 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác. Tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 2.700 tỷ đồng. Trong số đó, Khánh Hội là địa phương chịu nhiều tổn thất. Những địa danh: kênh Biện Nhị, Chệt Tửng, kênh Xáng Mới, Rạch không chồng, xóm không chồng… thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh là những địa danh gắn liền với những cảnh đời phải chịu hậu quả tang thương nhất do bão Linda để lại, khi có hơn 500 ngư dân thiệt mạng. 

Chính vì vậy, nhiều năm nay, công tác tuyên truyền khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Luật Biển… được các cấp các ngành thường xuyên tăng cường giáo dục tăng thêm ý thức cho người dân trước khi ra khơi. Đảm bảo phải đầy đủ các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn theo quy định. Đến nay, hầu hết các phương tiện đều được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định, với đầy đủ các thiết bị khác.

Một cơ sở thu mua mực của Khánh Hội ngay cửa biển.
 

Có hơn 30 năm theo nghiệp biển, khởi nghiệp từ việc đánh bắt cho đến chuyển sang thu mua thuỷ hải sản, nghề biển đã trở thành nghề cha truyền con nối. Anh Phan Văn Toản (ở ấp 3) cho biết: “Dù có thế nào, gia đình anh vẫn cương quyết bám nghề bám biển. Nhưng để không còn xảy ra cảnh tang thương như năm 1997, phương tiện của anh luôn trang bị đầy đủ phao nổi, phao cứu sinh, thiết bị giám sát hành trình tàu cá”.

Theo ông Châu Minh Đảm, những địa danh tang thương ngày trước như “Làng goá phụ”, xóm không chồng giờ diện mạo đã nhiều đổi thay. Con kênh Xáng Mới giờ đây tấp nập ghe biển. Nhiều con lộ bê-tông 2,5- 3m đã nối liền các ấp, ra tận đê biển. Dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú bão cho tàu cá kết hợp với bến cá cửa biển Khánh Hội được đầu tư với tổng số vốn trên 134 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng. Tất cả đang tạo điều kiện cho các phương tiện đánh bắt thuỷ sản ra vào thuận lợi, vực dậy nền kinh tế biển, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của huyện U Minh. Ngoài nghề đi biển, phụ nữ Khánh Hội còn kiếm sống bằng những nghề truyền thống nhờ tham gia các lớp dạy nghề ở địa phương. Thu nhập bình quân đầu người 55 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 11,6% vào năm 2015, nay giảm xuống còn 3,88%, tương đương 108 hộ. Theo ông, con số trên sẽ còn nhiều thay đổi mới tích cực hơn vào năm 2025 khi Khánh Hội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Biểu Quân

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top