Để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhiều địa phương ở Lai Châu đã tập trung phát triển nông nghiệp, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương. Từ đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Lấy nông nghiệp là nguồn lực để phát triển kinh tế
Xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn) có 8 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái sinh sống. Nơi đây, điều kiện địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ, gây cản trở cho sự phát triển. Để phát triển kinh tế, xã hội, cấp uỷ, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý chí tự lực, tự cường của người dân, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng mô hình kinh tế phù hợp.
Anh Mùa A Cờ - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng cho biết: Gảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, hằng năm, xã thường xuyên cử cán bộ xuống tuyên truyền, giúp bà con nhìn thấy lợi ích kinh tế từ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; khai hoang, mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa máy móc hiện đại vào sản xuất thay thế sức người. Ngoài ra, xã phát huy hiệu quả các chương trình, dự án để hỗ trợ trực tiếp các hộ khó khăn về giống, công cụ, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.
Lấy nông nghiệp là nguồn lực để phát triển kinh tế, người dân đưa giống mới thay thế giống cũ, áp dụng khoa học kỹ thuật. Đến nay, toàn xã có 450ha lúa, 280,3ha ngô, năng suất ngô, thóc đạt từ 34-55 tạ/ha. Tận dụng diện tích sau mùa vụ, người dân các bản trồng rau màu, cây ăn quả như: xoài, dứa, thanh long. Nhận thấy cây sắn được nhiều doanh nghiệp thu mua, người dân cải tạo đất trồng 175ha, khi thu hoạch bán với giá từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg.
Cán bộ xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn) thăm mô hình nuôi gà của chị Lù Thị Thuyết ở bản Nậm Dòn.
Bà con nơi đây đã chủ động cải tạo bãi chăn thả, xây dựng chuồng trại, hình thành các mô hình chăn nuôi đại gia súc. Nguồn thức ăn kết hợp giữa tự nhiên và ngoài thị trường, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh nên vật nuôi khỏe mạnh và phát triển tốt. Người dân còn nuôi 195 thùng ong lấy mật. Hiện, toàn xã có 5.490 con gia súc, hơn 48.000 con gia cầm.
Thăm gia đình chị Lù Thị Thuyết (bản Nậm Dòn) - một trong những hộ gia đình tiêu biểu trong chăn nuôi của bản. Trước kia do kinh tế khó khăn, chị chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, bán được con nào hay con đấy. Từ khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động làm kinh tế, hướng dẫn kỹ thuật, năm 2013, chị vay 100 triệu đồng thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để mở rộng chăn nuôi. Tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn đã giúp chị có kiến thức chăn nuôi, từ đó áp dụng vào thực tiễn, xây chuồng trại, mua 3 con trâu giống về nuôi, đến nay đàn trâu đã phát triển thành 16 con. Không dừng lại, chị tiếp tục đầu tư nuôi 100 con gà và 21 con lợn về nuôi.
Chị Thuyết chia sẻ: Từ chăn nuôi, đến nay, gia đình tôi đã trả hết nợ và thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm. Nhà cửa được sửa lại khang trang, cuộc sống từ đó khá giả hơn. Tôi còn giúp đỡ bà con trong bản, truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ giống lợn, gà cho hộ nghèo để mong sao người dân nơi đây sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Việc triển khai, thực hiện các định hướng phát triển kinh tế của xã đã tạo chuyển biến tích cực, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 28,96% (năm 2023), thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, đưa xã Nậm Hàng trở thành một trong những xã đầu tàu về kinh tế của huyện Nậm Nhùn.
Tạo nguồn sinh kế cho nhân dân từ trồng chè
Cây chè được đưa vào trồng tại xã vùng cao Nùng Nàng (huyện Tam Đường) từ năm 2019. Sau nhiều năm bén rễ trên đồng đất Nùng Nàng, chè sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2023 chè bắt đầu cho thu hoạch, bước đầu mang lại nguồn thu nhập, tạo sinh kế ổn định cho bà con.
Trở lại bản Xì Miền Khan những ngày cuối năm, chúng tôi thấy không khí lao động nhộn nhịp của những người nông dân nơi đây. Trên khắp các triền đồi, bà con tập trung nhân lực làm cỏ, chăm sóc cho cây chè với hy vọng đây sẽ là “cây trồng chủ lực”, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Lãnh đạo xã Nùng Nàng hướng dẫn người dân bản Xì Miền Khan kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè.
Theo định hướng phát triển kinh tế của xã Nùng Nàng, năm 2019, gia đình ông Sùng A Páo ở bản Xì Miền Khan trồng 9.000m2 chè, năm nay là năm đầu tiên chè cho thu hoạch, mỗi lứa thu hái được 8 tạ, bán ra thị trường với giá 5.500 đồng/kg; từ trồng chè mang lại thu nhập cho gia đình ông trên 20 triệu đồng. Ông Páo chia sẻ: “Tôi thấy cây chè là cây trồng lâu năm, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, năm nay là năm đầu tiên chè được thu hoạch, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, tôi mừng lắm. Gia đình sẽ tiếp tục chăm sóc, chủ động phòng, chống sâu bệnh để chè sinh trưởng, phát triển, tạo nguồn sinh kế bền vững cho gia đình”.
Là hộ gia đình có diện tích chè lớn của bản Xì Miền Khan, ngay từ năm đầu tiên khi xã có chủ trương trồng chè, gia đình anh Lý Páo Dê đã đồng tình hưởng ứng và mạnh dạn trồng gần 1ha chè. Nhờ tuân thủ đúng yêu cầu kĩ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, diện tích chè phát triển tốt, mang lại thu nhập cao. Anh Dê vui mừng nói: “Năm nay là năm đầu tiên gia đình tôi thu hoạch chè sau hơn 4 năm chăm sóc, mỗi lứa thu được khoảng 1,5 - 1,6 tấn. Tôi thấy cây chè dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ trồng chè đã mang lại thu nhập cho gia đình tôi trên 40 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chè, gia đình tôi tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong chăm sóc để chè đạt năng suất, sản lượng cao, giúp gia đình có thêm thu nhập”.
