Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 12 năm 2024 | 10:5

Nông dân thu nhập cao nhờ nuôi vịt bầu biển trên suối

Tận dụng dòng suối tự nhiên chảy qua thôn Thác Xa, xã Tân Tiến (Bảo Yên, Lào Cai), bà Hoàng Thị Thắng, dân tộc Tày đã thành công với mô hình nuôi vịt bầu biển. Không cần đầu tư lớn, bà Thắng vẫn đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và tạo nên một mô hình chăn nuôi bền vững, khai thác hiệu quả lợi thế địa phương.

Nhờ chăn nuôi sạch, vịt cho thịt thơm ngon hơn hẳn.

Tận dụng lợi thế

Năm 2020, trong một lần tìm kiếm hướng đi mới để phát triển kinh tế, bà Thắng nhận ra lợi thế từ dòng suối trong lành chảy cạnh nhà. Sau nhiều lần tìm hiểu, bà quyết định đầu tư vào giống vịt bầu biển, một giống vịt không chỉ dễ nuôi mà còn có giá trị kinh tế cao. Bà Thắng kể: “Lúc đầu cũng lo, nhưng nghĩ rằng có dòng suối gần nhà, nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, tôi quyết định thử”.  

Bắt đầu với số vốn vừa phải, bà mua khoảng 50 đến 100 con giống mỗi lứa, giá 25.000 đồng/con.  Đặc điểm của vịt bầu biển là khả năng sinh trưởng, ít bệnh tật và ăn tạp. Đây cũng là giống vịt phù hợp cho các vùng ven sông, ven biển, giúp người dân tăng cường sản xuất mà không cần quá phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu hay chuồng trại hiện đại. Chúng tận dụng được thức ăn tự nhiên như côn trùng, tôm cá nhỏ trong suối. Vịt được thả tự do tại suối, vừa vận động tự nhiên vừa giảm chi phí chuồng trại.

Bà Hoàng Thị Thắng chăm sóc đàn vịt bầu biển.

Hàng ngày, bà Thắng tận dụng thân chuối thái nhỏ trộn với bột ngô làm thức ăn, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp vịt phát triển nhanh và khỏe mạnh.

Mỗi năm, gia đình bà Thắng nuôi hai lứa vịt, với tổng đàn 100 - 200 con. Sau bốn tháng chăm sóc, đàn vịt đạt trọng lượng trung bình 2,5 kg/con. Với giá bán 100.000 đồng/kg, gia đình bà có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Phần lớn số vịt được bà bán lẻ cho bà con trong vùng, một phần được sử dụng để chế biến các món ăn đặc sản tại quán ăn của gia đình. Món vịt bầu biển thơm ngon, thịt chắc, không tanh đã tạo nên danh tiếng, khiến quán ăn của bà luôn đông khách. “Khách đến ăn toàn bảo vịt nhà tôi đặc biệt ngon, không giống vịt nuôi công nghiệp. Đôi khi thương lái đặt số lượng lớn nhưng tôi không đủ hàng để cung cấp”, bà Thắng vui vẻ kể.  

Làm chủ kỹ thuật

Theo bà Thắng, nuôi vịt bầu biển năm nào cũng gặp phải khó khăn khi có mưa lớn, nước suối dâng cao, buộc phải di chuyển đàn vịt lên chuồng tạm để bảo vệ an toàn. Việc duy trì vệ sinh khu vực nuôi thả cũng là thách thức, bởi ô nhiễm nguồn nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vịt.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm tích lũy qua từng năm, bà Thắng đã dần làm chủ kỹ thuật nuôi vịt. Bà luôn chú trọng vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo nguồn thức ăn tươi ngon cho đàn vịt.

Đàn vịt chủ yếu sinh sống trên suối.

“Làm nghề gì cũng cần cái tâm. Nuôi vịt cũng vậy, phải chăm sóc chúng như chăm con, mới mong có được thành quả tốt,” bà chia sẻ. Việc tận dụng tối đa nguồn tài nguyên tự nhiên như: Thân chuối, ngô và các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có không chỉ giúp bà giảm chi phí mà còn đảm bảo vịt phát triển theo cách tự nhiên nhất.  

Nhìn về tương lai, bà Thắng không giấu được hy vọng: “Nếu có thêm vốn, tôi muốn mở rộng quy mô, nuôi nhiều hơn để cung cấp được cho thương lái.”

Bà cũng mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình khác để nâng cao chất lượng và năng suất vịt nuôi.

Dù quy mô hiện tại chưa lớn, nhưng mô hình nuôi vịt bầu biển của bà Hoàng Thị Thắng đã khai thác hiệu quả lợi thế tự nhiên. Với cách làm sáng tạo như của bà Thắng, mô hình nuôi vịt bầu biển trở thành ví dụ điển hình trong việc kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp truyền thống và sự đổi mới trong kỹ thuật chăn nuôi, cộng thêm sự cần cù, sáng tạo, bất kỳ ai cũng có thể thành công. Từ hộ bình thường, giờ đây, gia đình bà Thắng không chỉ ổn định kinh tế mà còn trở thành tấm gương điển hình trong việc phát triển chăn nuôi ở vùng cao.

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top