Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 5 năm 2023 | 11:35

Mùa thu hoạch nông sản ở Tây Bắc

Hiện, nhiều địa phương ở Tây Bắc đang vào vụ thu hoạch nông sản như: lúa xuân, mận, xoài… Năm nay, nông sản được mùa, nông dân phấn khởi.

Nông dân Bắc Hà vào vụ thu hoạch mận Tam Hoa

Từ giữa tháng 5, người trồng mận Tam Hoa ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã bắt đầu thu hoạch mận đầu mùa. Năm nay, nắng nóng kéo dài, mận chín sớm nhưng giá mận thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, toàn huyện hiện có gần 350 ha mận Tam Hoa. Năm nay, đa số diện tích mận đậu nhiều quả, chỉ có một số diện tích ra hoa sớm, gặp sương mù nên có tỷ lệ đậu quả thấp. Giá mận năm 2023 thấp hơn với mức trung bình hàng năm. Hiện tại, người dân bán mận quả tươi với giá từ 10 - 40 nghìn đồng/kg. Trong đó, loại mận xô có giá 10 nghìn đồng/kg; mận chọn từ 20 - 30 nghìn đồng/kg; mận loại 1 có giá 40 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Năm nay, dự kiến người dân huyện Bắc Hà thu hoạch trên 4.000 tấn mận Tam Hoa. Mận Tam Hoa sẽ chín rộ vào đầu tháng 6, đây cũng là thời điểm huyện Bắc Hà tổ chức Festival Cao Nguyên Trắng với nhiều hoạt động hấp dẫn để kích cầu du lịch và tiêu thụ nông sản chủ lực, trong đó có mận Tam Hoa. Chúng tôi kỳ vọng giá mận sẽ tăng lên để người dân có thêm thu nhập.

Gia đình bà Lù Thị Hoa, thôn Na Áng B, xã Na Hối trồng gần 200 gốc mận Tam Hoa. Mỗi vụ, gia đình bà Hoa thu được khoảng 4 tấn quả, bán được 50 - 60 triệu đồng. Năm nay, do thời tiết bất lợi, vườn mận của gia đình bà Hoa thưa quả, quả nhỏ, sản lượng giảm 50%. Bà Hoa cho biết: Mọi năm, thời điểm đầu mùa giá mận thường cao (30 nghìn đồng/kg đối với mận xô) nhưng năm nay giá mận rất thấp. Hi vọng vào thời điểm chính vụ, khách du lịch lên nhiều, kéo theo giá mận tăng lên để người dân có thêm thu nhập.

Người dân huyện Bắc Hà thu hoạch mận Tam Hoa đầu mùa.

Ngoài việc tập trung thu hoạch những lứa mận chín sớm, người dân vùng trồng mận Tam Hoa ở trung tâm thị trấn Bắc Hà và các xã lân cận đang tích cực dọn dẹp vườn để đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ông Vàng Văn Sen, Tổ trưởng tổ dân phố Na Quang 1, thị trấn Bắc Hà cho biết: Tổ dân phố có 17 hộ giữ được vườn mận tập trung nên đã liên kết tạo thành khu vực trải nghiệm du khách. Thông thường, mỗi vụ mận khu vườn này đón từ 5 - 6 nghìn lượt du khách đến trải nghiệm, thưởng thức mận. Người trồng mận có thu nhập khá ổn định, trung bình 1 triệu đồng/gốc mận. Chúng tôi đang tích cực phát dọn cỏ dại, chuẩn bị dụng cụ và những điều kiện thuận lợi nhất để du khách trải nghiệm vườn mận thuận lợi. Thời điểm hiện tại, mỗi ngày có vài chục lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm vườn mận của thôn Na Quang 1.

Giữa tháng 5 là thời điểm đầu mùa mận Tam Hoa bắt đầu chín, số lượng quả chín chưa nhiều nhưng nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến các vườn mận để tham quan, thưởng thức mận đầu mùa. Anh Mai Thanh Hưng, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng chia sẻ: Tranh thủ ngày cuối tuần, công việc ít và con được nghỉ học nên tôi và gia đình đi Bắc Hà chơi, trải nghiệm vườn mận. Đây là lần đầu tiên các con tôi được trải nghiệm hái mận, thưởng thức mận tại vườn nên các cháu rất thích thú. Tôi cũng hái và mua vài cân mận đầu mùa về làm quà cho người thân trong gia đình.

