Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 6 năm 2023 | 10:31

Nhiều xã ở Lai Châu đang thoát nghèo

Bằng nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, gần đây, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp ở Lai Châu phát triển cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định.

Đổi thay ở xã vùng cao Noong Hẻo

Là xã còn nhiều khó khăn nhưng với biện pháp đúng đắn cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ) đang từng bước vươn mình, cuộc sống Nhân dân dần đổi thay.

Anh Quàng Văn Phóng (bản Phiêng Chạng) là giáo viên, đồng lương không đủ trang trài cuộc sống. Được chính quyền xã tạo điều kiện tiếp cận với các con giống chăn nuôi chất lượng cao, anh đầu tư vào nuôi lợn và hiện đã có trang trại chăn nuôi.

Anh Phóng chia sẻ: Có cán bộ xã tuyên truyền, định hướng, tôi dùng số vốn tích lũy của gia đình để xây dựng chuồng trại nuôi lợn và đi mua con giống ở những nơi mà xã giới thiệu về nuôi nhốt. Áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, tăng cường nguồn thức ăn, phòng chống dịch bệnh. Hàng ngày, mỗi khi đi làm về, tôi tắm cho đàn lợn, vệ sinh chuồng trại, gia cố thêm nhiều vật liệu che chắn khi trời rét hoặc mưa bão. Thường xuyên học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Đến nay, đàn vật nôi phát triển với 62 con lợn, mỗi năm xuất 2 lứa, thu lãi gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn nuôi 3 con trâu, trồng 4 sào ruộng, cuộc sống khá giả.

Giúp dân thoát nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức trong các buổi họp bản, họp dân, chính quyền xã tham mưu lên UBND huyện tổ chức các lớp dạy nghề, đưa giống có chất lượng vào thay thế giống cũ, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Phối hợp với lực lượng chức năng xóa bỏ tình trạng nghiện hút, buôn bán ma túy, vận động người nghiện đi cai. Kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động địa phương, động viên người dân, nhất là lớp trẻ đi học nghề, tham gia xuất khẩu lao động. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, huy động nguồn vốn, xây dựng kết cấu hạ tầng.

Người dân xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ) làm giàu từ chăn nuôi.

Từ một vùng đất có địa hình dốc, nhiều sỏi đá, người dân ở 10 bản của xã biến khó khăn thành lợi thế, cải tạo đất đai, đưa giống mới vào sản xuất, xây dựng nên những thửa ruộng bậc thang với diện tích gieo trồng đạt 1.078ha, mỗi năm 2 vụ ngô, thóc, năng suất đạt từ 32-50 tạ/ha, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 5.131 tấn.

Dân bản còn quy hoạch diện tích trồng các loại cây ăn quả như: xoài, nhãn, vải, dứa với diện tích hơn 30ha, thu hút nhiều thương lái tìm mua. Không những vậy, chăn nuôi từ phương pháp nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại, trồng cỏ voi. Đồng thời mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, toàn xã có gần 23 nghìn con gia súc, gia cầm, sản lượng khai thác thủy sản 59 tấn/năm.

Người dân các bản đầu tư, phát triển thêm nhiều ngành nghề từ mở cửa hàng bán tạp hóa, nhà nghỉ, quán ăn đến dịch vụ làm đẹp, tiệm sửa chữa xe máy, đồ điện tử. Nhiều người còn làm công nhân trồng cây cao su, làm công nhân ở các xí nghiệp, công ty, kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, tình làng nghĩa xóm bền chặt khi hộ khá giúp đỡ hộ nghèo để cùng nhau làm giàu. Từ đó, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 51%, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng.

Chung tay cùng chính quyền xã, người dân hiến đất, góp sức để hoàn thiện 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Giữ gìn bản làng bình yên, chủ động xóa bỏ hủ tục, tệ nạn, phối hợp cùng lực lượng chức năng đấu tranh, trấn áp tội phạm. Tích cực xây dựng đời sống văn hóa, khôi phục nét truyền thống, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân...

Chị Lò Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục khắc phục khó khăn, đưa ra giải pháp giúp Nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng xã Noong Hẻo ngày càng phát triển.

Sì Lở Lầu khai thác tiềm năng phát triển chăn nuôi

Từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, tuy nhiên những năm gần đây nhờ khai thác tốt tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) đã vươn mình phát triển mạnh mẽ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được cải thiện; diện mạo vùng biên ngày càng khởi sắc.

Từ thành phố Lai Châu vượt qua chặng đường hơn 100km dưới tiết trời nắng gắt, chúng tôi đã đến xã Sì Lở Lầu. Mùa này, những thửa ruộng bậc thang đang trong mùa nước đổ, nông dân khắp các bản nô nức ra đồng cấy lúa. Dọc theo trục đường chính của xã, các tuyến đường về bản, những mảnh đất nhỏ được người dân tận dụng trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Chốc chốc lại xuất hiện những hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đầu tư cơ sở vật chất kiên cố… Tất cả góp phần tạo nên một diện mạo mới cho vùng biên.