Ông Ngô Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng cho biết: "Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân các bản chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè. Thông qua các cuộc họp bản, chi bộ, trên hệ thống loa truyền thanh không dây của xã, nhóm zalo… cán bộ tuyên truyền về ưu điểm, hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại để nhân dân hiểu, đồng thuận với chủ trương của xã. Những diện tích chè trồng từ năm 2019 đến năm 2023 cho thu hoạch năm đầu tiên, hiện toàn xã có 33,4ha chè, trong đó 14,3ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 10 tấn. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch theo đúng quy trình kĩ thuật để đạt năng suất, sản lượng cao. Đồng thời, vận động bà con mở rộng diện tích để giúp bà con nhân dân trên địa bàn tạo ra nguồn sinh kế bền vững.
Nâng cao thu nhập từ trồng dong riềng
Vụ dong riềng năm nay nông dân huyện Phong Thổ trồng được gần 400ha. Bà con phấn khởi khi dong riềng được mùa, được giá, thương lái thu mua tận nơi. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn.
Từ tháng 11 tới nay, đi từ thành phố Lai Châu về huyện Phong Thổ đâu đâu cũng thấy cảnh bà con tất bật vận chuyển, cân và bán dong riềng. Từng tốp xe tải chở dong riềng đến các xưởng chế biến, sản xuất tấp nập. Có mặt tại nương dong riềng thuộc bản Lản Nhì Thàng (xã Lản Nhì Thàng) chúng tôi thấy bà con đang tranh thủ thời tiết nắng ráo để thu hoạch dong riềng.
Người dân Lản Nhì Thàng bán dong riềng cho thương lái.
Đang vận chuyển những bao dong riềng ra quốc lộ tập kết để chờ thương lái tới mua, anh Phàn Ton Heng ở bản Lản Nhì Thàng phấn khởi chia sẻ: "Gia đình tôi trồng gần 5.000m2 dong riềng. Năm nay dong riềng cho năng suất, sản lượng cao mà vui hơn là được giá. Nếu như cùng diện tích đó năm ngoái gia đình tôi chỉ thu được khoảng hơn 200 bao thì đến thời điểm hiện tại gia đình đã thu được hơn 300 bao với giá bán 2.500 đồng/kg. Trừ chi phí, thu về khoảng 40 triệu đồng. Số tiền đó đã góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt cho gia đình tôi”.
Cũng theo anh Heng, trồng dong riềng không mất nhiều công chăm sóc, không mất nhiều chi phí cả vụ chỉ làm cỏ 2 lần khi cây còn nhỏ, vun gốc; không mất tiền mua giống vì chủ yếu người dân tự chọn các củ tốt từ vụ này để giống cho vụ sau. Và, cũng không mất nhiều chi phí đầu tư khi trồng năm đầu, đất mới không phải bón phân nhưng củ dong vẫn to, đến năm thứ hai trở đi thì đất cằn mới phải bón một lượng phân lân nhất định hoặc có thể sử dụng phân chuồng đã ủ để bón cho cây. Nhờ đó, cây dong riềng phát triển tốt, cho củ to hơn và lượng bột trong dong riềng cũng cao.
Được biết, năm 2023 xã Lản Nhì Thàng triển khai trồng 163ha dong riềng ở 8/8 bản. Ông Chang A Dua - Phó Chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng cho biết: "Hằng năm cứ vào thời điểm cuối năm xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp tuyên truyền người dân thu hoạch đúng vụ, kết hợp với dọn sạch và làm đất để đảm bảo đúng khung thời vụ là vào tháng 1 trồng và đến cuối năm được thu hoạch.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con duy trì diện tích dong riềng hiện có, tích cực khai hoang đất đồi và chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn, lúa kém hiệu quả sang trồng dong riềng. Giá bán dong riềng năm nay cao, dao động từ 2.000 - 2.800 đồng/kg, giá bột 24.000/kg".
Từ trồng dong riềng, trung bình mỗi vụ mỗi hộ dân trên địa bàn xã Lản Nhì Thàng sẽ thu được từ 80-100 triệu đồng. Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, mức sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 53,27% (năm 2022) xuống còn 44,43% (năm 2023).
Anh Nguyễn Cảnh Đức - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vụ dong riềng năm nay toàn huyện trồng gần 400ha tập trung tại các xã: Lản Nhì Thàng, Nậm Xe, Hoang Thèn, Ma Ly Pho. So với các loại cây trồng truyền thống như: ngô, lúa, cây dong riềng cho năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Trung bình mỗi hécta trồng dong riềng sẽ cho thu hoạch từ 40-50 tấn/ha. Để đảm bảo vụ dong riềng được mùa hằng năm huyện chỉ đạo các xã có diện tích trồng dong riềng tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng dong riềng và chú trọng đảm bảo trồng và thu hoạch đúng khung thời vụ.
Từ “trái ngọt” của dong riềng mang lại, thời gian tới, thông qua các chương trình như: mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Phong Thổ sẽ tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ sản xuất dong riềng để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất dong riềng cho người dân. Chủ động theo dõi thị trường và có các chính sách thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà liên kết vào địa bàn mở rộng diện tích cũng như bao tiêu đảm bảo đầu ra cho người trồng dong riềng và tránh tình trạng được mùa mất giá. Qua đó, từng bước đẩy mạnh phát triển dong riềng trên địa bàn và xây dựng dong riềng là cây trồng chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo trên địa bàn.
Theo baolaichau.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…