Từ Hà Nam lên Lào Cai du lịch, chị Hoàng Hải Hà đã thay đổi lịch trình từ thị xã Sa Pa sang huyện Bắc Hà trước vì nghe tin mận Tam Hoa vào mùa. Mặc dù được trải nghiệm hái, thưởng thức mận tại vườn nhưng chị Hà vẫn tỏ ra tiếc nuối vì đây chưa phải là thời điểm chính vụ, mận còn xanh và chua nhiều: Mận Tam Hoa Bắc Hà rất ngon và khác biệt. Tuy nhiên tôi thích mận chín hẳn, nhiều vị ngọt hơn thời điểm hiện tại. Tôi sẽ sắp xếp công việc và trở lại Bắc Hà vào thời điểm huyện tổ chức Festival để xem đua ngựa và thưởng thức những trái mận Tam Hoa chín đỏ trên cây.

Mận Tam Hoa là cây trồng làm nên thương hiệu “Cao nguyên trắng” và đem đến nguồn thu nhập lớn cho nông dân huyện Bắc Hà. Người trồng mận Bắc Hà hi vọng Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà mùa hè năm 2023 với chủ đề “Vũ điệu cao nguyên” với nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ góp phần thu hút du khách, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng mận Tam Hoa, giúp giá mận tăng cao để người dân có thêm thu nhập.

Nông dân lào Cai hối hả thu hoạch lúa xuân

Mặc dù thời tiết nắng nóng cao điểm nhưng trên những cánh đồng, nông dân các địa phương vẫn hối hả thu hoạch lúa xuân, xử lý rơm rạ để chuẩn bị vụ mùa mới.

Trên cánh đồng xã Võ Lao, huyện Văn Bàn những ngày này, không khí ngày mùa trở nên hối hả, nhộn nhịp. Nắng nóng, lúa khô là điều kiện lý tưởng để người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cho kịp thời. Tiếng máy gặt đập liên hoàn, tiếng máy đập lúa, tiếng cười nói rộn ràng… khắp cánh đồng. Những bông lúa chín vàng trĩu hạt là minh chứng cho một vụ xuân được mùa.

Người dân xã Võ Lao thu hoạch và chở thóc về nhà.

Những năm gần đây, người dân xã Võ Lao tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, đặc biệt là khâu thu hoạch giúp giảm sức lao động và thời gian thu hoạch. Anh Hà Khương Duy, thôn Chiềng 3, xã Võ Lao cho biết: Trước đây, gia đình tôi thường mất một ngày mới thu hoạch xong hơn 3 sào ruộng nhưng nay có máy gặt đập liên hoàn nên chỉ cần khoảng 20 phút là có thể chở thóc về nhà. Giá thuê máy gặt đập liên hoàn là 30 nghìn đồng/bao thóc (60 kg). Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, lúa được mùa, gia đình tôi thu được gần 1 tấn thóc.

Cũng canh tác trên cánh đồng xã Võ Lao, gia đình ông Nguyễn Ngọc Tuyển, thôn Chiềng 1, vừa thuê máy gặt đập liên hợp vừa phải gặt thủ công vì có một số chân ruộng thấp, nền đất yếu không đảm bảo cho máy chạy. Ông Tuyển cho biết: Gặt bằng máy vừa nhanh, vừa tiết kiệm nhưng có một số thửa vẫn phải gặt tay. Sau khi thu hoạch và chở thóc về nhà, chúng tôi tranh thủ thời tiết nắng để xử lý rơm rạ, đốt lấy tro để gieo mạ cho vụ lúa mùa. Đa số người dân ở đây thu hoạch lúa về để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Theo những người dân ở xã Võ Lao, việc ứng dụng cơ giới hóa hiệu quả giúp khâu thu hoạch lúa trở nên tiết kiệm, nhanh chóng hơn. Với tiến độ hiện tại, cả cánh đồng lúa rộng gần 500 ha của xã Võ Lao có thể thu hoạch xong trong khoảng 1 tuần. Sau đó, nông dân lại bắt tay ngay vào khâu làm đất, gieo mạ để sản xuất vụ lúa mùa.

