Kết luận phiên thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển mới.
Hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước còn dàn trải, thiếu trọng tâm
Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Hợp tác xã đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển hợp tác xã, góp phần tăng thu nhập cho người lao động trong hợp tác xã, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quy định pháp luật về kinh tế hợp tác còn nhiều nội dung chưa phù hợp, thiếu tính đồng bộ với pháp luật hiện hành.
Đại biểu Tuyến cho rằng, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (từ Điều 16 đến Điều 21) còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng và tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế. Bên cạnh đó, một số nội dung chính sách còn mang tính khái quát cao, thiếu tính định lượng.
Đối với chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hợp tác xã, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét và thiết kế nội dung theo hướng hỗ trợ để phát triển tổ chức kinh tế hợp tác và sự hỗ trợ này sẽ giảm dần theo hiệu quả và sự tiến bộ hợp tác xã để tiến đến sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong thị trường.
Cần quy định về cơ chế đặc thù cho hợp tác xã nông nghiệp
Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) bày tỏ nhất trí cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã cho phù hợp với điều kiên phát triển của đất nước, loại bỏ những quy định cản trở, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện hợp tác xã phát triển năng động, bền vững. Về tên gọi Luật, đại biểu Lịch đề nghị giữ nguyên tên gọi luật hiện hành.
Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang).
Theo đánh giá của đại biểu Lịch, dự thảo Luật đã bám sát 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết của Trung ương Đảng. Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến tính đặc thù trong hoạt động nông nghiệp. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần xem xét bổ sung quy định cho hợp tác xã nông nghiệp, hoặc giao Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho hợp tác xã nông nghiệp.
Đại biểu Lịch cũng đề nghị cần rà soát một số nội dung, chính sách cụ thể trong Luật, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật này với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản… để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Đối với quyền của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu Lịch đề nghị cần bổ sung một điểm ở Khoản 1, Điều 9 về việc chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cũng đề nghị quan tâm đến đối tượng được thụ hưởng chính sách. Thực tế hiện nay, ở nước ta, số lượng hợp tác xã nông nghiệp chiếm đến gần 70% trên tổng số hợp tác xã. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần phù hợp và ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo quan điểm của Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Quy định rõ về hoạt động tín dụng nội bộ
Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Rơ Châm H’Phik (Gia Lai) thống nhất với Tờ trình và báo cáo thẩm tra, đồng thời tán thành cao với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi Luật Hợp tác xã. Về hoạt động tín dụng nội bộ, đại biểu cho rằng, đây là nội dung phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, tuy nhiên, nhiều nội dung chưa được quy định cụ thể, mà phải chờ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, cần bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động tín dụng nội bộ để khả thi khi thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật có quy định khoanh vùng giao dịch được xác định là giao dịch nội bộ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời, có những quy định phòng ngừa tổ chức kinh tế hợp tác lợi dụng trục lợi từ chính sách ưu đãi.
Đại biểu Rơ Châm H’Phik đề nghị, tiếp tục rà soát một số điều khoản để đảm bảo đồng bộ với các quy định của Bộ luật Lao động và các luật hiện hành về thanh toán tiền lương, chi phí bảo hiểm và các chi phí khác cho người lao động, nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.
Góp ý về quyền của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị, cần phải cân nhắc thêm việc quy định cho tổ chức hợp tác có hoạt động tín dụng nội bộ.
Theo đại biểu Hải, đây là tổ chức hoạt động mang ý nghĩa tương trợ giúp đỡ các thành viên của hợp tác là chính và gần như là hoạt động với mục đích phi lợi nhuận. Hoạt động tín dụng nội bộ hoàn toàn khác với các quỹ tín dụng nhân dân. Hoạt động tín dụng nội bộ của hợp tác xã theo luật năm 2012 đã có quy định, song trong báo cáo đánh giá tổng kết thi hành luật chưa đề cập đến vấn đề này. Đến năm 2017, hoạt động tín dụng nội bộ này vẫn chưa có quy định và hướng dẫn.
Do đó, cần phải tính toán bởi vì không có hành lang cơ sở pháp lý cho hoạt động tín dụng nội bộ. Đại biểu Hải cũng cho biết, thực tế tại các địa phương, hoạt động tín dụng nội bộ của các hợp tác xã là rất ít. Do đó, đại biểu đề nghị nên xem xét có nên quy định cho hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã hay không?
Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn).
Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) cho rằng, cần có chính sách đặc thù về vay vốn tín dụng để các hợp tác xã đã nêu ở trên có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn để hợp tác xã phát triển.
Ngoài ra, đại biểu Huân cũng đề nghị bổ sung quy định về việc Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức hợp tác có tư cách pháp nhân; đề nghị nghiên cứu quy định rõ việc thành lập và tổ chức hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã, nhằm làm rõ vai trò, vị trí pháp lý; cần tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể ở địa phương, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành về quản lý, giám sát hoạt động của hợp tác xã thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5, tháng 5/2023.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.