Xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sapa, Lào Cai) có 17 thôn nằm rải rác từ các triền núi xuống thung lũng, bên trên là những đỉnh núi nhọn hoắt chĩa lên trời như những ngón tay.
Đường giao thông nối các thôn bản hầu như là dốc, có đoạn ngoằn ngoèo nhỏ như dải khăn quàng cổ, chỉ đi vừa một xe máy. Cảnh sắc hoang sơ, thơ mộng, đầy bí ẩn với bất cứ du khách ưa khám phá, chinh phục nào, nhưng cũng đầy thách thức với người bản địa để cuộc sống bớt khó khăn khi bà con các dân tộc đang ngày đêm nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM).
Còn nhiều hộ nghèo
Nằm dưới chân dãy núi đá hùng vĩ và những cánh rừng già, Ngũ Chỉ Sơn được sáp nhập từ hai xã Tả Giàng Phình và Bản Khoang của huyện Sapa cũ, đạt 11/19 tiêu chí về nông thôn mới. Với 1.341 hộ (7.017 khẩu), xã có 4 dân tộc Mông, Dao, Tày, Kinh sinh sống nhưng chủ yếu là bà con các dân tộc Mông và Dao. Nhiều bản làng đã định cư từ rất lâu, khi những con đường rải đá còn chưa thành đường. Bà con sống bám vào núi, rừng nên luồng gió thương mại, kinh tế rầm rộ ở Sapa chưa tác động đến người dân nơi đây.
Đường trục thôn từ thôn Móng Xóa vào thôn Kim Ngan đi lại rất khó khăn.
Nhiều tập quán canh tác, nếp sống văn hóa vẫn còn giữ nguyên. Ông Chảo Láo Pà, cán bộ xã, người gắn bó nhiều năm với vùng đất này, chia sẻ: “Ngũ Chỉ Sơn có địa bàn đồi núi dốc, thiên tai diễn biến khó lường. Vào mùa mưa thường xuyên xảy ra sạt lở đất khiến cho việc đi lại tại các tuyến đường nông thôn cực kỳ khó khăn. Hay có đợt nắng hạn kéo dài gây ra tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất của người dân. Cây trồng của địa phương chủ yếu vẫn là lúa với 509ha, ngô 180ha và cây thảo quả 757,6ha. Chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong khi canh tác manh mún, thị trường tiêu thụ không ổn định, chưa mang lại hiệu quả kinh tế”.
Tính đến đầu năm 2022, thu nhập bình quân chỉ đạt 28,5 triệu đồng/người/năm. Tổng số hộ nghèo 559/1.341 hộ, chiếm 41,68%, hộ cận nghèo 230/1.341 hộ, chiếm 17,15%
Xã thường xuyên nhận được sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể. Chỉ tính riêng trong dịp Tết, UBND xã đã tiếp nhận 534 xuất quà của các đơn vị tặng với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới còn gặp rất nhiều khó khăn. Thiên tai, hạn hán, mưa bão, sạt lở đất có thể xảy ra; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn ra phức tạp, khó kiểm soát; sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Trình độ dân trí không đồng đều gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Bằng nhiều biện pháp khuyến khích phát triển kinh tế, Ngũ Chỉ Sơn cũng có những chuyển biến bước đầu khi nhiều hộ dân trên địa bàn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa ly, hoa cúc, su su, bắp cải. Toàn xã có 108 trại nuôi cá hồi, cá tầm lớn nhỏ và trại cá giống. Trong đó, có 12 trại nuôi quy mô lớn, 96 trại nhỏ quy mô hộ gia đình; sản lượng cá 9 tháng đầu năm 2022 đạt 250 tấn, ước đến hết năm đạt khoảng 260 tấn.
Phó Chủ tịch UBND xã Tẩn Thị Mẩy nhận định: “Ở nhiều thôn bản xa xôi, bà con người Mông, Dao trình độ dân trí chưa cao, phong tục tập quán lạc hậu, không mạnh dạn chuyển đổi phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo. Chưa kể, một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước, không muốn thoát nghèo để còn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi”.
Nỗ lực không ngừng
Ông Đinh Huy Cường, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Chỉ Sơn, cho biết: “Cho dù còn rất nhiều khó khăn nhưng xã rất quyết tâm xây dựng thành công NTM. Ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã được kiện toàn. Trong đó, Bí thư Đảng ủy xã là Trưởng ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND xã là Phó ban chỉ đạo, công chức địa chính nông - lâm nghiệp là cán bộ chuyên trách, trưởng các đoàn thể, cán bộ công chức, trưởng trạm y tế, hiệu trưởng các trường học và bí thư các chi bộ là thành viên. Đồng thời, xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo để thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM”.
Ban Chỉ đạo xã đã xây dựng kế hoạch giai đoạn và năm 2022, tổ chức rà soát, đăng ký các tiêu chí thực hiện năm 2022 với 3 tiêu chí, đồng thời xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là, đường giao thông, phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, để tập trung thực hiện. Nhiều hình thức tuyên truyền, vận động được tổ chức tại các thôn bản: tuyên truyền qua các buổi họp thôn, qua các cụm loa truyền thanh, tuyên truyền lồng ghép với các phong trào, mô hình do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động như: mô hình 3 sạch, 1 tốt; vệ sinh đường làng ngõ xóm… Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được phát động rộng khắp trên địa bàn.
Bà Thào Thị Bâu, thôn Cần Hồ Mông bên nền ngôi nhà tạm vừa tháo dỡ để xây dựng chắc chắn hơn.
Công tác tuyên truyền của Ban chỉ đạo xã đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, bà con sẵn sàng hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng NTM. Nhiều tuyến đường giao thông liên thôn luôn là nỗi ám ảnh của người dân đang được ưu tiên thực hiện như: Tuyến đường từ thôn Gia Khấu sang thôn Kim Ngan BTXM dài 4 km với tổng kinh phí 5.600 triệu đồng; tuyến đường Lủ Khấu thôn Suối Thầu I lên thôn Cửa Cải BTXM 2km với tổng kinh phí 2.800 triệu đồng... và nhiều tuyến đường khác kết nối thôn bản ra trục đường chính của xã đã được thị xã Sapa phê duyệt chủ trương đầu tư, là những tín hiệu vui, là tiền đề để người dân có điều kiện phát triển kinh tế.
Trong 9 tháng năm 2022, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, công tác giảm nghèo ở xã Ngũ Chỉ Sơn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; xã tiếp tục truyên truyền, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các hộ đăng ký thoát nghèo năm 2022 giảm 47 hộ/559 hộ.
Ông Cường cho biết: “Hiện, đội ngũ cán bộ từ xã tới thôn đã đoàn kết tích cực trong công việc và có bước đổi mới tư duy, tích cực tuyên truyền vận động người thân, người dân triển khai thực hiện công tác xây dựng NTM. Song, để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đăng ký năm 2022 cũng như về đích NTM vào năm 2025 theo tiến độ, kế hoạch đặt ra, rất cần đội ngũ cán bộ tâm huyết, năng động hơn nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên cũng như vốn ngân sách xã còn eo hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu công việc thì rất cần sự chung tay giúp sức của tất cả các ban ngành, đoàn thể, đơn vị bằng cả trí lực và vật lực để Ngũ Chỉ Sơn có được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn”.Con đường nhỏ hai xe máy cũng khó tránh nhau.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.