Những năm qua, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thừa Thiên - Huế đã có nhiều chuyển biến theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Địa phương này đã và đang thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để phục vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Vườn đẹp, đường sáng
Về thăm thôn Thành Trung (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền), được Trưởng thôn Nguyễn Trung Kiên chia sẻ về xây dựng thôn NTM của địa phương. Từ năm 2019, thôn đã huy động nguồn lực xây dựng thôn NTM kiểu mẫu với kinh phí trên 300 triệu đồng. Đến cuối năm 2023, Thành Trung đạt 12/12 tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. Thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2019.
Đến nay, 24/24 xóm với tổng chiều dài hơn 5km đường ngõ xóm được bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định, đạt 100%. Tuyến đường trục xã, trục thôn được trồng cây bóng mát, 24/24 xóm được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng vào ban đêm, có nhiều câu lạc bộ thể thao, có mạng wifi miễn phí ở nhà văn hóa...
Sản xuất rau VietGAP ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền.
Trong quá trình thực hiện xây dựng thôn kiểu mẫu, Ban phát triển xây dựng NTM của thôn đã tiến hành vận động người dân thường xuyên cải tạo, chỉnh trang lại vườn nhà. Kết quả, tất cả các vườn thường xuyên chỉnh trang, dọn dẹp, bố trí cây trồng hợp lý, có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cho sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Cùng với đó, Thành Trung cũng thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa gắn với xây dựng NTM. Thôn nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu Thôn văn hóa, 98% số hộ đạt Gia đình văn hóa.
Sản phẩm chủ lực của thôn Thành Trung là sản xuất rau, hiện được triển khai và sản xuất đại trà trên 14 ha. Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong các khâu tưới tiêu, làm đất, thu hoạch đạt 100% và khâu bảo vệ thực vật đạt trên 50%. Thôn đã xây dựng thành công một số mô hình phát triển sản xuất như: hỗ trợ liên kết sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP; sản xuất 3 tầng sinh thái: Lúa, vịt đàn, ốc bươu đen mang lại hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân.
“Từ khi triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM, bà con đã ý thức được phải đổi mới cách làm ăn. Nhiều hộ đã chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm hay, hiệu quả, nhất là trong sản xuất rau sạch. Mô hình “rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP” ra đời không chỉ hướng đến mục tiêu năng suất mà còn hướng đến người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Hòa, người trồng rau lâu năm ở Thành Trung chia sẻ.
Nằm dọc đường Hồ Chí Minh khoảng 1km, thôn Quảng Phú (xã Sơn Thủy, huyện A Lưới) có 171 hộ và 645 khẩu. Đến nay, Quảng Phú đã đạt là 12/12 tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu. Thôn có 10 tuyến đường trục chính thôn, ngõ xóm được bê tông hóa; các tuyến đường của thôn có tổ tự quản hoạt động hiệu quả; các tuyến đường đều có rãnh thoát nước và trồng cây xanh bóng mát. Thôn có 4 tuyến đường có hệ thống điện chiếu sáng với chiều dài 1km, đảm bảo mỹ quang, cảnh quan nông thôn, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 98%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 67,8 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Chánh, Trưởng thôn Quảng Phú cho hay, thôn huy động nguồn lực xây dựng thôn NTM kiểu mẫu được hơn 5 tỷ đồng. Trên 90% số hộ có vườn nhà được cải tạo phù hợp, đảm bảo cảnh quan, không còn các loại cây dại, cây tạp…; thôn có 4 vườn mẫu của 4 hộ gia đình. Thu nhập kinh tế từ vườn bước đầu mang lại hiệu quả. Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố trên 98%, hộ có hàng rào xanh, hàng rào các loại đạt trên 80%.
Đường NTM khang trang, sạch đẹp ở thôn Thành Trung, xã Quảng Thành.
NTM thực chất và hiệu quả
Ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: Thời gian qua, xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh có những nét chuyển biến đáng ghi nhận. Tỉnh có 75 xã/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, đạt 80%, trong đó 71 xã có quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 5 xã đã được công nhận; có 6 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.
Bằng những chủ trương đúng đắn cùng cách làm sáng tạo, phù hợp, hầu hết các xã NTM ở Thừa Thiên - Huế đều đạt các tiêu chí đề ra, như hệ thống giao thông thôn xóm được bê tông, nhựa hóa; trường học, trạm y tế đều được công nhận chuẩn quốc gia, đảm bảo tiêu chí “xanh - sạch - đẹp”; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; thiết chế, hạ tầng nông thôn xã đạt chuẩn. Tỉnh luôn ưu tiên đầu tư, xây dựng các vùng quê trở thành nơi có nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nội dung các chương trình chuyên đề của Trung ương: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025…
Để xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, theo ông Nam, phải coi xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; trong đó, cấp ủy, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quá trình thực hiện. Đồng thời, phải dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng NTM, phải thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ” để làm cơ sở huy động sự vào cuộc của người dân, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân thực sự làm chủ trong xây dựng NTM, Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ.
Trong triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề của Trung ương phải có sự linh hoạt, vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đa dạng hóa các kênh huy động là điều cần thiết phải làm, đồng thời cần chủ động lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để phục vụ xây dựng NTM.
Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa Huế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tập trung xây dựng các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Rà soát xây dựng các tiêu chí thiếu hụt của các xã đạt chuẩn NTM so với bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM, các điều kiện đạt chuẩn… Để ngày càng hình thành nhiều làng quê ở Thừa Thiên - Huế xanh, sạch, đẹp, thông minh, cần nhiều hơn nữa sự chung tay, đồng lòng, góp sức của chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp.