Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 8 năm 2024 | 20:10

Lào Cai: Chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo môi trường để hạn chế bệnh dịch

Chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân. Vì thế, những năm qua, ngành chăn nuôi tỉnh Lào Cai đã khuyến khích người dân áp dụng nhiều mô hình, ứng dụng giải pháp xử lý chất thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Bảo Thắng là vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh Lào Cai, với chủ trương chuyển đổi cơ bản phương thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, có quy mô, an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường. 

Ông Nguyễn Văn Hưởng ở thôn Xuân Lý, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) hiện nuôi khoảng 1.000 con lợn. Là một trong những hộ có quy mô chăn nuôi lợn lớn nhất tại xã Gia Phú, nên vốn đầu tư cũng như thu nhập chính của gia đình ông đều đặt vào nghề nuôi lợn. Việc chăn nuôi được ông quan tâm nhất là ở các khâu chuẩn bị nguồn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và xử lý chất thải…

“Xử lý tốt chất thải chăn nuôi là rất quan trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng sức khỏe vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng như gây ô nhiễm nặng nề đến môi trường sống. Tôi xây lắp hệ thống biogas để tận dụng một phần chất thải làm khí đốt.

Ngoài ra, chất thải, nước thải của hệ thống chuồng nuôi được thu gom, xử lý bằng chế phẩm sinh học. Nhờ đó, chất thải vật nuôi được tận dụng, trở thành nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng”, ông Nguyễn Văn Hưởng nói.

Các hộ chăn nuôi quy mô hầu hết đều đảm bảo môi trường để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: HĐ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nga, chủ trang trại chăn nuôi ở Làng Bông, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Cũng vì vậy, đàn lợn khi xuất chuồng có giá luôn nhỉnh hơn mặt bằng chung.

”Trong chăn nuôi lợn, an toàn sinh học phải được đặt lên hàng đầu nhất là hiện nay các vật nuôi có nguy cơ dính dịch bệnh rất cao. Bao cám nhà tôi nhập về phải phun khử trùng, dụng cụ phục vụ cho chăn nuôi khi trước khi đưa vào sử dụng cũng phải phun rồi mới đưa vào chuồng trại. Xe rồi người ngoài khi vào khu chăn nuôi đều phải sát trùng, cách ly sau đó mới được vào”, bà Nguyễn Thị Nga nói. 

Các trang trại, các hộ chăn nuôi quy mô lớn của huyện vùng cao này cơ bản đều áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên hiện chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ vẫn còn nhiều.

Hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh

Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho hay, người dân ở Bảo Thắng cơ bản có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi. Bà con biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh nên trong những năm vừa qua đàn vật nuôi phát triển ổn định. Tuy nhiên việc tiêm phòng dịch bệnh vẫn được quan tâm. 

“Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được huyện Bảo Thắng đặc biệt chú trọng. Các địa phương và ngành chuyên môn đã tuyên truyền người dân áp dụng quy trình chăn nuôi phù hợp đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thực hiện tiêm phòng định kỳ và đầy đủ các loại vắc xin cần thiết cho từng loại vật nuôi. Đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, hàng ngày theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện do bệnh dịch”, ông Vũ Kiều Hưng cho hay.

Cụ thể, chuồng nuôi phải ở nơi thoáng mát, chắc chắn; nền chuồng và khu nhốt riêng gia súc, gia cầm phải cao ráo. Có hệ thống thoát nước trong khu vực nuôi. Khu chứa chất thải phải xa chuồng nuôi, cuối hướng gió, vị trí thấp và xa nguồn nước ngầm. Bố trí hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi để ngăn chặn mầm bệnh.

Chăm sóc gia súc, gia cầm cũng giúp đề kháng dịch bệnh. Thức ăn cho gia súc, gia cầm phải đầy đủ về số lượng cũng như thành phần dinh dưỡng, không được ẩm mốc. Khẩu phần ăn bổ sung các loại vitamin, khoáng chất... để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Cho vật nuôi sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo...

Thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại chăn nuôi, máng ăn, uống và các dụng cụ chăn nuôi. Đặc biệt, định kỳ phun khử trùng, tẩy uế chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh.

Ngoài ra, việc tiêm phòng vacxin phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi phải được thực hiện đúng lịch, quy trình nhất là phòng các loại bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo, tụ huyết trùng, phó thương hàn, viêm da nổi cục trâu, bò...

Việc kiểm tra thường xuyên sức khỏe đàn gia súc, gia cầm sẽ giúp phát hiện sớm, để nuôi cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây lan ra cả đàn. 

Vận động người dân đảm bảo môi trường chăn nuôi

Chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân. Vì thế, những năm qua, ngành chăn nuôi tỉnh Lào Cai đã khuyến khích người dân áp dụng nhiều mô hình, ứng dụng giải pháp xử lý chất thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi tại các cơ sở quy mô lớn được quan tâm đầu tư để đảm bảo quy định về kinh tế trang trại thì tại những cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ luôn tiềm ẩn nhiều hơn nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, hầu hết hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư, tận dụng diện tích trong khu vực nhà ở để xây dựng chuồng trại, quy mô sản xuất nhỏ và vốn đầu tư hạn chế nên chưa chú trọng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 77.000 hộ chăn nuôi, trong đó hơn 61.000 hộ có chuồng nuôi nhốt hợp vệ sinh (chiếm 79,4%), vẫn còn hơn 15.000 hộ chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường (chiếm tới 20,6% hộ chăn nuôi).

Hầu hết những hộ chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường là quy mô nhỏ lẻ, phân bố rải rác tại khu vực nông thôn, vùng cao, chưa thay đổi nhận thức, thói quen trong sản xuất.

Trước thực tế đó, những năm qua, các mô hình thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi để tận dụng thành nguồn phân bón hữu cơ cũng như tạo thành khí đốt được nhiều hộ áp dụng. Việc thu gom, xử lý này đã biến chất thải chăn nuôi trở thành “tài nguyên”, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.

Ngoài việc thu gom, xử lý bằng cách ủ truyền thống, nhiều hộ đã ứng dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, toàn tỉnh có 11.000 hộ chăn nuôi thực hiện xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học biogas và đệm lót sinh học (biogas khoảng 7.000 hộ, đệm lót sinh học hơn 4.000 hộ).

Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho biết, những năm qua, ngành chăn nuôi luôn quan tâm đến công tác quản lý, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường thông qua thực hiện các mô hình, điển hình như các công trình khí sinh học (biogas) và sử dụng đệm lót sinh học đã được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng và nhân rộng. Để đảm bảo môi trường trong chăn nuôi, vấn đề quan trọng nhất cần thay đổi là nhận thức và thói quen.

"Chăn nuôi quy mô nhỏ, ít đầu tư cũng sẽ đi kèm với đó là không quan tâm tới vấn đề môi trường xung quanh. Bởi vậy, chúng tôi đã đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường chăn nuôi theo các quy định trong Luật Chăn nuôi. Ngành cũng phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện bảo vệ môi trường, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp khoa học, kỹ thuật tiên tiến và xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường", bà Phạm Thị Hoa nhấn mạnh.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ nongnghiep, Dantri,)
Ý kiến bạn đọc
Top