Tương tự, tại các cánh đồng thuộc xã Bản Qua, huyện Bát Xát, nông dân cũng đang tích cực thu hoạch lúa chiêm xuân. Nông dân ở đây cũng vừa sử dụng máy gặp đập liên hoàn, vừa gặt thủ công, tùy vào điều kiện của các chân ruộng.

Chị Lò Thị Minh, thôn Coóc Cái cho biết: Vụ này gia đình gieo 11 cân giống, thu hoạch được 15 bao thóc (60 kg/bao). Việc thu hoạch thuận lợi vì có máy gặt đập liên hoàn. Chi phí thuê máy cũng tiết kiệm hơn so với gặt thủ công. Sau khi gặt xong, chúng thôi thu rơm rạ về cho gia súc, một phần đốt làm tro để chuẩn bị gieo mạ. Chúng tôi để đất nghỉ khoảng 20 ngày sau đó bắt đầu sản xuất vụ lúa mùa.

Không chỉ nông dân xã Võ Lao, xã Bản Qua mà nông dân các địa phương vùng thấp hiện đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân trà sớm. Trong khi đó, lúa xuân trà chính vụ đang ở trong giai đoạn chắc xanh, chín đỏ đuôi. Lúa trà muộn đang ở giai đoạn làm đòng, trỗ bông.

Vụ chiêm xuân, nông dân toàn tỉnh gieo cấy đạt 9.871 ha lúa (thành phố Lào Cai 489 ha, Bát Xát 1.006 ha, Mường Khương 424 ha, Bảo Thắng 1.563 ha, Văn Bàn 3.350 ha, Bảo Yên 2.595 ha, Bắc Hà 444 ha). Cơ quan chức năng khuyến cáo, nông dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động thu hoạch lúa xuân; tận dụng các điều kiện để tập trung phơi, sấy, chống thất thoát sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng lúa gạo. Cần điều tiết nước, giữ nước tại ruộng; chuẩn bị máy móc, các loại vật tư nông nghiệp, giống, phân bón để triển khai sản xuất vụ hè thu đúng lịch thời vụ.

Yên Châu vào vụ thu hoạch xoài tròn

Xoài tròn là một trong những loại trái cây đặc sản thơm ngon nổi tiếng của huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Nét riêng biệt nữa là thời vụ thu hoạch xoài tròn Yên Châu sớm hơn so với các địa phương khác, nên giá trị thương mại cao.

Nông dân huyện Yên Châu thu hái xoài tròn đầu vụ.

Năm 2012, xoài tròn Yên Châu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu. Theo đó, chỉ có cây xoài quả tròn được trồng ở xã Chiềng Pằn, Viêng Lán và Sặp Vạt thì mới được lấy tên “Xoài tròn Yên Châu”. Ông Cao Xuân Dũng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, cho biết: Hiện nay, toàn huyện có khoảng 300 ha xoài tròn, trong đó 180 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Trong đó, sản lượng được tiêu thụ qua HTX khoảng 30%, với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, 1 ha xoài tròn cho thu nhập 150 triệu đồng.

Thành lập năm 2017, HTX nông nghiệp Xuân Tiến, xã Sặp Vạt có 38 thành viên, trồng 60 ha xoài. Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX, thông tin: Năm nay, sản lượng xoài tròn của HTX đạt khoảng 300 tấn. Để giữ được thương hiệu hiệu “Xoài tròn Yên Châu” phải sản xuất đúng theo quy trình, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. HTX còn thành lập Ban quản trị chuyên giám sát các thành viên từ lúc bón phân, tưới nước, thu hái, đóng gói sản phẩm.

