Cơn bão số 3 đi qua để lại nhiều rác thải, bùn đất và khiến môi trường một số khu vực bị ô nhiễm cục bộ. Ngay sau khi nước rút, các địa phương đã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Công tác vệ sinh môi trường tại các cơ quan, đơn vị, trên các tuyến đường, nhà dân được tập trung thực hiện, đảm bảo các hoạt động trở lại như thường nhật.
Nước rút đến đâu dọn đến đó
Sáng 11-9, mực nước tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cơ bản đã rút hết, các tuyến đường được đảm bảo lưu thông. UBND huyện Phú Lương đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị… triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3, nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường.
Có mặt tại xã Cổ Lũng, chúng tôi chứng kiến các chiến sĩ Sư đoàn 346 hỗ trợ gia đình bà Đặng Thị Quyên, ở xóm Làng Đông, vệ sinh chuồng trại sau lũ. Bà Quyên xúc động nói: Gia đình tôi nuôi 3.000 con gà, đợt lũ này lên quá nhanh chỉ kịp đưa 1.500 con lên trại cao hơn, còn 1.500 con còn lại bị chìm trong nước lũ. Ngoài ra, gia đình tôi cũng bị trôi 4 tạ cá, 100 con ba ba, 6 sào lúa bị ngập… ước thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Ngay sau lũ, chính quyền địa phương đã huy động đơn vị quân đội đến giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh chuồng trại để tiếp tục sản xuất.
Ngay khi nước rút, người dân phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) dọn dẹp đất đá các trên tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Vũ Văn Cử, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã còn 15 điểm ngập, với 60 hộ bị ảnh hưởng, nhiều diện tích lúa, hoa màu, thủy sản… bị thiệt hại. UBND xã đã phối hợp với một số đơn vị, hỗ trợ người dân vùng bị ngập sâu nhu, yếu phẩm, đảm bảo cuộc sống. Đối với những khu vực nước đã rút, UBND xã huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với Sư đoàn 346 cử chiến sĩ hỗ trợ bà con dọn dẹp vệ sinh nhà ở, chuồng trại chăn nuôi… đảm bảo sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
Trên địa bàn TP. Thái Nguyên, sau nhiều ngày ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, sáng 11/9, mực nước tại một số xã, phường ven sông Cầu giảm dần. Nhiều người dân di tản đã trở về để dọn dẹp nhà cửa. Ông Trần Đình Thìn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng, thông tin: Ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn phường có trên 1.000 hộ dân bị ngập sâu, với 3.500 nhân khẩu, tập trung ở các tổ 22, 23, 24, 25, 26. Tính đến thời điểm này, mặt đường chính của các tổ dân phố trên đều đã rút nước, chỉ còn trong các ngõ vẫn ngập. Những khu vực nước đã rút, chúng tôi chỉ đạo các lực lượng của phường, phối hợp với tổ dân phố hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, đảm bảo môi trường sống.
Các tuyến đường bị ngập sâu trong những ngày qua trên địa bàn TP. Thái Nguyên như: Phan Đình Phùng, Lương Ngọc Quyến, Minh Cầu… đến nay nước cơ bản đã rút, Công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên cùng người dân dọc tuyến đã chủ động khơi thông cống rãnh, thu dọn đất cát, rác trên các tuyến đường.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh môi trường (Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên), cho biết: Đợt mưa bão vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống cây xanh, hạ tầng kỹ thuật đô thị, ngập úng. Ngay sau khi nước rút, Công ty đã huy động toàn bộ lực lượng với trên 400 người ra quân quét dọn, xử lý khơi thông dòng chảy, cắt tỉa, thu dọn cây xanh bị gãy đổ, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Khẩn trương khắc phục hậu quả sau cơn bão, sáng 11/9, UBND TP. Thái Nguyên đã có công điện hỏa tốc chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và các xã, phường yêu cầu rà soát, khẩn trương phối hợp sửa chữa các công trình y tế bị ảnh hưởng của mưa bão; tổng vệ sinh các cơ quan, trường học bị ngập úng để sớm đón học sinh sớm quay trở lại học tập. Đồng thời thống kê những thiệt hại do mưa bão gây ra, các vật tư phục vụ công tác phòng, chống bão còn lại, đề xuất bổ sung kinh phí, vật tư, nhân lực, phương tiện để đảm bảo khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình, 8 xã ven sông vẫn đang ngập trong lũ, các địa phương đang tập trung thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Đối với những vùng không bị ảnh hưởng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các các cơ sở giáo dục khẩn trương khắc phục những công trình hư hại do bão, tổ chức vệ sinh để đón học sinh tới trường theo kế hoạch.
