Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 12 năm 2022 | 9:54

Làm giàu từ trang trại cây ăn quả đặc sản

Siêng năng, sáng tạo, biết khai khác tối đa lợi thế về điều kiện đất đai ở địa phương và chọn cây trồng phù hợp, chị Nguyễn Thị Hương ở xóm 7 Lam Sơn, xã Yên Hưng (Ý Yên - Nam Định) đã xây dựng được trang trại trồng trọt hiệu quả, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, được mọi người nể phục.

Hành trình bén duyên với cây ăn quả

Sinh ra trong gia đình thuần nông khó khăn, chị Nguyễn Thị Hương luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, có thể làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.

Năm 1991, chị Hương lập gia đình. Để lo kinh tế, chồng chị bươn chải đi làm ăn xa. Vừa phải lo cho gia đình với hai bà mẹ già ngoài 80, vừa chăm sóc 2 con nhỏ, cuộc sống của chị Hương càng khó khăn hơn;  phải xoay xở đủ nghề, kể cả làm thuê cho bà con trong làng.

Thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, xây dựng nông thôn mới, xã tiến hành dồn đổi, quy hoạch đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch chuyển đổi các vùng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây, con khác phù hợp, có hiệu quả kinh tế hơn để tăng thu nhập cho bà con.

Chị Nguyễn Thị Hương, xã Yên Hưng (Ý Yên) thu hoạch ổi lê Đài Loan.

Năm 2014, chị Hương mạnh dạn đấu thầu 0,72ha đất công của xã là chân ruộng cao, thường xuyên khô hạn, trồng lúa khó khăn, chuột phá hại nhiều không cho thu hoạch, nhiều vụ bị bỏ hoang để cải tạo phát triển kinh tế gia đình. Được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với vốn gia đình tiết kiệm được và vay mượn từ anh em, họ hàng, chị Hương đầu tư gần 300 triệu đồng vượt lập, cải tạo khu ruộng xấu thành vườn trồng 500 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, ổi các loại kết hợp chăn nuôi gia cầm, mỗi lứa trên 300 con gà, ngan, vịt.

Hai năm đầu, do đất mới cải tạo nên độ chua phèn còn cao, kỹ thuật trồng cây và chăn nuôi gia cầm vẫn theo phương thức truyền thống nên cây ổi chỉ ra quả 1 vụ đúng vào thời điểm chính vụ nên giá rất “bèo bọt”, bưởi cho thu không đến 20 triệu đồng/200 gốc; đàn gia cầm bị dịch cúm liên miên nên hiệu quả kinh tế rất thấp.

Sau  thất bại ban đầu, chị Hương rút ra kinh nghiệm quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp, đó là phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chị đã trực tiếp đi học tập kinh nghiệm từ các vườn cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao tại Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình; tham gia các buổi tập huấn do Hội Làm vườn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức. Từ các kiến thức được học kết hợp  kinh nghiệm tự tích lũy ngay tại vườn nhà, năm 2019, chị Hương tiếp tục nhận đấu thầu thêm gần 0,6ha đất ruộng kém hiệu quả để đầu tư, cải tạo tổng thể 1,3ha đất ruộng trồng các loại cây ăn quả đặc sản đang được ưa chuộng như 500 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn; 400 gốc ổi lê Đài Loan; 200 gốc hồng xiêm, xoài Thái Lan; 150 cây chanh. Dưới tán cây ăn quả, chị trồng xen các loại rau ngắn ngày để “lấy ngắn nuôi dài”, vừa có thu nhập sớm, vừa bổ sung dưỡng chất cho đất. Chị áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc đối với từng loại cây, nhất là việc bảo vệ quả, bọc nylon để ngăn ngừa côn trùng đốt, chích đẻ trứng, bảo đảm quả khi thu hoạch vừa đẹp về mẫu mã, vừa ngon về chất lượng; thực hiện mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ. Chị không sử dụng phân bón hóa học mà thay thế bằng những phụ phẩm nông nghiệp như dùng rơm rạ phủ gốc cây, vừa có tác dụng giữ ẩm, vừa tự phân hủy tạo mùn cho đất.