Theo thông tin từ các HTX và nhà vườn, hiện nay, rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đã liên hệ đặt mua xoài. Yên Châu đang triển khai kế hoạch tổ chức Ngày hội xoài và hỗ trợ các HTX giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại Ngày hội du lịch văn hóa tỉnh Sơn La năm 2023 diễn ra vào cuối tháng 5 tại huyện Mộc Châu. Hiện nay, các HTX đã chuẩn bị mọi điều kiện từ bao bì, tem nhãn, nhân lực để đóng gói sản phẩm.

Ông Hoàng Văn Ngoãn, bản Mệt Sai, xã Sặp Vạt, phấn khởi nói: Năm 2018, gia đình được huyện Yên Châu hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc 2 ha xoài theo quy trình VietGAP. Năm nay, vườn xoài bắt đầu cho thu hoạch khoảng 6 tấn quả, gia đình đã liên kết và cam kết bán sản phẩm cho HTX nông nghiệp Xuân Tiến.

Theo kinh nghiệm các nhà vườn, xoài tròn Yên Châu được trồng bằng giống bản địa từ nhiều năm trước với đặc điểm quả nhỏ, tròn, vỏ có màu xanh thường nhám, có các vệt đốm nâu đen chứ không láng bóng, khi chín cùi dầy, thịt mịn có màu đỏ hoặc vàng cam, vị ngọt đậm, thơm. Vì vậy,  quả xoài tròn Yên Châu còn được gọi là “xoài trứng” để người tiêu dùng dễ phân biệt với các giống xoài của các địa phương khác.

Yên Châu những ngày này, dọc hai bên đường quốc lộ 6, nhiều điểm đã bắt đầu bày bán những trái xoài tròn đầu vụ, với giá 25.000 đồng/kg. Qua khảo sát thực tế, vụ xoài tròn Yên Châu năm nay được mùa, những cây xoài cổ thụ gần 100 năm tuổi có thể thu hoạch 1 tấn quả/cây. Để bảo tồn và phát triển thương hiệu “Xoài tròn Yên Châu”, huyện tiếp tục hướng dẫn nhân dân cải tạo, thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm.

Do vụ thu hoạch xoài tròn ngắn, chỉ kéo dài trong khoảng một tháng, thời điểm này, du khách có thể đến trải nghiệm và thưởng thức những trái xoài tròn Yên Châu đầu vụ thơm ngon ngay tại vườn.

Huyện Điện Biên thắng lợi vụ lúa đông xuân

Mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi (mưa đá, giông lốc, hạn hán), các loại sâu bệnh nguy hiểm phát sinh gây hại, nhưng nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu hại, vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 huyện Điện Biên (Điện Biên) vẫn thắng lớn. Thời điểm này, nông dân tập trung nhân lực, máy móc thu hoạch lúa chính vụ. Vừa được mùa lại được giá nên người nông dân ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bà con tranh thủ thu hoạch diện tích lúa bị ảnh hưởng (đổ) do giông lốc, mưa gió.

Những ngày này, trên cánh đồng Mường Thanh - cánh đồng lớn nhất Tây Bắc, lúa đang chín vàng. Không khí tất bật, phấn khởi của người nông dân thu hoạch lúa bao trùm khắp cánh đồng. Những chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất, nông dân đứng đầu bờ ruộng chờ thu lúa.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, gia đình bà Lò Thị Tính, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân. Với diện tích gần 1ha, gia đình bà thu được hơn 6 tấn lúa; so với với vụ đông xuân năm trước năng suất cao hơn khoảng 300kg - 500kg/ha. Ðặc biệt, giá lúa tăng hơn nên vụ này gia đình bà Tính càng phấn khởi. Bà Tính chia sẻ: "Vụ đông xuân năm nay vừa được mùa, giá ổn định, thậm chí tăng cao hơn so với vụ trước nên ai cũng phấn khởi. Mặc dù chi phí phân bón, vật tư cao, nhưng đây vẫn là vụ lúa thắng lợi lớn của gia đình trong những năm qua".

