Ngày 25/8, tỉnh Lào Cai tổ chức hội thảo “Xúc tiến đầu tư thương mại ngành hàng quế năm 2023” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán… nhằm tìm giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm quế để phát triển bền vững vùng nguyên liệu và đón đầu những cơ hội xuất khẩu quế ra thị trường quốc tế.
Những năm gần đây, vùng nguyên liệu quế của tỉnh Lào Cai phát triển nhanh, hiện đang đứng thứ hai cả nước. Đến hết tháng 5 năm 2023, Lào Cai có 57.758,8 ha quế. Diện tích Quế đã thành rừng là 36.362,4 ha; diện tích chưa thành rừng là 21.396,4 ha. Vùng trọng điểm quế được xác định tại 04 huyện: Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà với diện tích 51.279,0 ha (chiếm 88,78% diện tích quế toàn tỉnh).
Năm 2022, Lào Cai có 3.671 ha quế đạt chứng nhận hữu cơ, gồm: 1.374 ha tại xã Nậm Đét, Nậm Lúc, Bản Cái huyện Bắc Hà do Công ty Hương gia vị Sơn Hà liên kết với 18 tổ nhóm cùng 785 hộ tham gia thực hiện và 2.247 ha tại xã Liêm Phú và Nậm Tha huyện Văn Bàn do Công ty Quế Hồi Việt Nam liên kết với 14 tổ nhóm cùng 630 hộ gia đình tham gia. Tổng sản lượng khai thác quế tại Lào Cai đạt 8.100 tấn vỏ quế; 74.336 tấn cành, lá; 45.000 m3 gỗ tròn; 480 tấn tinh dầu.
Tham dự hội thảo có nhiều đại biểu quốc tế: bà Majdie Horden, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia; bà Samina Mehtab, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa hồi giáo Pakistan…
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: “Để phát triển diện tích quế bền vững, Lào Cai đã gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi khép kín, theo hướng đưa sản phẩm Quế trở thành hàng hóa có chất lượng đạt chuẩn, hướng đến thị trường quốc tế”.
Các đại biểu tham quan cơ sở sản xuất quế và các sản phẩm quế organic tại huyện Bảo Yên
Tuy nhiên, do mới phát triển nóng từ năm 2012 đến nay nên vùng quế Lào Cai còn tồn tại những hạn chế và tiềm ẩn rủi ro nhất định như: phát triển thiếu bền vững (phát triển ồ ạt, tràn lan ngoài vùng sinh thái, canh tác theo kinh nghiệm chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật); việc trồng thuần loài trên diện tích lớn gây nguy cơ bùng phát sâu bệnh hại diện rộng; người dân phát triển quế theo hướng hữu cơ tuy nhiên diện tích được thực hiện đánh giá, cấp chứng nhận hữu cơ còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng.
Việc trồng, sản xuất quế chủ yếu là tự phát, manh mún nhỏ lẻ; chưa thành lập được nhiều các tổ nhóm/HTX hỗ trợ nhau trong việc trồng, chăm sóc, khai thác và sơ chế các sản phẩm từ cây Quế. Các chuỗi liên kết sản xuất được manh nha thực hiện tuy nhiên mới dừng lại ở việc xây dựng các chuối sản xuất sản phẩm quế chưa xây dựng được chuỗi liên kết giá trị sản phẩm; dẫn tới không phát huy được sức mạnh tập thể khiến việc tiêu thụ sản phẩm Quế phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, bị chèn ép về giá.
Bà Majdie Horden, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia trải nghiệm bóc quế với bà con xã Xuân Hoà (Bảo Yên).
Để nâng cao giá trị sản phẩm quế, từng bước mở rộng thị trường ra các nước trên thế giới, tỉnh Lào Cai xác định việc xây dựng vùng nguyên liệu quế đạt chứng nhận hữu cơ là nhiệm vụ cấp thiết phải thực hiện. Tại hội thảo, TS Lê Văn Bình, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng nêu nhiều giải pháp sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo phát triển cây quế theo hướng hữu cơ quan trọng nhất khâu chọn giống và giám sát chặt chẽ chu trình phát triển cây quế trong 2 năm đầu.
Theo Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Giám đốc Công ty Quế hồi Việt Nam Vinasamex, trước mắt Lào Cai cần quản lý tốt việc sử dụng hoá chất diệt cỏ, trừ sâu… để sản phẩm quế xuất khẩu không vấp phải rào cản dư lượng thuốc cao. Bên cạnh đó, không phải chỉ xây dựng thương hiệu quế Lào Cai mà cần liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu khác trong cả nước để nâng tầm sản phẩm quế trở thành thương hiệu quốc gia và tích cực đẩy mạnh maketting để tiếp cận khách hàng. Đặc biệt là, tỉnh cần chú trọng việc gỡ khó trong cơ chế chính sách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh lâu dài.
Trong năm 2023 tỉnh Lào Cai đang tiếp tục mở rộng diện tích quế hữu cơ lên trên 5.000 ha dưới sự hỗ trợ của dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) và dự án Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM2) hỗ trợ xây dựng vùng quế đạt chứng nhận Liên minh thương mại đa dạng sinh học (UEBT) cho diện tích quế tại xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…