Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết nhu cầu quốc tế đối với gạo của nước này vẫn cao và dự kiến Thái Lan có thể xuất được 8 triệu tấn gạo trong năm nay.
Phát biểu sau cuộc thảo luận với Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đầu tuần này, ông Jurin cho biết đồng baht suy yếu, dự trữ tiêu thụ nội địa ở Ấn Độ và Việt Nam tăng lên cũng như nhu cầu ngày càng tăng ở khu vực Trung Đông là những yếu tố chính sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu gạo của nước này trong năm nay.
Một cửa hàng bán gạo tại Pekan Mundok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu của Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, tháng 1 vừa qua, nước này đã xuất khẩu 805.519 tấn gạo và thu 14,2 tỷ baht (hơn 400 triệu USD), tăng 75,2% về số lượng và 78,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục trưởng Cục Ngoại thương Thái Lan, ông Ronnarong Phoolpipat nêu rõ việc đồng baht suy yếu khiến giá gạo ở quốc gia này cạnh tranh hơn và nhờ đó làm tăng các đơn hàng dịp cuối năm. Bên cạnh đó, nhu cầu gạo cao hơn từ nhiều nước như Iraq, Indonesia và Bangladesh cũng giúp tăng đáng kể khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1.
Tuy nhiên, ông Ronnarong cho hay Cục Ngoại thương vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay là 7,5 triệu tấn. Cục sẽ tiếp tục theo dõi tình hình đồng baht trước khi có quyết định về điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu mặt hàng lương thực này. Nhận định triển vọng của đồng baht rất quan trọng đối với xuất khẩu gạo năm nay, ông Ronnarong cho rằng xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ trở nên cạnh tranh trên thị trường thế giới nếu đồng baht yếu đi.
Đồng baht đã suy yếu trở lại, giảm giá 1,5% so với đồng USD từ đầu năm đến nay, trở thành đồng tiền hoạt động kém thứ ba ở châu Á. Năm ngoái, Thái Lan đã xuất khẩu 7,69 triệu tấn gạo, vượt mục tiêu 7,5 triệu tấn của Bộ Thương mại nước này. Khối lượng xuất khẩu tăng 22% so với con số 6,3 triệu tấn của năm 2021, trong khi giá trị tính theo đồng baht tăng 25,1% lên 138 tỷ baht. Giá trị xuất khẩu tính theo đồng USD tăng 14,6% so với năm 2021, đạt 3,97 tỷ USD.
Trong năm 2022, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu 21,9 triệu tấn. Cũng trong năm này, Iraq là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan với 1,6 triệu tấn, tăng 458% so với năm trước đó. Tiếp theo là Nam Phi với 775.000 tấn (giảm 2,26%), Trung Quốc 750.000 tấn (tăng 18,8%), Mỹ 650.000 tấn (tăng 13,2%) và Benin 321.000 tấn (giảm 15,3%).
Đỗ Sinh (TTXVN - baotintuc.vn)
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…