Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 2 năm 2023 | 16:4

Kỳ tích về sản lượng lương thực của Trung Quốc

Bất chấp các loại hình thời tiết bất lợi, ngành nông nghiệp Trung Quốc vẫn đạt kỷ lục mới về sản lượng trong năm 2022, với 686,53 triệu tấn, tăng 0,5% so với năm 2021.

Sản lượng lương thực đạt 686,53 triệu tấn

Các chuyên gia cho biết, kỳ tích khó khăn của Trung Quốc chứng minh cho phản ứng có mục tiêu và hiệu quả của nước này trước một loạt các cơn gió ngược, khi an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ.

Với việc đạt được sản lượng này, Trung Quốc không những cung cấp đủ lương thực cho gần 1/5 dân số thế giới trong mọi hoàn cảnh, mà còn được kỳ vọng tiếp tục là nền tảng của an ninh lương thực và ổn định kinh tế toàn cầu.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng lương thực toàn quốc năm 2022 đạt mức kỷ lục mới, 686,53 triệu tấn, tăng 0,5% so với năm trước. Con số này đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp tổng sản lượng ngũ cốc của nước này vượt quá 650 triệu tấn.

Nông dân thu hoạch lúa lưu niên giống PR23 trên một cánh đồng ở tỉnh Quảng Tây sau vụ gieo cấy đầu tiên. Ảnh: SCMP.

Tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc đạt 1,775 tỷ mu (118,33 triệu hecta), tăng 0,6% so với năm 2021. Tính trung bình, mỗi đơn vị sản lượng ngũ cốc (mu) đạt 387kg.

Ông Wang Guirong, quan chức của Cục Thống kê cho biết, vụ thu hoạch bội thu năm 2022 diễn ra bất chấp các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong nước, bao gồm lũ lụt ở miền Bắc, hạn hán kéo dài và nhiệt độ cao ở miền Nam, bên cạnh sự gián đoạn do dịch Covid-19. Ngoài ra, giá phân bón tăng đột biến trong bối cảnh căng thẳng ở Ukraine đã gây áp lực lớn lên thị trường lương thực trong nước.

Giới chuyên gia cho rằng, đằng sau con số kỷ lục này là một loạt các biện pháp đồng bộ được triển khai trên nhiều mặt để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân quản lý cây trồng tốt, tránh những tác động xấu của thời tiết.

Bảo đảm an ninh lương thực

Nhiều năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc mô tả an ninh lương thực là một trong những lợi ích cơ bản nhất của đất nước, và đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc bảo vệ và cải thiện đất nông nghiệp, phát triển ngành công nghiệp hạt giống, thu thập và bảo vệ nguồn gene cũng như hỗ trợ nông dân và ngành nông nghiệp bằng mọi cách có thể.

“Là nhà nhập khẩu ròng nông sản, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc tăng 9,4%, lên 20,62 tỷ USD trong tháng 11/2022, trong khi xuất khẩu tăng 4,6%, lên 8,83 tỷ USD”, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc.

He Xiurong, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu bao gồm đậu tương, chiếm hơn 70% tổng lượng nhập khẩu, trong khi nhập khẩu ròng ngũ cốc của nước này chỉ chiếm khoảng 3% tổng sản lượng ngũ cốc trong 5 năm qua.

Các nhà quan sát cho biết, trong khi những hậu quả của căng thẳng địa chính trị có thể vẫn là lực cản đối với an ninh lương thực toàn cầu trong năm 2023, thì khả năng ứng phó tốt với các trường hợp khẩn cấp và cách tiếp cận có trách nhiệm của Trung Quốc trong việc cung cấp lương thực cho dân số khổng lồ của mình sẽ khiến nước này trở thành nền tảng bền vững của an ninh lương thực toàn cầu.

Đại diện Cục Thống kê cho biết, sản lượng bội thu năm 2022 đã tạo nền tảng vững chắc để Trung Quốc đối phó với môi trường quốc tế phức tạp và đầy biến động, vượt qua rủi ro và thách thức, đồng thời ổn định tăng trưởng kinh tế và đảm bảo nền kinh tế mở trong phạm vi hợp lý.

Vào cuối tháng 9/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, cuộc khủng hoảng Ukraine “đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực vốn đã gia tăng trong nửa thập kỷ qua”. Theo định chế này, các quốc gia có thu nhập thấp đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi nhận định rằng “cú sốc giá lương thực và phân bón sẽ làm đội thêm 9 tỷ USD vào hóa đơn nhập khẩu của 48 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 2 năm 2022 và 2023”.

Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc được dự đoán tiếp tục đóng vai trò là nước ổn định then chốt đối với an ninh lương thực toàn cầu, nhất là tại một số quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh, có thể phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ hơn khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục kéo dài trong năm 2023.

