Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 1 tháng 1 năm 2023 | 15:23

Khởi công xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Phú Yên

Sáng 1/1/2023, 12 dự án thành phần thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đồng loạt khởi công.

Tại tỉnh Phú Yên, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ khởi công 2 dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 2 điểm cầu xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu và phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa.

Lễ khởi công còn được tổ chức ở 10 điểm cầu khác. Trong đó có 3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu trung tâm ở Quảng Ngãi (dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn). Các điểm cầu còn lại tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm) Bình Định (1 điểm), Khánh Hòa (1 điểm), Cà Mau (1 điểm).

Quang cảnh lễ khởi công tại điểm cầu  phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa (Phú Yên)

Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị dài 267 km, Quảng Ngãi - Nha Trang dài 353 km và Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỷ đồng. Dự án được đầu tư quy mô phân kỳ với mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tốc độ thiết kế 100 km/h và giai đoạn hoàn chỉnh với mặt cắt ngang quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, tốc độ thiết kế 120 km/h trên tất cả 12 đoạn tuyến.

Đến nay, mặt bằng của toàn bộ 12 dự án thành phần đã được bàn giao 70%, đáp ứng yêu cầu khởi công. Các địa phương tích cực triển khai giải phóng mặt bằng các diện tích còn lại để bảo đảm bàn giao toàn bộ trong quý II/2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan toả mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh canh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.

“Trong thời gian tới, yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân tham gia dự án phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương. Bộ GTVT tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND 32 tỉnh, thành phố có dự án đi qua phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả", Thủ tướng chỉ đạo.

Thứ trưởng Bộ GTVT  Nguyễn Xuân Sang (vị trí thứ 4 từ trái sang) cùng các đại biểu nhấn nút thực hiện nghi thức khởi công tại điểm cầu Phú Yên

Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên có chiều dài trên 90km, gồm 2 dự án thành phần: Quy Nhơn (Bình Định) - Chí Thạnh (Phú Yên) dài 42,07km và Chí Thạnh (Phú Yên)  - Vân Phong (Khánh Hoà) dài 48,052km. Dự án qua địa giới hành chính 24 xã, phường, thị trấn thuộc 6 địa bàn hành chính cấp huyện của tỉnh Phú Yên; với tổng diện tích đất sử dụng cho dự án là 885,57ha.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đến 10 giờ ngày 30/12, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 52,55/90,12km, đạt 58%. Công tác giải phóng mặt bằng ban đầu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã quyết liệt chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm cho chủ đầu tư khởi công dự án thành phần đúng kế hoạch chung. “Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có tổng số 5.113 hộ, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Số hộ dự kiến phải bố trí tái định cư là 407 hộ. UBND tỉnh Phú Yên đã bố trí xây dựng 12 khu tái định cư tại 5 huyện, thị xã với diện tích 20,92ha. Quan điểm của tỉnh Phú Yên, các hộ dân thuộc diện tái định cư sẽ bố trí vào nơi ở mới có điều kiện về giao thông, điện, nước… tốt hơn so với vị trí hiện tại”, ông Hổ nói.

Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026; trong đó, 12 dự án thành phần được chia thành 25 gói thầu, gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỷ đồng./.

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top