Niềm vui được mùa, được giá lúa đông xuân năm nay cũng đến với gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên). Theo bà Hạnh, vụ đông xuân năm trước (2021 - 2022) thời gian cao điểm thu hoạch lúa đúng vào những ngày mưa liên tục, khiến nhiều diện tích lúa chín già không kịp thu hoạch; một số diện tích đã thu hoạch nhưng không có nắng phơi thóc, gây thiệt hại cho gia đình bà và người dân. Vụ đông xuân năm nay vừa được mùa, được giá, thời tiết đang thuận lợi nên người dân rất vui mừng. "Gia đình tôi đã thu hoạch hơn 3.000m2, năng suất ước đạt khoảng 67 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Hiện nay gia đình tôi đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch nốt diện tích còn lại, khoảng một đến hai ngày nữa là kết thúc thu hoạch lúa".

Không chỉ bà Tính, bà Hạnh mà nhiều nông dân trên địa bàn huyện Điện Biên cũng có niềm vui nhân đôi vì lúa được mùa, được giá. Đây là điều khác biệt so với nhiều vụ lúa, thường được mùa mất giá. Nhất là những năm gần đây, giá vật tư, phân bón tăng cao khiến nhiều vụ thua lỗ. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn huyện gieo cấy hơn 4.200ha; trong đó, tập trung tại các xã vùng lòng chảo hơn 3.551ha và vùng ngoài gần 650ha. Cơ cấu giống chủ yếu là séng cù, vai gãy, hana, đài thơm, bắc thơm, nếp và một vài giống lúa thuần địa phương. Hiện nay, các xã vùng lòng chảo đang trong thời gian thu hoạch chính vụ. Tính đến ngày hôm nay (19/5), toàn huyện thu hoạch được khoảng 40% diện tích gieo cấy. Năng suất bình quân đạt 64 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha so với vụ đông xuân 2021 - 2022 và kế hoạch vụ đông xuân năm nay đề ra), sản lượng ước đạt gần 27.000 tấn (vượt gần 600 tấn so với kế hoạch). Cá biệt, có những xã như: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Yên, Noong Hẹt, Thanh Chăn, năng suất đạt gần 70 tạ/ha.

Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, điểm thuận lợi của vụ đông xuân năm nay là các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm nên công tác chỉ đạo sản xuất kịp thời, đúng tiến độ. Cùng với đó, người dân tuân thủ khung lịch thời vụ gieo cấy và cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng sản xuất trên địa bàn. Ngoài ra, việc điều tra, dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại được cơ quan chức năng triển khai kịp thời nên hạn chế tối đa ảnh hưởng sâu bệnh. Do đó các đối tượng sâu bệnh được quản lý trong ngưỡng an toàn, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông năm nay gần như không ảnh hưởng nhều.

Những năm gần đây, việc thường xuyên tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất luôn được người nông dân trên địa bàn huyện, nhất là khu vực lòng chảo thực hiện. Vụ đông xuân năm nay, ngoài việc nhân rộng phương pháp cấy máy và các kỹ thuật canh tác khác thì việc chọn giống mới có giá trị cao cả về năng suất, sản lượng áp dụng rộng rãi, từ đó chất lượng và giá trị lúa hàng hoá tăng lên đáng kể. Do đó, dù chịu những ảnh hưởng nhất định bởi thời tiết, giá vật tư tăng cao, nhưng vụ đông xuân năm nay người dân vẫn được mùa, được giá so với những năm trước.

Huyện Điện Biên là vựa lúa lớn nhất của tỉnh. Đầu vụ đông xuân năm nay, người nông dân gặp khó khăn do thời tiết, sâu bệnh. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, sự nỗ lực của người nông dân nên đến thời điểm này có thể khẳng định đây là một vụ sản xuất thắng lợi, vừa được mùa, vừa được giá. Hiện tại, các xã trên địa bàn huyện Điện Biên tập trung máy móc, nhân lực thu hoạch lúa vụ đông xuân và khẩn trương làm đất theo phương châm thu hoạch đến đâu, làm đất, gieo cấy lúa hè thu đến đó, đảm bảo khung thời vụ. Thắng lợi vụ đông xuân 2022 - 2023, nông dân huyện Điện Biên có thêm động lực, chuẩn bị đất sản xuất vụ hè thu.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top