Hy vọng vào giống lúa trồng một lần, thu hoạch nhiều năm

Lần đầu tiên khi Liang Yuxin nghe nói về giống lúa mới có thể thu hoạch trong nhiều năm mà không cần phải trồng lại, ông háo hức muốn thử ngay lập tức. Nếu thử nghiệm của ông thành công, nó sẽ mang lại niềm tin cho nông dân địa phương, Liang, đại diện của một hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực Quảng Tây cho biết.

“Có nhiều mảnh đất bị bỏ hoang ở các vùng nông thôn phía Nam Trung Quốc và chi phí trồng trọt khá cao. Nhưng nếu tôi có thể trồng lúa một lần và thu hoạch trong vài năm, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều” - Liang nói - “Tại sao lại không thử?”

Liang là một trong hơn 40.000 nông dân nhỏ lẻ ở Trung Quốc đã chọn trồng  giống lúa mới này.

Theo một báo cáo nghiên cứu công bố gần đây trên Tạp chí Nature Sustainability, được phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Vân Nam trong hơn hai thập kỷ, giống lúa lưu niên này không chỉ cho thấy tiềm năng về năng suất mà còn giảm chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng đất.

Các nhà nghiên cứu lai giữa giống lúa hàng năm đã được thuần hóa của châu Á với giống lúa lưu niên hoang dã của châu Phi để tạo ra giống lai mới mà họ gọi là “lúa lưu niên 23” (PR23).

Năng suất của nó đã được chứng minh là cao hơn khoảng một tạ so với những giống lúa hàng năm trong 4 năm đầu tiên, trung bình 6,8 tấn/ha mỗi mùa.

Mặc dù chi phí cho cả hai loại lúa trong vụ đầu tiên là như nhau, giống lưu niên không cần gieo hạt, canh tác và cày xới trong vài năm, điều đó có nghĩa là nông dân có thể tiết kiệm 1.400 USD/ha cho mỗi vụ tiếp theo.

Nhìn chung, lúa lưu niên có thể cắt giảm 60% chi phí lao động và giảm một nửa chi phí đầu vào cho mỗi chu kỳ tái sinh trưởng. Theo các tác giả của nghiên cứu, lợi ích kinh tế ròng có thể dao động từ 17% đến 161% so với lúa hàng năm ở các địa điểm trồng khác nhau.

PR23 đã được thương mại hóa cho nông dân Trung Quốc vào năm 2018 và nằm trong 29 giống được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này khuyến nghị gieo trồng vào đầu năm nay.

Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng lúa lưu niên ở Trung Quốc là hơn 15.000 ha, cao gấp 4 lần so với năm 2020.

Liang cũng trồng một giống lưu niên khác, PR25, trên diện tích hơn 1ha hồi tháng 8/2022 và thu hoạch hơn 8 tấn ba tháng sau đó. “Chúng tôi tin tưởng vào lúa lưu niên”, ông quả quyết và cho biết đang dự định mở rộng diện tích canh tác của mình.

“Bình thường, trồng lúa rất khó kiếm tiền. Nhưng sau khi trồng lúa lưu niên, tôi hy vọng có thể kiếm được một số lợi nhuận nhất định nếu quản lý tốt. Nông dân chắc chắn sẽ hưởng lợi nếu việc canh tác chúng được thúc đẩy”.

Bảo tồn đất và tích lũy chất hữu cơ

Erik Sacks, giáo sư Khoa khoa học cây trồng (Đại học Illinois Urbana-Champaign, Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu, cho hay, việc hạn chế cày xới khi trồng lúa lưu niên giúp bảo tồn đất và tích lũy chất hữu cơ.

“Đất chứa hàm lượng chất hữu cơ cao có năng suất nhỉnh hơn đất có chất hữu cơ thấp vì chất hữu cơ có thể giữ chặt các chất dinh dưỡng và cung cấp chúng cho sự phát triển của cây trồng”, ông giải thích thêm rằng, trồng lúa lưu niên còn giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước cần dùng.

Zhang Shilai, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Trường Nông nghiệp Đại học Vân Nam cho biết, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các giống lúa chịu lạnh, chịu nóng và kháng bệnh để chúng có thể được gieo trồng trên những khu vực rộng lớn hơn.

“Chúng tôi đã quảng bá lúa lưu niên trên khắp Vân Nam và giải quyết các vấn đề quan trọng nhất đối với nông dân, gồm năng suất, chi phí, hương vị và sản xuất ổn định trong nhiều mùa. Không ít người trong số những nông dân này trồng lúa để làm lương thực chính cho gia đình, vì vậy, lúa lưu niên phải cạnh tranh được với các giống lúa khác”, ông nhấn mạnh.

Những giống lúa lưu niên mới có ý nghĩa đặc biệt đối với Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng là nước tiêu thụ gạo hàng đầu, chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu toàn cầu.

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top