Tại TP. Phổ Yên, hiện nay do ảnh hưởng của mực nước sông Cầu, sông Công dâng cao, có hàng trăm hộ dân ở các xã, phường phải di dời để đảm bảo an toàn. Cùng với hoạt động tiếp tế nước uống, đồ ăn và các nhu yếu phẩm khác tới người dân, TP. Phổ Yên đã huy động lực lượng tại chỗ gần 4.000 lượt người gồm lực lượng Dân quân tự vệ, Công an, thanh niên... thu dọn cây xanh bị đổ, đảm bảo giao thông thông suốt; hệ thống điện, hệ thống viễn thông đảm bảo cung cấp ổn định trên địa bàn.
Quảng Ninh: Huy động lực lượng làm sạch môi trường sau bão
Theo thống kê sơ bộ, tại Quảng Ninh, bão số 3 đã làm 70.629 nhà bị tốc mái, 3.403 cây cột điện bị gãy, đổ; 70% số cây xanh đô thị bị gãy đổ tập trung tại các đô thị lớn, như: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên; nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái, vỡ kính, bay biển báo…; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.402 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 3.388 ha lúa, màu bị đổ, ngập úng; 53.840 ha rừng trồng bị ảnh hưởng…
Theo Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Quảng Ninh (Judenco), đơn vị đang được giao phụ trách môi trường tại 7 phường miền Tây và 6 phường khu vực miền Đông của TP Hạ Long. Đơn vị đã huy động toàn bộ xe ô tô chuyên dụng và cán bộ công nhân viên thực hiện nhiệm vụ thu dọn, xử lý rác thải sau cơn bão tại các tuyến, khu vực đã được giao quản lý. Đồng thời, công ty cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị chức năng của thành phố tiến hành xử lý các cành cây gãy, đổ gây tắc cống, rãnh thoát nước, ách tắc các tuyến đường, giải phóng các tuyến đường giao thông thông suốt, cố gắng đảm bảo cho nhân dân đi lại được thuận tiện. Mỗi ngày, Công ty thực hiện hàng trăm chuyến xe ô tô vận chuyển rác thải đi xử lý vào các điểm tập kết của thành phố đã quy định.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hạ Long có 5 đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường, gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh; Công ty CP Môi trường Tuấn Đạt; Công ty CP Phát triển Công nghệ môi trường; Công ty TNHH Thương mại và Kinh doanh tổng hợp Uông Bí; Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Thanh Phong. Tất cả các đơn vị đang dồn lực để thu gom rác, vệ sinh môi trường.
Công nhân môi trường dọn dẹp tại tuyến đường Lê Thánh Tông (TP. Hạ Long).
Chị Nguyễn Thị Hồng Doan (công nhân Công ty CP Môi trường Tuấn Đạt) chia sẻ: Tôi làm nghề đã gần 20 năm nay, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cơn bão khủng khiếp đến vậy. Sau đợt bão, cây cối ngổn ngang, các tuyến đường ngập rác thải, lá cây, cành cây, công việc dọn dẹp vô cùng vất vả. Chúng tôi tăng ca để đảm bảo việc dọn dẹp vệ sinh môi trường được nhanh chóng, đảm bảo sinh hoạt và lưu thông phương tiện trên các tuyến đường.
Hiện nay, trên khắp các tuyến đường tại TP Hạ Long, các lực lượng được huy động để thu gom rác thải, phục hồi cây xanh bị gãy đổ. Trong đó, phân công cụ thể nhiệm vụ, như: Lực lượng quân đội, đoàn thanh niên tình nguyện hỗ trợ cưa các cây đổ, vận chuyển sang các lề phố để khai thông tuyến đường, dọn dẹp nhà cửa các hộ dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão; Công ty CP Cây xanh công viên cắt tỉa cành cây, dựng lại các cây bị nghiêng. Tại các khu dân cư, người dân tích cực dọn dẹp tại các ngõ xóm, nhà cửa và xung quanh khu vực để ổn định cuộc sống. Các cơ quan, doanh nghiệp huy động cán bộ, nhân viên dọn dẹp trong khuôn viên đơn vị để ổn định công việc, sản xuất…
Với sự cố gắng của các lực lượng, nhân dân, đến nay, lượng rác cần phải dọn dẹp do ảnh hưởng của mưa bão đã hoàn thành khoảng hơn 70% tại các tuyến đường chính; nhiều tuyến đường, ngõ xóm đã cơ bản được dọn dẹp sạch sẽ, đảm bảo cho việc đi lại của người dân.