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với hộ gia đình anh Ly Seo Lù - người dân bản Tả Chải đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi vài con lợn thành vài chục con. Theo lời kể của anh, trước đây do không có vốn, không có kiến thức, kinh nghiệm, chăn nuôi vài con lợn mà vẫn bị dịch bệnh mất cả vốn lẫn lời. Quyết tâm tìm cách phát triển kinh tế, vợ chồng anh đã học hỏi thêm kinh nghiệm ở nhiều nơi, trên sách báo rồi áp dụng vào thực tế cho linh hoạt. Không phụ công người, vật nuôi dần phát triển tốt, mang lại nguồn thu khá cho gia đình.

Gia đình anh Ly Seo Lù (thứ 2 từ phải sang) ở bản Tả Chải (xã Sì Lở Lầu) đầu tư phát triển chăn nuôi lợn quy mô lớn.

Gần đây, qua nghiên cứu thị trường, thấy nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng cao, trong khi nhà gần đường dễ quảng bá, xuất bán; nhà cũng gần suối chủ động nguồn nước tưới. Gia đình có thể tự chủ động 1 phần thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp do đó anh đã quyết định tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Mốc đánh dấu bước ngoặt của gia đình anh vào cuối năm 2021, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng xây 12 gian nuôi lợn; kết hợp đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi.

“Mới đầu chúng tôi nuôi trên 30 con lợn. Để giảm chi phí đầu vào, chúng tôi nuôi thêm 6 con lợn nái sinh sản. Trong quá trình chăn nuôi, vợ chồng tôi chú trọng khâu chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh; cho lợn ăn đúng bữa từ bã sắn, bột ngô, rau. Sau hơn 1 năm chăn nuôi, gia đình tôi đã xuất ra thị trường gần 300 con lợn, với giá bán trung bình 55.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi 200 triệu đồng. Hiện nay, trong chuồng của gia đình tôi còn 70 con” - anh Lù chia sẻ.

Xã Sì Lở Lầu có 1.232 hộ, 6.166 nhân khẩu với 2 dân tộc chính là Dao (chiếm 67,93%) và Hà Nhì (chiếm 31,39%), còn lại là dân tộc khác. Trong những năm qua, cùng với trồng lúa, ngô, phát triển cây dược liệu, xã đã vận động Nhân dân khai thác tiềm năng lợi thế địa phương để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khâu then chốt chính là chuyển đổi dần từ chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang nuôi nhốt, số lượng lớn hơn cung cấp ra thị trường.

Hàng năm, xã tiếp nhận và triển khai đến các bản việc phun thuốc tiêu độc khử trùng Han-Iodine 10%; tiêm phòng vắcxin cho vật nuôi. Vận động Nhân dân chủ động làm chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn từ rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa; trồng cỏ voi ở những bãi đất trống gần nhà. Quây bạt xung quanh chuồng trong mùa đông giá rét, nhiệt độ giảm sâu. 

Với cách làm phù hợp, trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tốc độ tăng trưởng và phát triển đàn gia súc, gia cầm khá ổn định. Hiện nay, toàn xã có 18.912 con gia súc, gia cầm. Trong đó, đàn trâu 1.168 con, đàn dê 313 con, đàn lợn 2.534 con, đàn gia cầm 14.897 con. Toàn xã có 13 hộ nuôi dê, 3 hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn. Nhiều hộ dân trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế từ chăn nuôi kết hợp kinh doanh, trồng trọt.

Đồng chí Tẩn Lao San - Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu khẳng định: “Chăn nuôi đang mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân trên địa bàn xã. Bà con có kinh phí để trang trải cuộc sống, mua sắm đồ dùng phục vụ nhu cầu hàng ngày, có vốn tái đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã trên 25 triệu đồng/năm. Cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng cải thiện. Nhân dân tích cực tham gia vào các cuộc vận động, phong trào tại địa phương, có thể kể đến phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa…”.

Chăn nuôi hiệu quả và đúng hướng, người dân xã Sì Lở Lầu đang đưa kinh tế hộ gia đình phát triển. Từ đó, chung sức làm thay đổi diện mạo vùng biên; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phát triển các mô hình khuyến nông

Sau thành công của 2 mô hình khuyến nông: trồng khoai sọ và nuôi ong lấy mật tại bản Mít Nọi (xã Hố Mít) năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên tiếp tục triển khai các mô hình mới trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tăng thêm thu nhập.

