Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 8 năm 2024 | 10:38

Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Trong 10 năm qua, xuất siêu nông sản bình quân khoảng 8 tỷ USD/năm. Nêu mấy con số để thấy nông sản Việt đang được người tiêu dùng thế giới đón nhận tích cực. Sản xuất nông nghiệp nói chung, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản nói  riêng tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược quan trọng, trụ cột vững chắc của nền kinh tế cũng như sự ổn định xã hội.

Tuy  nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu nông sản của ta có danh (có thương hiệu) thì không chỉ mang về giá trị cao hơn, thu nhập của người sản xuất sẽ tốt hơn mà thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng được nâng tầm.

Mặc dù đạt kết quả ấn tượng trên hành trình chinh phục thế giới nhưng theo nhiều chuyên gia cũng như thực tế, nông sản Việt “không tên tuổi”, “không xuất xứ” trên thị trường thế giới còn nhiều. Nông sản Việt đang giới hạn ở vai trò đầu vào dưới dạng nông sản thô, xuất khẩu dưới dạng bao trơn và phân phối dưới thương hiệu đơn vị nhập khẩu ở nước ngoài nên giá bán thường thấp. Trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản chủ yếu ở các khâu chế biến, bao gói, hoạt động thương mại.

Theo các chuyên gia, nói nhiều nông sản Việt “vô danh” bởi  có tới 80% nông sản xuất khẩu dưới dạng hàng thô, tươi sống hoặc mới qua sơ chế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá bán nông sản của ta chưa cao, giá trị thu về thấp, ảnh hướng lớn tới thu nhập của nhà nông, nhà vườn. Lấy một ví dụ để thấy không có thương hiệu sẽ thiệt thòi rất lớn: Sầu riêng giống Musang King thương hiệu từ Malaysia trồng tại Việt Nam được bán với giá 500.000 - 800.000 đồng/kg. Trong khi giống sầu riêng Ri6 của Việt Nam, chất lượng không thua kém, nhưng giá chỉ 100.000 đồng/kg, bằng khoảng 1/6 đến 1/8 so với sầu riêng Musang King.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nông sản xuất khẩu có thương hiệu riêng sẽ gia tăng giá trị 200 - 300%, thậm chí có nông sản giá trị tăng đến 500%.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, 80% sản phẩm nông sản xuất khẩu của chúng ta chưa có thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác,… 

Qua thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa  học và Công nghệ) thấy trong số những thương hiệu được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam, chỉ có khoảng 15% là từ các doanh nghiệp trong nước; có đến 80% hàng nông sản của nước ta bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài mà không được đăng ký sở hữu. Toàn quốc có hàng nghìn sản phẩm nông - lâm - thủy sản có uy tín, nhưng đến nay mới chỉ có  hơn 100 chỉ dẫn địa lý. Số nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là khoảng 2.000. Trong số đó chỉ số ít là được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Nếu không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, nông sản Việt có thương hiệu sẽ bị “mượn tên”, thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.

Nói về nguyên nhân, các chuyên gia đưa ra rất nhiều, như: Công nghệ xử lý trước và sau thu hoạch lạc hậu, chuỗi kinh doanh từ sản xuất, chế biến đến marketing, phân phối và tiêu thụ chưa phát triển. Việc xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực còn có vướng mắc về mặt pháp lý và kinh phí. Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản được đề cập nhiều nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể, chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan. Đặc biệt là, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều và các doanh nghiệp của ta hầu hết  nhỏ về quy mô, yếu về tài chính và nhận thức luật pháp, chưa thấy được vai trò của bán hàng có thương hiệu.

Các chuyên gia cho rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản là việc rất quan trọng, cần đẩy nhanh tốc độ vì vừa hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vừa giúp bà con nông dân thoát khỏi vấn nạn “trồng - chặt”, có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và “buôn chuyến”.

Chính phủ đã phê duyệt và triển khai nhiều chương trình như: Chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam, Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Vấn đề là sớm hoàn thiện thể chế để đồng bộ giữa các khâu và phải làm theo tinh thần: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” và “Nghĩ thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được hưởng thụ thật” của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Các chuyên gia cho rằng, nếu nông sản của ta có danh (có thương hiệu) thì không chỉ mang về giá trị cao hơn mà thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng được nâng tầm.

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top