Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 8 năm 2024 | 10:9

Nâng cao chất lượng để cá tra vượt “đường đua” cạnh tranh

Mặc dù cá tra Việt Nam được xuất khẩu đến gần 140 quốc gia, nhưng mặt hàng này đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế. Do đó, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và nâng cao chất lượng để ngành hàng cá tra tăng sức cạnh tranh.

Xuất khẩu khởi sắc

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cá tra có tín hiệu sáng hơn với mức tăng 23% trong tháng 7/2024. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường chính đều tăng trưởng 2 con số, từ 20-40%, trừ thị trường châu Âu (EU) tăng nhẹ (5%).

Tính chung 7 tháng năm 2024, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường mục tiêu số một của cá tra Việt Nam, với giá trị 317 triệu USD. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ chủ yếu là cá tra cỡ lớn trên 1,2 kg/con dạng nguyên con hoặc sản phẩm phile.

Ngoài ra, đây cũng là thị trường tiềm năng cho sản phẩm phụ là bong bóng cá tra. Trong 7 tháng của năm 2024, xuất khẩu bong bóng cá tra cả nước đạt khoảng 50 triệu USD, riêng xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 40 triệu USD, chiếm 80%.

Xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2024, mặt hàng cá tra có sự tăng trưởng khởi sắc.

Trong ảnh: Nuôi cá tra phục vụ xuất khẩu của Tập đoàn Sao Mai (Cụm công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh.

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), là một trong những loại cá nuôi lớn nhất thế giới, cá tra Việt Nam có những lợi thế riêng biệt như giá thành thấp hơn so với các loại cá thịt trắng khác, giúp thu hút được nhiều khách hàng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi; sản lượng lớn, ổn định; đa dạng sản phẩm...

Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cá tra còn chưa đồng đều, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống, thức ăn, môi trường nuôi trồng; phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại như thuế nhập khẩu, các quy định kỹ thuật...

Các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, gian lận thương mại có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc các thị trường thay đổi chính sách trong khi chi phí sản xuất cá tra ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí nhân công tăng, cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra.

Ngoài ra, cá tra Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất cá da trơn khác như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia. Các nước này đều có lợi thế về nguồn nguyên liệu và chi phí sản xuất, tạo ra áp lực không nhỏ lên ngành cá tra Việt Nam.

Để cá tra Việt Nam vượt qua những “đối thủ” nặng ký

Theo VASEP, câu chuyện cạnh tranh với những đối thủ để giành thị phần với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu ngày càng khó khăn, khốc liệt.

VASEP dẫn ra các thị trường “ruột” của cá tra Việt Nam xuất khẩu như Trung Quốc, Mỹ, EU, CPTPP… Tuy nhiên, các thị trường này hiện tiêu thụ mạnh cá tuyết, cá minh thái vì hương vị thơm ngon, dinh dưỡng.

“Cá tuyết được ví là “vua” của các loài cá, có giá trị thương hiệu cao. Còn cá minh thái cũng rất dinh dưỡng, có giá ổn định hơn các loại cá khác. Từ năm 2021, Trung Quốc tăng ăn hai loại cá này. Mỹ cũng thế, năm 2022 là năm Mỹ ăn nhiều nhất cá tuyết tính đến thời điểm này.

Ngoài ra, cá rô phi phi lê đông lạnh cũng được ưa thích tại Mỹ, chỉ sau phi lê cá tuyết. Đây là những đối thủ nặng ký của cá tra Việt Nam”, một chuyên gia của VASEP nhận định.

Giải pháp để cá tra Việt Nam vượt “đường đua” vào nhiều thị trường, bà Thu Hằng - chuyên gia thị trường cá tra (VASEP) gợi ý: “Cá tra Việt Nam cần nâng chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng thương hiệu, tìm kiếm các thị trường cao cấp, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng…”.

Theo đánh giá từ VASEP, cá tuyết có chất lượng thịt tốt, giá trị dinh dưỡng dồi dào, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cao, do đó, đây là loài có vị trí cao cấp trong ẩm thực nhiều quốc gia. Tuy nhiên, giá thành cao do mùa vụ và nguồn cung hạn chế là những rào cản lớn.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn Sao Mai. Ảnh: Vũ Sinh.

Số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, nửa đầu năm nay, nhập khẩu cá tuyết đông lạnh mã HS 030363 của Trung Quốc đạt gần 296 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất cá đông lạnh, với hơn 732 triệu USD, tăng 49% so với năm 2021.

Tại Mỹ, cá tuyết là loài cá thịt trắng được tiêu thụ nhiều nhất, đặc biệt là phile cá tuyết đông lạnh mã HS 030471. Năm 2023, nhập khẩu sản phẩm này vào Mỹ đạt 475 triệu USD, giảm 22%, chiếm 27% trong tổng cá thịt trắng Mỹ nhập khẩu từ thế giới. Trước đó, năm 2022, quốc gia này tiêu thụ gần 610 triệu USD phile cá tuyết, tăng 47% so với năm 2021, và là năm nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm này tính đến nay.

Đáng nói, Mỹ và Trung Quốc đều là hai thị trường trọng điểm về xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thế Quang (doanh nghiệp thu mua thủy sản chế biến và xuất khẩu ở TP Cần Thơ), cho biết, trước đây, cá minh thái Alaska được ưa thích hơn cá tra do được khai thác tự nhiên, giá rẻ tương đương, thậm chí rẻ hơn cá tra nuôi.

“Năm 2007-2008, nhiều nước giảm tối đa việc khai thác cá minh thái Alaska để duy trì sản lượng tự nhiên, làm cho nguồn cung sản phẩm cá minh thái giảm mạnh.

Do đó, giá cá tra đột ngột tăng vọt do được nhiều nhà nhập khẩu Mỹ, các nước châu Âu chọn là sản phẩm thay thế cá minh thái.

Sau thời gian giảm khai thác, hiện nay sản lượng cá minh thái tự nhiên đã phục hồi, một số thị trường quen thuộc của cá tra Việt Nam quay lại với sản phẩm truyền thống này”, ông Quang nói.

Ông Quang phân tích, cá tra Việt Nam có những lợi thế như giá thành thấp; sản lượng lớn, ổn định; được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau, đáp ứng được nhiều thị trường.

“Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cá tra chưa đồng đều, đối mặt với nhiều rào cản thương mại, hoạt động cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, gian lận thương mại…

Chỉ có nâng cao chất lượng để lấn sân vào các thị trường cao cấp, mới kéo lại được vị thế lâu dài cho cá tra Việt Nam”, ông Quang nhận định.

Cùng với sự khởi sắc của chế biến và xuất khẩu cá tra hiện nay và quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, dự báo giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ tăng 10% trong quý III/2024.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top