Đặc biệt, để bổ sung dinh dưỡng cho cây, chị dùng đậu tương giã nát và cá rô phi ngâm ủ tạo thành phân bón hữu cơ kết hợp phân vi sinh bón vào gốc cây; dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, không sử dụng thuốc diệt cỏ nhằm đảm bảo sản xuất các sản phẩm bưởi, ổi, hồng xiêm, mít, chanh… đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, chị áp dụng tỉa ghép cây ổi ra quả quanh năm, rải vụ để lúc nào cũng có sản phẩm cung ứng ra thị trường mà không lo cảnh “được mùa mất giá”.

Từ năm 2020, gia đình chị Hương có thu từ bưởi da xanh, bưởi Diễn, ổi lê. Đến năm 2021, gia đình chị đã thu được 1.600kg bưởi da xanh, với giá bán  30-40 nghìn đồng/kg; 12 tấn bưởi Diễn, giá bán 10 nghìn đồng/kg; ổi cho ra quả quanh năm, cách 3 tháng thu hoạch 1 lứa thu hoạch được 3 tấn với giá 12-15 nghìn đồng/kg… ; trừ chi phí, thu lãi 200-250 triệu đồng. Sản phẩm bưởi, ổi ngon lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được khách hàng tin dùng.

Các sản phẩm của gia đình chị Hương được tiêu thụ rộng rãi  trong và ngoài tỉnh... Mỗi vụ, vào kỳ thu hoạch rộ hoặc chăm sóc cây, gia đình chị Hương còn tạo việc làm cho 2-4 lao động thời vụ với mức thu nhập 160-180 nghìn đồng/người/ngày, tùy theo công việc. Thu nhập ổn định, chị Hương có điều kiện nuôi các con học đại học; ra trường các cháu đều có công việc mức thu nhập ổn định.

Liên kết mở rộng cây ăn quả đặc sản

Không chỉ chịu khó, đảm đang, chị Hương còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động Hội Phụ nữ như việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham gia các cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, làm tốt vai trò người con hiếu thảo, người vợ, người mẹ mẫu mực. Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ Ý Yên chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao”, chị Hương đã ủng hộ 20 triệu đồng để rải đá “cứng hóa” mặt đường nội đồng tạo thuận tiện cho gia đình và bà con có diện tích canh tác quanh vùng thuận tiện đi lại; đồng thời ủng hộ, đóng góp làm đường thoát nước, lắp đặt hệ thống cột điện chiếu sáng của thôn. Trong các buổi sinh hoạt chi Hội Phụ nữ thôn, chị Hương luôn chia sẻ với bà con, hội viên về cách sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp để giúp nhau phát triển; đồng thời vận động bà con trong xã cùng nhân rộng mô hình trồng vườn. Đến nay xóm 7 Lam Sơn đã có 6 gia đình phát triển mô hình trồng vườn ổi, bưởi, cam…

Tháng 10/2021, sản phẩm ổi lê Yên Hưng với hương vị ngọt, ngon, an toàn thực phẩm vinh dự được trưng bày và giới thiệu tại Đại hội đại biểu Hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2021-2026. Chị Hương đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021.

Mong muốn của chị Hương là tiếp tục liên kết với bà con trong xã mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản và phát triển thị trường tiêu thụ; xây dựng thương hiệu, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); sản xuất theo quy trình VietGAP  bưởi, ổi Yên Hưng.  

Người phụ nữ đảm đang, dám nghĩ, dám làm với mô hình kinh tế trang trại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao Nguyễn Thị Hương thực sự là một trong những tấm gương phụ nữ Việt Nam hiện đại tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác dạy, vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê hương.

 

Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Ngãi tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi

    Quảng Ngãi tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi

    Quảng Ngãi tăng cường ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top