Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 10 năm 2022 | 11:3

Nông dân chuyên nghiệp: “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”

Ngành Nông nghiệp đang thực hiện mạnh mẽ đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, phải hình thành được đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ và “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, vươn lên phát triển kinh tế hợp tác mạnh mẽ.

Định vị người nông dân chuyên nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Nền nông nghiệp Việt Nam vẫn đậm chất truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, nền nông nghiệp mù mờ, nông nghiệp đánh đổi rất nhiều chi phí. Đánh đổi ở đây là đánh đổi bởi môi trường thiên nhiên, sức khỏe của nông dân, người tiêu dùng, đánh đổi hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học để tạo ra được sản lượng.

Dây chuyền chế biến, xuất khẩu cà rốt sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông tại Hải Dương. Ảnh: Vũ Sinh

Chúng ta chưa bao giờ khấu trừ những chi phí đánh đổi đó, mà chỉ tính vật tư phân bón là bao nhiêu, nhân công là bao nhiêu, tiền thuê đất là bao nhiêu. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp đứng trước ba cái “biến” lớn, đó là: biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh khó lường; biến động thị trường; biến chuyển xu thế tiêu dùng, tức người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, ăn sạch hơn, xu thế tiêu dùng xanh sẽ chi phối sản phẩm.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cũng cho rằng: Rau quả nhiệt đới của Việt Nam là hàng hiếm và là “ước mơ” của nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với một số nước trong khu vực, kim ngạch xuất khẩu hàng năm còn thấp. Lý do chính vẫn là sản phẩm không đạt yêu cầu nước nhập khẩu và hạn chế đó có một nguyên nhân rất cơ bản là tính chuyên nghiệp trong làm nông nghiệp chưa cao.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, từ một loại nông sản nhưng khi chuyên nghiệp biết cách bán giá cao hơn, thu lợi nhuận cao hơn, nghĩa là thu nhập không chỉ dựa vào sản lượng mà dựa vào kiến thức thị trường, kỹ năng kinh doanh nông sản, bằng sự hợp tác của người nông dân trong một không gian rộng hơn không gian gia đình. Do đó, không có tri thức thì không thể chuyên nghiệp, mà không có nông dân chuyên nghiệp thì không có sản phẩm nông nghiệp chuyên nghiệp, không có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.

Chuyên nghiệp từ những điều nhỏ nhất

Vị Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng: “Không phải một sớm một chiều mà có thể hoàn chỉnh, chuẩn hóa giáo trình đồng bộ, chương trình đa dạng, phương pháp tùy chỉnh phù hợp cho tất cả. Chuyên nghiệp hóa nông dân có thể tính đến việc tổ chức trường lớp, khóa học chính quy cho một số đối tượng có nhu cầu. Bên cạnh đó, chuyên nghiệp hóa nông dân còn có thể tiếp cận những hình thức linh hoạt, được lồng ghép, tích hợp từ các chương trình có sẵn. Cần có cách tiếp cận từng bước, linh hoạt, tùy theo điều kiện, năng lực sẵn có và nhu cầu của từng nhóm đối tượng nông dân…”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận: Đừng quá kỳ vọng cùng lúc hơn 10 triệu nông dân Việt Nam trở thành chuyên nghiệp, bởi chuyên nghiệp không có điểm dừng, tri thức cũng không có điểm dừng. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng chúng ta nâng tính chuyên nghiệp bằng cách chia sẻ tri thức cho người nông dân, có thể bắt đầu từ việc nhỏ, từ bán hàng, cách làm giống, cách thu hoạch… dần dần đưa công nghệ số, thương mại điện tử, các kiến thức vào cho người nông dân.

“Thật ra có một bộ phận chuyên nghiệp rồi và tôi quan sát thấy trong lúc rủi ro thị trường nhất thì những sản phẩm từ người nông dân chuyên nghiệp ít rủi ro, bởi vì người ta biết cách thích ứng với sự thay đổi. Người nông dân biết lên Facebook, Zalo tự giới thiệu nông sản của mình để bán hàng, đó cũng là tính chuyên nghiệp ban đầu của người nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Cùng với sự phát triển của thị trường nông nghiệp và công nghệ hiện đại, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những nông dân chuyên nghiệp giàu tri thức, giỏi làm ăn... Đơn cử như Giám đốc Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam (tỉnh Khánh Hòa) Hồ Tấn Cược. Dưới sự chèo lái của ông, Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam trồng 11ha táo Thái xanh trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 800 tấn sản phẩm, bán cho thương lái, hệ thống siêu thị, doanh thu gần 12 tỷ đồng.

Hay như ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty Giống gia cầm Ngọc Mừng (Đông Anh - Hà Nội), đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trứng gia cầm và con giống. Nhờ đó, trung bình mỗi năm công ty bán ra thị trường 45 vạn con gà giống, doanh thu 4,5 tỷ đồng…

Huyện Phú Bình (Thái Nguyên) có hơn 250 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (trong đó, 27 trang trại được cấp chứng chỉ VietGAP) với sản phẩm nổi tiếng “Gà đồi Phú Bình”. Ảnh: Trần Trang

Những nông dân chuyên nghiệp đã trở thành “đầu tàu” dẫn dắt bà con ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất lao động, vươn lên làm giàu… Tuy nhiên, con số này chưa nhiều. 

Trưởng ban Kinh tế (Hội Nông dân Việt Nam) Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết, trong sản xuất, phần lớn nông dân vẫn dựa vào kinh nghiệm truyền thống nên chưa nâng cao được giá trị sản phẩm. Mặt khác, các mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tự phát còn nhiều; chất lượng lao động nông nghiệp còn hạn chế...

