Diện tích rừng tại một số địa phương đang có nguy cơ suy giảm cả về diện tích và mật độ, do người dân phá, xâm lấn rừng và công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa tốt.
Đảng viên cầm đầu vụ phá rừng
Mặc dù là đảng viên nhưng Đinh A Hyót không gương mẫu chấp hành quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong thời gian 3 ngày (từ ngày 5/10 đến ngày 7/10/2022), ông Đinh A Hyót với vai trò là người cầm đầu, khởi xướng và trực tiếp chặt hạ trái phép 2 cây gỗ Sp5 tại lô 5, khoảnh 5 và lô 4, khoảnh 6, Tiểu khu 76 (thuộc rừng đặc dụng, lâm phần do Ban quản lý Vườn quốc gia Kon Ka Kinh quản lý) gây thiệt hại 15,792m3 gỗ tròn.
Một vụ khai thác lâm sản trái phép ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Sau đó, ông Đinh A Hyót bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kbang quyết định khởi tố bị can và đề nghị truy tố về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Theo Ủy ban kiểm tra Huyện uỷ Kbang, ông Đinh A Hyót đã vi phạm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm mất uy tín của bản thân và chi bộ. Bên cạnh đó gây dư luận xấu trong chi bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn, đến mức phải xử lý kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã tiến hành họp, bỏ phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ đối với ông Đinh A Hyót.
Còn nhiều bất cập trong công tác bảo vệ rừng
Đáng quan ngại hơn nữa, tình trạng phá rừng còn diễn ra ở những cánh rừng phòng hộ. Được biết, tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai chỉ từ 9/2021 đến đầu tháng 7/2022, hơn 34 ha rừng phòng hộ tại 15 lô, thuộc 4 khoảnh, ở các tiểu khu 1064 và 1064 (lâm phần do UBND xã H’Bông quản lý) đã bị lâm tặc cày ủi, san phẳng để lấn chiếm đất trồng bạch đàn, nhưng chủ rừng không hề hay biết. Vụ phá rừng phòng hộ này đã được công an huyện Chư Sê khởi tố vụ án, nhưng chưa có bị can nào bị xử lý.
Theo ông Thái Thượng Hải - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Sê cho biết, trên địa bàn huyện Chư Sê, diện tích rừng do xã H’bông quản lý bị chia cắt, muốn kiểm tra khu vực đó thì phải đi xuống huyện Phú Thiện, rồi qua huyện Ia Pa để vào rừng nơi mình quản lý.
“Những điều kiện về nhân lực và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng nên rất khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng”, ông Hải nhấn mạnh.
Tiểu khu 993 (Lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr quản lý) bị tàn phá nghiêm trọng
Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, chỉ trong 5 năm (Giai đoạn từ 2017-2021) vừa qua, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 2.940 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Tính riêng từ đầu năm 2022 tới nay, các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 290 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó 29 vụ bị xử lý hình sự, 158 vụ bị xử lý vi phạm hành chính, những vụ việc còn lại đang được làm rõ.
Số vụ vi phạm lâm luật có chiều hướng năm sau giảm so với năm trước, nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn tiếp diễn và khó ngăn chặn triệt để. Riêng trong tháng 11/2022, Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đức Cơ, liên quan sai phạm để mất 9.000 ha rừng trong giai đoạn 2011-2029. Đồng thời, Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị khởi tố vụ án liên quan sai phạm làm mất 2.000 ha rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa (huyện Krông Chro) từ 2010 tới nay.
Đặc điểm chung của cả 2 địa phương nói trên để xảy ra tình trạng hàng nghìn ha rừng bị mất, chính là sự thiếu trách nhiệm của chủ rừng.
Tiểu khu 989, Lâm phần do UBND xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) quản lý là rừng nghèo, nhưng đã bị quây kín bằng gỗ và dây kẽm
Ông Trương Văn Nam - Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, thực tế này đòi hỏi cần phải có những giải pháp hữu hiệu và toàn diện như đẩy nhanh công tác giao đất-giao rừng; nâng cao hiệu quả quản lý-bảo vệ rừng của các chủ rừng; cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên bảo vệ và lực lượng chức năng. Ngoài ra, cần có chế tài mạnh tay, nghiêm minh, nhanh chóng đối với tập thể, các nhân có hành vi vi phạm lâm luật và nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị về quản lý, bảo vệ rừng.
“Giờ lực lượng đông cũng không xuể được, chỉ có cách là các ngành chức năng, các cấp các ngành tuyên truyền sâu rộng người dân năm, biết tác dụng của rừng, để người ta có trách nhiệm bảo vệ rừng. Cái này không phải 1 sớm, 1 chiều” – Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai nói.
Tỉnh Gia Lai xác định “Phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu" là 1 trong 4 chương trình trọng tâm để góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, để làm được điều này, điều tiên quyết cần làm trước tiên là phải bảo vệ và bảo toàn rừng.
