Ngao (nghêu) là một trong những đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Australia…
Cùng với phát triển đối tượng nuôi này, những năm gần đây, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã có sự đầu tư mạnh mẽ trong sản xuất bền vững để có thể đạt các chứng nhận quốc tế, tạo nền tảng để ngao Việt vươn xa.
Đóng gói sản phẩm ngao nguyên con đông lạnh tại nhà máy của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam 9 tháng năm 2023 đạt 98 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu ngao đạt 62 triệu USD, giảm 19%. Sản phẩm ngao Việt Nam hiện đã có mặt và chinh phục gần 60 thị trường trên thế giới. Cùng với những lợi thế về sản xuất trong nước cộng với dư địa lớn về thị trường tiêu thụ, hướng đi bền vững, ngành hàng ngao kỳ vọng sẽ vươn tầm cao mới trong tương lai.
Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam có các đối tượng nhuyễn thể có vỏ khá phong phú như: ngao, sò huyết, ốc hương, điệp, hàu… và cũng ngành hàng chủ lực đem lại giá trị kinh tế, tiềm năng phát triển. Riêng về ngao được nuôi nhiều ở các tỉnh như: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh…
Nghề nuôi ngao phát triển đã khai thác một cách hiệu quả diện tích bãi triều ven biển. Diện tích nuôi ngao ước khoảng 15.700 ha, sản lượng ước đạt 190.000 tấn, năng suất đạt 11,82 tấn/ha. Thời gian vừa qua, nuôi ngao có nhiều giai đoạn thăng trầm, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động của ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá cả bấp bênh thu nhập thiếu ổn định, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao.
Để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, nhiều địa phương đã có sự đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng các vùng nuôi ngao bền vững, đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như: MSC, ASC… Đến nay, có khoảng 3.000 ha ngao của các địa phương như: Ninh Bình, Nam Định, Trà Vinh và sắp tới là Tiền Giang đạt các chứng nhận bền vững trên.
Đã đạt được chứng nhận bền vững MSC hơn 1 năm, ông Huỳnh Văn Vàng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Thành, tỉnh Trà Vinh chia sẻ, hợp tác xã đã mất khoảng 3 năm để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
Hiện hợp tác xã có khoảng 290 ha, với khoảng 300 hộ cùng nuôi chung. Mỗi năm, hợp tác xã thu hoạch khoảng 500-600 tấn ngao. Khi đạt chứng nhận này, bán giá ngao tăng thêm từ 10-15% so với ngoài thị trường. Sản phẩm được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.
Theo ông Huỳnh Văn Vàng, đây là chứng nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động, sản phẩm thủy sản an toàn từ trại nuôi ra thị trường, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Sắp tới ngao Gò Công, Tiền Giang cũng đạt chứng nhận tiêu chuẩn ASC. Qua đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, chứng nhận ASC là một chứng nhận nuôi thuỷ sản bền vững đã và đang được đông đảo thị trường quốc tế như: châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… ưa chuộng. Bên cạnh đó, ASC cho phép phân bổ mật độ và sản lượng nuôi, phù hợp với nghề nghêu tỉnh Tiền Giang, giúp nâng cao giá trị, hình ảnh và đặc biệt là sức cạnh tranh của sản phẩm ngao Việt trên trường quốc tế.
Ngao cũng là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Nam Định trong tái cơ cấu nông nghiệp. Diện tích nuôi ngao của Nam Định hiện đạt khoảng 2.300 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường hơn 45.000 tấn/năm.
Bà Tống Thị Lương, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Nam Định cho biết, tỉnh có gần 90 cơ sở sản xuất giống, người dân đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất và nuôi dưỡng giống ngao. Nam Định không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, mà còn cung cấp được cho các tỉnh lân cận.
Tiềm năng phát triển ngao tại Nam Định đã thu hút được sự quan tâm của không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó phải kể đến Tập đoàn Lenger Seafoods, Hà Lan.
Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã chủ động xây dựng những chuỗi liên kết với các nhà cung cấp, những người nuôi ngao nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu tốt cho nhà máy. Đặc biệt, trong năm 2019, Công ty đã xây dựng các chuỗi liên kết với những người nuôi ngao trong tỉnh Nam Định. Vùng quy mô 500 ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt Chứng nhận ASC cho ngao Meretrix lyrata, một chứng nhận quốc tế về nuôi trồng bền vững, an toàn thực phẩm và có trách nhiệm xã hội.
Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết, doanh nghiệp hiện xuất khẩu ngao nhiều nhất sang thị trường châu Âu, với các sản phẩm chính là ngao nguyên con đông lạnh, hút chân không và thịt ngao đóng hộp. Hàng năm, đơn vị cung cấp ra thị trường hơn 8.000 tấn ngao đông lạnh, doanh thu đạt khoảng 15 triệu USD/năm. Dự kiến, năm 2024, sản lượng xuất khẩu sẽ đạt mốc 10.000 tấn/năm.
Ông Đinh Xuân Lập – Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS), Hội Thủy sản Việt Nam, ngao Việt đặc biệt là dòng ngao trắng Myratrix Lyrata có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới. Bởi, Việt Nam có thể nuôi được ở hầu hết các tỉnh ven biển. Nuôi ngao nước sâu là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng diện tích và tăng sản lượng một cách cơ hữu. Ngao trắng Việt Nam có thể chế biến được đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.