Còn theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH - Ngô Tiến Dũng, hiện có một thực tế là, nhiều nông dân thiếu kiến thức về thị trường, không biết sản xuất cái gì để bán cho doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp luôn mong muốn có được những vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Lê Đức Thịnh nhận định: Nguồn nhân lực trẻ từ nông thôn ra thành thị làm việc dẫn đến tình trạng lao động ở lại làng quê chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Thực hiện Đề án đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2010-2020, cả nước đã đào tạo được 2,84 triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên, chất lượng lao động vẫn còn rất thấp, chưa đạt yêu cầu... Hiện tại Bộ  đã xây dựng “Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đến năm 2030”, trình Chính phủ phê duyệt, với nhiều đổi mới trong lĩnh vực này.

“Nông dân không liên kết thì không làm được cái gì cả”

Chúng ta nói rất nhiều đến mối liên kết “3 nhà”, “4 nhà” rồi “6 nhà”, nhưng chưa trả lời tại sao tất cả liên kết chưa thành công? Mấu chốt nằm ở chỗ giữa nông dân và doanh nghiệp đều đang thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự liên kết bền vững, không tôn trọng hợp đồng. Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì doanh nghiệp bẻ kèo.

Bộ trưởng  Lê Minh Hoan từng chia sẻ, nông dân ngày xưa “đèn nhà ai nấy sáng, đất nhà ai nấy làm”, sống một mình, làm cũng một mình. Bởi vậy, dẫn đến một lời nguyền về một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Muốn vượt qua lời nguyền đó, phải mở rộng quy mô sản xuất. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, thì phải biết hợp tác với nhau. Nông dân chuyên nghiệp là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.

Nếu người nông dân không tập hợp, không liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ khó làm ra sản phẩm đồng bộ, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, nhận định, không có con đường nào khác, tư duy bà con phải thay đổi, phải có trách nhiệm với người tiêu dùng và trách nhiệm với chính bản thân mình.

“Thực tế, suốt một thời gian dài thị trường Trung Quốc quá thuận lợi đã khiến người nông dân ỷ lại. Chính vì vậy, khi Trung Quốc có những chế tài kiểm soát, trở thành thị trường khó tính, có nhiều người kêu nhưng tôi lại thấy rất mừng. Là vì tôi nhận thấy tư duy về thị trường chính là điểm nghẽn, là yếu tố quyết định chuỗi liên kết trong nông nghiệp của chúng ta có phát triển được hay không?

Cần phải hiểu thị trường Trung Quốc thay đổi sẽ là cơ  hội để chúng ta áp dụng những chế tài kiểm soát, đồng nhất về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nông sản Việt Nam. Từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân và những đối tượng tham gia chuỗi liên kết phải cùng vào cuộc để đặt ra tiêu chí, định vị sản phẩm nông sản của chúng ta ở những thị trường nào, bán cho ai, bán bao nhiêu…?”, CEO Chánh Thu đặt vấn đề.

Chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân, bà Thu cho hay: Chúng tôi thuyết phục người nông dân, HTX bằng những bài học về giải cứu nông sản, sản phẩm làm ra không biết bán cho ai để từ đó xây dựng niềm tin cho họ. Tôi nói với bà con, lựa chọn lợi ích trước mắt hay bền vững là do bà con quyết định.

“Để đồng hành bền vững với người nông dân, chiến lược phát triển của Chánh Thu đang làm là sẽ không thu mua theo thị trường như trước đây, mà sẽ mua sản phẩm của người nông dân, của các hợp tác xã với giá cố định, trong vòng 5 năm, 10 năm và dài hơn để có thể tạo sự ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Đây là điều tôi ấp ủ nhiều năm và đương nhiên câu chuyện này không thể chỉ riêng Chánh Thu mà làm được. Chúng tôi cần sự hợp tác từ các doanh nghiệp, đối tác hỗ trợ ở nhiều công đoạn. Từ quản lý vùng nguyên liệu, cung cấp vật tư nông nghiệp đến đội ngũ thương lái, các HTX, để cùng nhau chia việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng để tạo thành chuỗi liên kết thực sự bền vững”, bà Thu cho hay.

Ông Lê Văn Quyết (Đồng Nai) rất thấm thía điều này. Qua 20 năm nuôi con gà trắng, không khá lên được; đến lúc liên doanh với Công ty KV của Nhật + Úc và Công ty DeHeus của Hà Lan thì kết quả khác hẳn, ở chỗ mình phải thành lập HTX với 17 thành viên chính thức và 7 thành viên liên kết để có vốn, có kỹ thuật và có đủ lượng gà thương phẩm xuất khẩu, tới 30.000 con/ngày, lại phải đồng đều về chất lượng, trong khi tất tật mình chỉ nuôi được 400 ngàn con/lứa; bù lại bất kể khi giá thị trường nội địa xuống tới 6-7 ngàn đồng/kg, mình vẫn xuất bán cho liên doanh với giá  25 - 28 ngàn đồng/kg. Mình và tất cả các thành viên trong HTX đều có lợi.

“Nông dân bây giờ không liên doanh, liên kết với nhau theo chuỗi giá trị toàn cầu thì không làm được gì cả”, ông Quyết chia sẻ.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế hợp tác

Nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 vừa diễn ra, Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Phát triển khu vực kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước và cả các đối tác phát triển quan tâm. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu và mong muốn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Năng lực, nội lực của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là một số nội dung hoạt động chưa theo kịp tình hình, trong đó chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.

Thủ tướng nhắc lại thông điệp về tinh thần đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ để mô hình kinh tế hợp tác, HTX  có sự chuyển biến mạnh mẽ để hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước phát triển hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top