Huyện Long Phú là địa phương có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tăng cả về năng suất lẫn chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
Phát huy thế mạnh trong sản xuất
Năm 2024, ngành Nông nghiệp huyện Long Phú đã triển khai thực hiện kế hoạch góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiều nội dung lớn với mục tiêu cao cần đạt trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tập trung tái cơ cấu nông nghiệp…
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Long Phú tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, huyện quan tâm công tác hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao.
Về trồng trọt, toàn huyện ước gieo trồng 37.941,33ha, đạt 119,31% kế hoạch, tăng 1.966,01ha với năm 2023, ước diện tích thu hoạch 37.888,13ha, năng suất bình quân ước 5,69 tấn/ha. Ước tổng sản lượng 215.465 tấn, đạt 116,82% kế hoạch. Tính theo năm lương thực, toàn huyện xuống giống được 38.056,91ha, đạt 119,68% kế hoạch, diện tích thu hoạch 38.003,71ha, ước năng suất 5,96 tấn/ha, sản lượng 226.653 tấn, đạt 122,89% kế hoạch.
Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày toàn huyện xuống giống được 3.071ha, đạt 122,84% kế hoạch, tăng 4ha. Trong đó, màu lương thực 388ha, màu thực phẩm 1.418ha, cây công nghiệp ngắn ngày 1.265ha (mía 102,65ha) với một số loại rau màu như: bắp, dưa leo, bầu, bí, rau các loại...
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (đội mũ tai bèo) thăm cánh đồng dự án ở HTX Hưng Lợi của huyện Long Phú.
Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc của huyện ước cả năm là 31.854 con, đạt 109,78% kế hoạch. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện và công tác kiểm tra, đôn đốc thường xuyên trong phòng, chống dịch của ngành chuyên môn, tăng cường tuyên truyền chăm sóc tốt đàn vật nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vắc xin phòng bệnh..., các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm được kiểm soát.
Năm 2024, huyện thực hiện 7 danh mục công trình thủy lợi nội đồng, với tổng chiều dài 36.853m; khối lượng đào đắp là 168.245m3. Đảm bảo nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô.
Trong năm, ngành Nông nghiệp huyện Long Phú mở 7 lớp với 210 người tham dự với nội dung quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp; giới thiệu tổng quan về giải pháp công nghệ và quy trình MRV (hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính); hướng dẫn HTX trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao, phát thải thấp; kỹ thuật chăn nuôi bò, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nuôi lươn thương phẩm, nuôi dê.
Đồng bộ các giải pháp
Những năm qua, nông dân Long Phú đã mở rộng việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lưu trữ thông tin sản xuất, truy xuất nguồn gốc trên cây lúa, tự lưu lại nhật ký sản xuất qua nhiều vụ, nhiều năm, giúp bà con tự đánh giá, rút ra quy trình sản xuất hiệu quả và ứng dụng truy cập mọi lúc mọi nơi. Nông dân ở địa phương áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình sản xuất lúa, truy cập bản thông tin mùa vụ, tình hình thời tiết, lịch xuống giống, độ mặn, dự báo sâu, bệnh trên lúa, trên cây ăn trái, các giai đoạn phát triển của cây lúa, nhất là thông tin giá cả thị trường đối với sản phẩm lúa. Một số nhà nông thành lập nhóm chia sẻ qua Zalo từ huyện đến ấp, nhóm tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp nông dân kịp thời chủ động trong quá trình sản xuất, thời điểm thu hoạch,…
Đặc biệt, Long Phú đang thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Huyện đăng ký tham gia với diện tích 8.150ha. Năm 2024, huyện được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn thực hiện mô hình điểm với diện tích 50ha/46 hộ thực hiện tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi. Mô hình được thực hiện trong 2 vụ hè - thu và đông - xuân, đồng thời là điểm để khởi động của đề án trong vụ hè - thu 2024.
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện có 27 hợp tác xã nông nghiệp, với 1.480 thành viên, tổng diện tích 2.669,83ha, vốn điều lệ trên 7,4 tỷ đồng. Trong năm 2024 đã thành lập mới 6 tổ hợp tác, lũy kế có 58 tổ hợp tác với 1.100 thành viên, diện tích đất canh tác 1.682,94ha.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Long Phú luôn quan tâm thực hiện tốt công tác này. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”, vì vậy, người dân đã tích cực chung tay, không ngần ngại hiến đất, đóng góp công sức, vật chất cùng nhau xây dựng quê hương. Đến nay, Long Phú có 7/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Long Phú triển khai thực hiện quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; đồng thời, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững. Từ đầu năm 2024 đến nay tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP được 15 sản phẩm, trong đó, 8 sản phẩm mới; 7 sản phẩm đánh giá lại; 21 sản phẩm đạt 3 sao.
Một số sản phẩm Ocop của huyện Long Phú.
Các sản phẩm OCOP của Long Phú được nhiều người đánh giá cao như chanh leo ngọt Sáu Công, trà đông trùng hạ thảo, trà túi lọc đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo Bảo Đăng, chanh leo ngọt Văn Ngoan, gạo ST25 Tân Hưng Phú, rượu đông trùng sâm bố chính, bưởi da xanh, mật ong Organic, mật ong Miền Tây, mật sáp, xá bấu (củ cải muối), tương hột, lòng đỏ trứng vịt muối, chuối sấy, dưa bồn bồn, dưa bồn bồn chua ngọt…
Phát huy thành tựu của năm 2024, năm 2025, ngành Nông nghiệp và PTNT Long Phú tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong lĩnh vực trồng trọt, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện; cơ cấu lại mùa vụ, chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm; sử dụng các loại giống chất lượng cao; phát triển mạnh diện tích lúa đặc sản, lúa thơm.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến cáo thời vụ, quy trình kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi, tổ chức tham quan học tập các mô hình có hiệu quả để xây dựng mô hình điểm tại địa phương. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép các nguồn lực đầu tư theo hướng xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng theo bộ tiêu chí quốc gia và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Ngoài ra, huyện còn rà soát, hỗ trợ đưa sản phẩm hàng hóa, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, các hợp tác xã, tổ hợp tác lên sàn thương mại điện tử, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP. Hiện nay, tất cả 16 sản phẩm OCOP của huyện Long Phú, đều được quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên môi trường số.
Chiều ngày 9/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) tại tỉnh Quảng Nam.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.