Trở lại Mít Nọi, dọc tuyến đường vào trung tâm bản, chúng tôi thấy rất nhiều thùng ong đặt gần bên vệ đường, trong vườn mỗi gia đình. Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Lù A Chính - 1 trong 3 hộ dân được hỗ trợ thùng ong để phát triển kinh tế gia đình. Gặp chúng tôi, anh Chính phấn khởi: Năm trước, gia đình tôi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ 15 thùng ong, các vật tư đi kèm; cán bộ hướng dẫn nhiệt tình cách chăm sóc đàn ong, nhân đàn. Nhờ đó, mùa hoa vừa rồi, gia đình tôi thu được gần 50 lít mật ong; bán một ít ra thị trường thu về hơn 6 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn nhân thêm các thùng ong, đến nay, tăng lên gần 30 thùng ong. Từ số tiền bán mật ong, vợ chồng tôi có điều kiện chăm lo cho con ăn học tốt hơn; mua giống, phân bón cho lúa vụ mùa, chăm sóc ngô, chè.
Cũng như gia đình anh Chính, 2 hộ còn lại được nhận hỗ trợ thùng ong cũng đã phát triển số lượng đàn lên gấp đôi, gấp ba. Theo các hộ chia sẻ, nuôi ong đơn giản, không mất nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, nhân đàn nhanh. Nhất là thị trường tiêu thụ mật ong lớn, nên người dân không lo đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác, trong quá trình nuôi ong, các hộ dân luôn có sự đồng hành của cán bộ nông nghiệp từ huyện đến xã giúp đỡ về kỹ thuật; tìm mối tiêu thụ.

Còn mô hình trồng khoai sọ (giống khoai của Trạm Tấu - Yên Bái) đã được bà con trong bản Mít Nọi nhân rộng từ 2ha lên 6ha. Cây trồng này đang sinh trưởng và phát triển tốt, cho thấy sự phù hợp trên mảnh đất tưởng chừng như cằn cỗi ở bản nghèo. Đặc biệt, nhận thấy rõ nhất là sự thay đổi trong tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con chuyển từ “tự cung, tự cấp” sang “hàng hoá thị trường”, từ “manh mún, nhỏ lẻ” sang “quy mô lớn và có sự liên kết”.

Mô hình khuyến nông nuôi ong lấy mật đang được nhân rộng tại bản Mít Nọi (xã Hố Mít, huyện Tân Uyên).

Được biết, mô hình trồng khoai sọ và nuôi ong lấy mật là mô hình khuyến nông, khuyến lâm đầu tiên được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai sau đại dịch Covid-19. Tham gia mô hình trồng khoai sọ, 8 hộ dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực hiện trên diện tích 2ha. Tham gia mô hình nuôi ong lấy mật, 3 hộ dân được hỗ trợ 50 thùng ong và các vật tư khác. Tổng số vốn đầu tư của 2 mô hình trên 212 triệu đồng. Mặc dù hiện tại, 2 mô hình khuyến nông đã hết thời gian thực hiện nhưng trung tâm vẫn luôn sát sao, thường xuyên xuống bản nắm bắt tình hình, hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, nhân đàn ong.

Anh Bùi Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Trên đà thành công của mô hình khuyến nông, khuyến lâm năm 2022, năm nay, trung tâm tiếp tục triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh với quy mô 2.000m2 mặt nước và trồng gừng thương phẩm trên diện tích 5-10ha; tổng nguồn vốn 300 triệu đồng. Đối với mô hình nuôi tôm, dự định thực hiện ở thị trấn và xã Pắc Ta, còn gừng thì trồng tại các xã trên địa bàn. Hiện nay, chúng tôi đang khảo sát địa điểm, tổ chức cho bà con đăng ký tham gia mô hình. Khi các hộ dân đồng thuận, trung tâm triển khai ngay, bởi hiện nay vốn đã được phân bổ về. Những cây trồng, vật nuôi được trung tâm lựa chọn thực hiện đều dựa trên việc khảo sát, đánh giá về sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng; trình độ canh tác của người dân. Hơn hết là nhu cầu thị trường đầu ra cho sản phẩm lớn - đây chính là động lực để Nhân dân trên địa bàn huyện thi đua lao động sản xuất theo hướng hàng hoá thị trường.

Hy vọng rằng, mô hình khuyến nông năm nay sẽ được bà con ủng hộ để sớm triển khai và cho thu hoạch sản phẩm vào cuối năm. Từ đó, mang lại cho Nhân dân khoản thu nhập đáng kể, nâng cao đời sống; góp phần đa dạng sắc màu bức tranh nông nghiệp của huyện Tân Uyên.

V.N (tổng hợp từ baolaichau.vn)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top