Những cánh rừng bị hủy hoại
Việc khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 333A nói trên, vào lúc 2 giờ ngày 15/5, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đơn Dương và lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức mật phục để bắt các nghi phạm phá rừng.
Khi lực lượng này tiếp cận hiện trường (lô c, khoảnh 12, tiểu khu 333A), phát hiện có 8 người đang khai thác rừng trái phép liền vây bắt. Tuy nhiên, do địa hình trong rừng khó khăn, lại xảy ra trong đêm tối nên lực lượng chức năng chỉ bắt và tạm giữ được 1 nghi phạm tên Ya Lực (ngụ xã Pró) cùng 2 cưa xăng cầm tay.
Hạt Kiểm lâm Đơn Dương phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra hiện trường có 2 cây gỗ lớn (đường kính gốc 62 cm và 1,1 m) bị cưa hạ với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại hơn 14,5 m3 gỗ.
Số gỗ lực lượng chức năng thu giữ được từ các đối tượng phá rừng.
Toàn bộ lâm sản còn tại hiện trường, lâm tặc chưa kịp tẩu tán, trong đó 1 cây đã bị cắt thành nhiều lóng (có 1 lóng đã xẻ thành 2 phách), một cây còn nguyên thân. Toàn bộ hồ sơ vụ huỷ hoại rừng này đã được Hạt Kiểm lâm chuyển sang cơ quan Công an huyện Đơn Dương để điều tra xử lý.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã có báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Đơn Dương chỉ đạo lực lượng Công an huyện Đơn Dương cùng các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hồ sơ điều tra, truy tố, xét xử lưu động vụ huỷ hoại rừng tại địa phương này để tạo tính răn đe, giáo dục pháp luật.
Đồng thời, xem xét khen thưởng, động viên hoặc đề xuất cấp thẩm quyền khen thưởng các cá nhân, đơn vị đã phát hiện, ngăn chặn và bắt quả tang nghi phạm khai thác rừng trái pháp luật tại tiểu khu 333A, xã Pró (huyện Đơn Dương), lâm phần thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đơn Dương quản lý.
Lợi dụng khai thác rừng trồng để chặt phá rừng tự nhiên
Liên quan đến vụ lợi dụng khai thác rừng trồng để chặt phá cây tự nhiên tại tiểu khu 653 và 671 (thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), UBND huyện Hướng Hóa cho biết, Chủ tịch UBND huyện - ông Đặng Trọng Vân đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Văn Lương (47 tuổi, trú tại thôn Lâm Cao, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vì đã thực hiện hành vi khai thác rừng trái pháp luật.
Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi nói trên là 30 triệu đồng. Cùng với hình thức phạt tiền, cơ quan chức năng đồng thời tịch thu phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Lương còn bị buộc khắc phục hậu quả nộp hơn 8 triệu đồng là trị giá tang vật vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ trái quy định của pháp luật.
Dù chỉ được cho phép khai thác rừng trồng, nhưng đơn vị khai thác đã lợi dụng chặt phá rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, Trạm Kiểm lâm Hướng Lập (Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa) cũng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phùng Kim Hướng (48 tuổi, trú tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) với số tiền 7,5 triệu đồng và tịch thu hơn 1,6m3 gỗ vì đã vận chuyển lâm sản trái phép.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết, hiện chỉ mới xử lý đối tượng chặt phá cây rừng tái sinh tự nhiên và người vận chuyển. Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa tiếp tục rà soát, làm rõ trách nhiệm của cán bộ liên quan để xem xét xử lý.
Trước đó, sau khi Báo Giáo dục và Thời đại phản ánh về tình trạng lợi dụng khai thác rừng trồng rồi chặt cây tự nhiên, UBND huyện Hướng Hóa đã đình chỉ việc khai thác rừng ở 2 tiểu khu 653 và 671, đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng khoanh vùng, bảo vệ các diện tích có cây rừng tái sinh tự nhiên.
Theo đó, UBND huyện Hướng Hóa đã kiểm tra và khẳng định có sự việc chặt phá cây rừng tự nhiên tái sinh như báo chí phản ánh tại 2 tiểu khu nói trên. Kiểm tra các tọa độ, phát hiện 20 cây rừng tái sinh tự nhiên đã bị đốn hạ, chỉ còn phần gốc.
Tại một số địa phương của tỉnh Kon Tum đã xuất hiện tình trạng trồng sầu riêng vượt quá quy hoạch, gây nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, về lâu dài có thể xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu, từ đó giảm giá trị ngành hàng sầu riêng và thiệt hại cho nông dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con không ồ ạt phát triển diện tích sầu riêng ngoài quy hoạch.
UBND tỉnh Hà Nam đề nghị các ngành, địa phương tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở. Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả các mặt hàng thiết yếu, vật liệu xây dựng…, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình thiên tai để "găm hàng, tăng giá" trên địa bàn.
Ngày 11/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa. Trong đó nêu rõ chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa; đầu tư, hỗ trợ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.