Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024 | 13:32

Nông dân Đồng Nai buồn – vui cùng cây tiêu

Giá tiêu chạm đáy, nông dân bỏ bê khiến vùng tiêu lớn của Đồng Nai đìu hiu. Đến nay, giá tiêu khởi sắc trở lại, người trồng tiêu phấn khởi đầu tư, mở rộng diện tích.

Huyện Xuân Lộc là địa phương có diện tích trồng tiêu lớn nhất tỉnh Đồng Nai, trong đó xã Xuân Thọ có gần 700 ha tiêu. Từng có thời điểm giá tiêu tại đây chạm đáy dưới mức 50.000 đồng/kg khiến người nông dân điêu đứng, nhưng hiện nay giá tiêu đang tăng trở lại.

Buồn vì giá tiêu xuống đáy

Cách đây hơn 5 năm, cây tiêu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp phải tình trạng dịch bệnh, chết nhiều khiến năng suất giảm và giá tiêu xuống dưới 50.000 đồng/kg.

Tâm trạng của người dân trồng tiêu tại xã Xuân Thọ lúc ấy buồn vì thu nhập từ cây tiêu kém đi. Các vườn tiêu bị bỏ bê ngày càng xơ xác, đìu hiu.

Năm 2019, gia đình chị Trần Thị Loan (xã Xuân Thọ) giảm dần diện tích trồng tiêu từ 3,5 ha xuống còn 2,5 ha. Từng có thời điểm, vườn tiêu của gia đình chị Loan cho thu hoạch hơn 7 tấn nhưng khi rơi vào khó khăn, chị Loan chỉ thu hoạch được khoảng 2 tấn.

Bù trừ các loại chi phí, gia đình chị Loan không còn trông chờ thu nhập từ cây tiêu: "Giá thấp thì không đủ tiền kêu công để trang trải chi phí cho người hái. Bà con nông dân chờ tiêu rụng, kêu công lượm được bao nhiêu thì được", chị Loan chia sẻ.

Cần có hướng phát triển bền vững cho cây tiêu (Ảnh: Duy Phương)

Cây tiêu có mặt ở vùng đất Xuân Thọ khi việc khai hoang, phục hóa vùng đất của nhà nông đã thành hình. 

Thời điểm năm 2018-2020, không chỉ ở xã Xuân Thọ, nông dân nhiều nơi trong tỉnh Đồng Nai thua lỗ nặng, dẫn tới ngưng đầu tư chăm sóc cây tiêu, chuyển sang trồng cây khác.

Vui khi cây tiêu khởi sắc trở lại

Theo ông Nguyễn Thanh Tân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, từ đầu năm 2024 đến nay, giá tiêu tăng trở lại và duy trì ổn định ở mức từ 160.000 đồng đến 180.000 đồng/kg.

Nông dân xã Xuân Thọ phấn khởi, tập trung đầu tư và mở rộng diện tích.

Nói về cây tiêu, ông Tân cho biết, điệp khúc được mùa, mất giá luôn ám ảnh người nông dân. Về phía hội, ông Tân mong muốn có đầu ra ổn định cho nông sản, cũng như ổn định về giá cả các loại vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.

Chỉ ra điểm hạn chế của ngành nông nghiệp, ông Tân cho biết tập quán của người nông dân có khi “mua chịu” các loại vật tư nông nghiệp để kịp thời sử dụng cho mùa vụ. Các nông hộ lại có nhu cầu khác nhau, dẫn tới bên cung cấp khó đáp ứng cho người nông dân:

"Không thành một vùng mà manh mún, từ đó khó khăn trong giải pháp thu mua. Cán bộ kinh tế tập thể, cán bộ nông nghiệp của xã cũng có nhiều lớp đưa bà con đi tập huấn, hội thảo nhưng thực sự chưa đi sâu", ông Tân lý giải.

Ông Phạm Đình Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cho biết: Địa phương khuyến khích người nông dân giữ diện tích tiêu, đồng thời quan tâm và có chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ người nông dân về khoa học kỹ thuật - ông Nam nói

"Phối hợp với các ngành chuyên môn để tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật canh tác. Chăm sóc cây tiêu theo hướng bền vững, hữu cơ nhiều hơn. Giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuống để bà con có thể trụ lại được", ông Nam nói.

Về vấn đề đầu ra, ông Nam cho biết phía xã cũng phối hợp với các cơ quan chức năng đưa về địa phương nhiều chương trình xúc tiến thương mại, liên kết bao tiêu sản phẩm cho các mặt hàng nông sản.

Người nông dân ở Đồng Nai đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng cây tiêu. Để hướng tới phát triển bền vững, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ từ phía các bộ ngành Trung ương, có chính sách phối hợp hiệu quả để triển khai về các địa phương. Đồng thời, nông dân cũng cần thay đổi về tư duy, tập quán manh mún, nhỏ lẻ.

 

Theo VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
  • Đánh giá hiệu quả việc sử dụng quỹ đất để phát triển nhà ở thương mại

    Đánh giá hiệu quả việc sử dụng quỹ đất để phát triển nhà ở thương mại

    Các đại biểu đề nghị đánh giá thêm về tình hình thực hiện các dự án nhà ở thương mại hiện nay để có chính sách thí điểm đúng, trúng, qua đó, tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn tình trạng thu gom, đầu cơ đất.

  • Đất đấu giá ở nông thôn: vì sao “nóng”?

    Đất đấu giá ở nông thôn: vì sao “nóng”?

    Thời gian gần đây, dư luận xã hội xôn xao về những phiên đấu giá đất ở nông thôn Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức… với lượng hồ sơ đăng ký lớn, thời gian đấu kéo dài đến gần 20 tiếng đồng hồ, đặc biệt là mức giá trúng đấu giá lên đến cả trăm triệu.

  • Bất động sản nông nghiệp chuyển mình

    Bất động sản nông nghiệp chuyển mình

    Cùng với xu thế đầu tư nông nghiệp kết hợp kinh doanh, thời gian qua giá cả nông sản tăng cao và những thay đổi pháp lý trong Luật Đất đai 2024 là những “cú hích” lớn giúp thị trường bất động sản nông nghiệp trên địa bàn tỉnh dần khởi sắc.

Top