Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024 | 10:50

Làm giàu từ nuôi chồn hương

Mô hình nuôi chồn hương của anh Dương Văn Toàn và anh Nguyễn Văn Tiến ở tổ dân phố 4, phường Chi Lăng (TP. Pleiku, Gia Lai) không chỉ góp phần bảo vệ và phát triển động vật hoang dã trong tự nhiên mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2018, anh Tiến và anh Toàn cùng nhau mua 2 cặp chồn hương về nuôi thử nghiệm. Sau khi học hỏi và rút ra kinh nghiệm từ chăm sóc đến việc cho chồn sinh sản được, hai anh mạnh dạn đầu tư chuồng trại để nuôi loài động vật hoang dã này. Đến năm 2020, hai anh mua thêm 15 cặp chồn hương và xin cấp giấy chứng nhận nuôi động vật hoang dã.

Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm nên chồn hương hay gặp nhiều bệnh về đường tiêu hóa, ngoài da và đặc biệt là không sinh sản. Các anh đã đến các trại chồn hương trong và ngoài tỉnh để học hỏi và nghiên cứu thêm tài liệu, sách báo hướng dẫn kỹ thuật nuôi chồn hương. Năm đầu chúng sinh sản được, hai anh để lại làm giống và nhân rộng đàn. Đến nay, hai anh gây dựng được trang trại rộng khoảng 220 m2 với gần 200 chuồng nuôi.

Anh Tiến chăm sóc và cho chồn hương ăn.

Anh Tiến cho hay: Trong quá trình nuôi phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh. Đặc tính của chồn hoang dã, ăn tạp nên dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Thức ăn yêu thích của chồn hương là côn trùng và một số loại quả ngọt như: đu đủ, chuối, mít… Để có thức ăn cung cấp cho chồn hương, anh Tiến và anh Toàn trồng 1,5ha chuối, mít. Những quả chuối, quả mít chín không đạt tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường sẽ được gom về làm thức ăn cho chồn.

Ngoài ra, hai anh còn thường xuyên bổ sung thức ăn dinh dưỡng là món cháo được nấu với ếch, đầu gà và các loại cá thải loại. Trong điều kiện nuôi nhốt, chồn hương rất dễ bị mẫn cảm với những loại thức ăn mới lạ. “Mỗi ngày cho ăn 1 lần vào  buổi chiều. Do tập tính hoang dã, ban ngày chồn hương thường ngủ, chỉ thức dậy vào tầm chiều và ban đêm để kiếm ăn. Trung bình, mỗi con chồn có khẩu phần ăn khoảng 2.000-3.000 đồng mỗi ngày. Nguồn thức ăn tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng đã giúp chồn phát triển, sinh sản tốt. Chồn 8-9 tháng tuổi trở lên có thể sinh sản, thời gian mang thai khoảng 3 tháng. Thông thường, mỗi năm chồn mẹ sinh sản khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con, tỷ lệ sống lên đến hơn 90%”, anh Tiến nói.

Để có thức ăn cung cấp cho chồn hương, anh Tiến và anh Toàn đã trồng 1,5 ha chuối, mít.

Còn theo anh Toàn, loài chồn có nguồn gốc từ rừng, tuy được thuần hóa, nuôi dưỡng nhưng vẫn giữ bản tính hoang dã, nếu nuôi chung, chúng sẽ cắn nhau. Do vậy, phải chia ra mỗi con nuôi 1 ô chuồng riêng rộng khoảng 1m2 và chia làm nhiều khu nuôi dành cho chồn sinh sản, chồn hậu bị và chồn con. Việc nuôi riêng mỗi con một ô lồng để đảm bảo chúng không thể cắn nhau và cũng để hạn chế dịch bệnh lây lan nếu có dịch. “Hiện nay, chúng tôi duy trì đàn khoảng 80-180 con. Chồn hương thương phẩm nuôi 8 tháng đạt trọng lượng khoảng 3,5 kg và bán với giá 1,7-2 triệu đồng/kg, tùy từng thời điểm. Từ năm 2021, chúng tôi bắt đầu xuất bán những lứa chồn đầu tiên. Năm 2023, chúng tôi bán 80 con chồn thương phẩm với giá 4,5 triệu đồng/ con và 30 con giống, thu về  khoảng 500 triệu đồng”, anh Toàn vui vẻ nói.

Thời gian gần đây, các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã thương phẩm đã góp phần bảo vệ và phát triển động vật hoang dã trong tự nhiên và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, trên địa bàn tỉnh hiện có 116 cơ sở nuôi động vật rừng, gồm: 39 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường (dúi, heo rừng lai, hươu sao, nhím bờm, nhím đuôi dài…) với tổng 1.840 cá thể; 77 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (cầy vòi hương, cầy vòi mốc, nai, công Ấn Độ, kỳ đà hoa, kỳ đà vân, rắn ráo trâu, rùa đất lớn, rùa núi vàng, khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ) với hơn 1.980 cá thể. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm đã hướng dẫn và cấp mã số cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cho 36 hộ kinh doanh.

Trao đổi với P.V, ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức về bảo vệ động vật rừng, động vật hoang dã; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, truy quét để phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, gây nuôi động vật rừng trái phép. Đồng thời, hướng dẫn tổ chức, cá nhân người dân thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp, thực hiện các điều kiện an toàn đối với vật nuôi, con người, vệ sinh môi trường, thú y, an toàn dịch bệnh; thực hiện khai báo, lập hồ sơ đăng ký gây nuôi động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp theo quy định”.

Vốn là loài động vật hoang dã quý hiếm đang giảm dần trong môi trường tự nhiên nên hiện nay, ngành Kiểm lâm đang khuyến khích người dân nuôi chồn hương để phát triển kinh tế. Trong đó, túi thơm của chồn hương có thể dùng để trị các chứng bệnh và chế làm dầu thơm. Thịt chồn hương chế biến được nhiều món ăn đặc sản ngon, với thịt ngọt và mềm nên được thực khách ưa chuộng. Hiện, trên thị trường, thịt chồn hương có giá 1,7 - 2 triệu đồng/kg nhưng nguồn cung vẫn không đủ để cung cấp.

Chồn hương không được xếp vào Sách đỏ Việt Nam nhưng lại có tên trong phụ lục của Công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động-thực vật hoang dã nguy cấp) nên mọi hoạt động chăn nuôi chồn của người nuôi phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, được cơ quan chức năng cấp phép đăng ký kinh doanh, cấp mã trại chăn nuôi, kiểm tra định kỳ vệ sinh thú y, báo cáo kiểm lâm địa bàn khi chồn sinh sản và xuất bán ra thị trường.

Lê Nam
Ý kiến bạn đọc
Top