Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 4 năm 2023 | 10:10

Khởi nghiệp từ rau, củ, quả quê hương

Chị Thái Thị Nhị (36 tuổi, ở thôn Trảng Suối xã Cẩm Hà, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe và sản phẩm làm thủ công theo công thức gia truyền dùng hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ sau sinh nhiều sữa và đẹp dáng hơn.

Câu chuyện khởi nghiệp 

Chị Nhị cho hay, chị từ bỏ công việc quản lý khách sạn để gây dựng “thương hiệu Ngũ cốc Mẹ Mít” tại Hội An (Quảng Nam). Chị đã dày công nghiên cứu và chế biến ngũ cốc từ nguyên liệu có sẵn ở quê hương như đậu đen xanh lòng, đậu xanh, hạt sen, mè đen… để tạo ra sản phẩm ngũ cốc lợi sữa giúp trẻ đang bú phát triển tốt hơn.

Chị Nhị tại cánh đồng trồng nguyên liệu liên kết.

Câu chuyện khởi nghiệp của chị Nhị bắt nguồn từ việc chị gặp phải tình trạng trầm cảm và thiếu sữa sau khi sinh con thứ hai. Từ đó, chị tìm kiếm các phương pháp tăng sữa mẹ bằng phương pháp dân gian ở quê hương, và sau nhiều lần thử nghiệm bên cạnh sự ân cần dìu dắt, kinh nghiệm của mẹ, chị đã thành công trong việc làm gia tăng sản lượng sữa mẹ cho mình từ rau, củ, quả sẵn có tại địa phương.

Chị Nhị đang sản xuất bột ngũ cốc với máy móc an toàn, hiện đại.

Bắt đầu kinh doanh ngũ cốc dinh dưỡng từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị tập trung vào làm ngũ cốc từ tình yêu nông sản quê nhà. Chị đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn và kiến thức kinh doanh, nhưng đã chăm chỉ học hỏi từ mẹ, sách báo, mạng internet, các lớp tập huấn và tham gia các cuộc thi.

Chị Nhị đã trải qua nhiều lần thử nghiệm để tìm ra công thức riêng cho sản phẩm của mình. Chị chú trọng chọn nguyên liệu không biến đổi gen và được chăm sóc thuần tự nhiên. Sản phẩm của chị không có chất bảo quản, không chất tạo màu, tạo mùi. Chị nhận thấy mình đang đem lại giá trị cho cộng đồng thông qua những sản phẩm tốt cho sức khoẻ và phát huy giá trị của nông sản địa phương.

Các sản phẩm đầu tay của chị Nhị gồm: rượu gừng nghệ hạ thổ, chè vằng, ngũ cốc lợi sữa… Sản phẩm với thương hiệu “Ngũ cốc Mẹ Mít” được phân phối tại các cửa hàng thực phẩm sạch, Winmart, Siêu thị mẹ-bé và các sàn thương mại điện tử. Cơ sở luôn tích cực tham gia trưng bày sản phẩm tại các phiên chợ, hội chợ nông sản để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng với giá từ 60.000 đồng.

Chị Nhị cũng liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản cho nhiều hộ dân, giúp nông dân có thu nhập ổn định và không lo cảnh nông sản “được mùa, mất giá”. Chị đang mở rộng quy mô sản xuất và liên kết vùng trồng nguyên liệu, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, đưa sản phẩm với phương châm “Sạch, lành từ tâm, nâng tầm sức khỏe” vươn xa hơn.

Cung ứng sản phẩm sạch

Sản phẩm của chị Nhị khá đa dạng, gồm  bột ngũ cốc được làm từ những loại hạt thuần nông quê nhà Phú Ninh (Quảng Nam), được đánh giá cao và ngày càng có nhiều đơn đặt hàng. Các sản phẩm này được bày bán ở 2 cửa hàng nông sản sạch tại Hội An và Núi Thành. Chị rất vui khi khách hàng tin yêu và đón nhận sản phẩm của mình. “Thừa thắng xông lên”, chị quyết định mở rộng cơ sở đạt chuẩn HACCP và thiết kế bao bì màu sắc nhẹ nhàng gần gũi với thiên nhiên, hũ đựng ngũ cốc là nhựa cao cấp có thể tái sử dụng và dùng túi giấy đựng thay túi nylon.

Du khách nước ngoài quan tâm đến các dòng sản phẩm Ngũ cốc Mẹ Mít.

“Công việc kinh doanh của cơ sở phát triển thuận lợi với doanh thu đạt 120 triệu đồng/tháng; giải quyết việc làm cho 7 lao động nông nhàn tại địa phương. Chúng tôi luôn nghiên cứu và tìm hiểu nhu cầu thị trường để đáp ứng sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng và sắp tới cơ sở sẽ cho ra mắt sản phẩm bột ăn dặm cho bé hoàn toàn bằng rau, củ hữu cơ, mang sản phẩm sạch bổ dưỡng đến cho mọi người”, chị Nhị  cho hay.

Chị Nhị và mẹ - người đã hỗ trợ và đồng hành.

Năm 2022 là năm để lại dấu ấn với chị, được trao giải Nhất Phụ nữ Việt Nam tự tin làm kinh tế do Hội LHPN Việt Nam tổ chức; Giải B sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; giải Ba ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh; Top 10 dự án phát triển khởi nghiệp Quốc gia. Sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh...      

Hiện tại, cơ sở Ngũ cốc Mẹ Mít cung cấp hơn 10 sản phẩm, gồm các dòng sản phẩm cho mẹ và bé, ngũ cốc cao cấp trên 20 loại hạt, bánh hạt dinh dưỡng, granola… Sản phẩm “bột ngũ cốc hạt sen mè đen Mẹ Mít” của chị sử dụng hơn 70% nguyên liệu có sẵn tại địa phương và đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Nam. Bình quân mỗi tháng, cơ sở xuất bán gần 1 tấn sản phẩm các loại, đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người.

Chia sẻ bí quyết làm ra bột ngũ cốc vừa ngon vừa “nổi tiếng”, chị Nhị cho biết: cần quan tâm chất lượng nguồn nguyên liệu và chọn lựa tỉ mỉ trước khi đưa vào sản xuất. Khi pha trộn các loại đậu và hạt thì phải hiểu được tính chất của từng loại, hạt nào vỏ mỏng, hạt nào vỏ dày, cân đối được độ ngọt, độ chát. Cùng với đó, mỗi loại nguyên liệu sẽ có cách rang khác nhau để giữ được mùi thơm tự nhiên, chín đều. Nghiền mịn nguyên liệu để khi hoà với nước thì bột ngũ cốc không bị vón cục, giữ được hương vị thơm ngon, béo bùi, ngọt thanh, giàu dinh dưỡng.

Tuy mới khởi nghiệp, nhưng với tấm lòng của người con gái quê hương, năm 2022, chị Nhị đã tặng quà, hỗ trợ cho trẻ em, người già ở địa phương có hoàn cảnh đau yếu, khó khăn trị giá khoảng 15 triệu đồng.

 

 

Tiên Sa
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top