Bà Trần Thị Thanh Hồng, Phó Phòng Tư vấn giám sát (Ban Công ích TP Hạ Long) cho biết: Hiện đơn vị đang đôn đốc các đơn vị thu gom rác thải, cành cây, tấm tôn, biển quảng cáo và dựng lại các cây xanh bị đổ trên các tuyến đường chính; các tuyến đường ngõ xóm; phối hợp với lực lượng phường, xã dọn dẹp để đưa về những điểm tập kết rác của thành phố tại khu vực chợ Cột 5, khu vực đất trống cạnh trường Lê Thánh Tông và một số điểm tập kết rác cố định. Sau đó, lượng rác, cây cối tại khu vực miền Đông của thành phố sẽ được vận chuyển về Trung tâm xử lý chất thải rắn tại xã Vũ Oai, xã Hòa Bình (TP Hạ Long) và khu vực miền Tây sẽ được chuyển về Nhà máy rác Khe Giang ở xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) để xử lý. Ban tiếp tục đôn đốc các đơn vị để đảm bảo hoàn thành chiến dịch cao điểm trong 7 ngày (từ ngày 9-15/9) hoàn thành thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy đổ trên các trục đường chính; vệ sinh môi trường, giúp đỡ các trường học, bệnh viện, các điểm xung yếu sạt lở, an sinh xã hội, cứu nạn cứu hộ.
Cách xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau lũ
ThS. Nguyễn Huy Cường - Phó trưởng phòng Quản lý sức khỏe môi trường, Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế chia sẻ, "Phương châm là nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; kịp thời thu gom, xử lý xác gia súc, gia cầm, động vật chết; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt để đảm bảo có nước sạch cho người dân".
Sau lũ lụt, cần kiểm tra tình trạng các nguồn nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt và tiến hành xử lý, làm vệ sinh nguồn nước để kịp thời có nước đảm bảo dùng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Nước rút đến đâu cần huy động cộng đồng làm vệ sinh môi truờng đến đó vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi. Các biện pháp thực hiện gồm:
Đẩy sạch bùn đất ra khỏi nhà cửa; khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế.
Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.
Đối với nhà tiêu, cần làm vệ sinh và sửa chữa (nếu không hỏng nặng). Nếu nhà tiêu hỏng nặng thì ngừng sử dụng và tạm thời dùng chung với nhà tiêu chưa bị hư hỏng của hàng xóm, hoặc có thể chọn nơi cao ráo xa nhà, xa giếng (20m) đào hố đi tạm rồi lấp đất, ngăn chặn côn trùng, súc vật tiếp xúc với phân, chờ một vài tuần sửa lại nhà tiêu.
ThS Nguyễn Huy Cường cho biết, để đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sau bão lũ trong thời gian tới, ngành y tế của địa phương, nhất là các tỉnh thường bị bão lụt cần phải chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án về nhân lực, nguồn lực tại tất cả các cấp để đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường phòng chống dịch trong các tình huống thiên tai.
Được biết, để đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế sau bão, Cục Quản lý môi trường y tế vứa đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện một số nội dung sau:
Đối với việc xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường tại cộng đồng: các cơ sở y tế cần kịp thời cung cấp đủ hoá chất, phương tiện, trang thiết bị để xử lý nước và vệ sinh môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn các biện pháp xử lý nước, vệ sinh môi trường cho người dân; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi bão lũ (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó).
Xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định.
Đối với công tác quản lý chất thải y tế, đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường tại cơ sở y tế, cần tăng cường công tác thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải y tế. Kiểm tra, khắc phục các khu vực lưu giữ chất thải y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm để đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Kiểm tra hệ thống thu gom và hệ thống xử lý nước thải y tế; tăng cường các biện pháp khử khuẩn để xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.
Ưu tiên đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho các cơ sở y tế trên địa bàn.
Sau bão lũ, cơ sở y tế khẩn trương thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khuôn viên và khử khuẩn các khoa, phòng. Trường hợp bể chứa nước sạch bị ngập thì sau khi nước rút cần tiến hành thau rửa và khử trùng bể chứa.