Vượt lên bộn bề khó khăn của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, Nông nghiệp Hà Tĩnh đang có sự chuyển mình rõ nét và đạt được những kết quả toàn diện, tạo cơ sở hướng đến mục tiêu “nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Những gam màu sáng
Trong điều kiện nhiều khó khăn, bất lợi, sản xuất nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh. Các chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp đô thị được tập trung triển khai và bước đầu cho hiệu quả.
Sản lượng lương thực, các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát. Đặc biệt, quá trình thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Tĩnh trở thành cuộc cách mạng lớn, thay đổi căn bản tổ chức sản xuất ở địa phương. Theo Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, toàn tỉnh thực hiện được gần 10.700ha lúa được phá bờ thửa nhỏ thành ô thửa lớn, dồn điền đổi thửa, cho thuê quyền sử dụng đất; gần 40 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích trên 1.800ha (tối thiểu 30ha/vùng); 36 vùng trồng đã được cấp mã số; vùng trồng sản xuất bưởi Phúc Trạch của Tổ hợp tác Sản xuất bưởi Phúc Trạch Anh Quân (xã Phúc Trạch, Hương Khê) được cấp mã phục vụ xuất khẩu các nước châu Âu và Nga; 22 chuỗi sản xuất cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận, gắn với truy xuất nguồn gốc và minh bạch nguồn gốc sản phẩm.
Sản xuất lúa gạo ở Hà Tĩnh không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn tiến sâu vào nền sản xuất hàng hóa.
Gắn với đó, ngày càng nhiều những “ông chủ” nông dân, HTX, tổ hợp tác đủ năng lực tham gia vào kinh tế nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa và quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, VietGAHP, GMP, HACCP, ISO, hữu cơ...). Sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh vì thế cũng từng bước lên các sàn thương mại điện tử, xúc tiến thương mại. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 1.000 sản phẩm đã lên sàn thương mại điện tử của tỉnh (Hatiplaza.com). Ngoài ra, các cơ sở chủ động kết nối, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam như: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, Shoppe.vn…
Với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt trong thực hiện đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, phong trào xây dựng NTM diễn ra sôi nổi, nhận được sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 177/181 xã đạt chuẩn NTM, 50/181 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7/181 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hà Tĩnh có 286 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 14 sản phẩm 4 sao, 272 sản phẩm 3 sao. Toàn tỉnh đã có 20 cửa hàng theo chuỗi phân phối OCOP. Theo đánh giá, doanh số bán hàng của 100% cơ sở tăng bình quân từ 40% trở lên so với trước khi tham gia OCOP. Không chỉ tự tin với thị trường trong nước, nhiều sản phẩm còn tìm được thị trường xuất khẩu như: bánh đa vừng Nguyên Lâm, sứa Mai Dung, bánh ram Anh Thu, bánh đa nem Nam Chi, cu đơ Bà Hường, nước mắm Luận Nghiệp… Chương trình OCOP cũng sàng lọc các chủ thể sản xuất giữ vai trò trụ cột, làm đầu kéo phát triển kinh tế nông thôn.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 46,08 triệu đồng (gấp 5,5 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,79% (năm 2011 là 23,91%).
Nông nghiệp hữu cơ vừa là quá trình, vừa là đích đến
Sau quãng thời gian thử sức với nhiều lĩnh vực như: thương mại, dịch vụ, xây dựng..., năm 2013, ông Lê Vạn Hải, xã Mỹ Lộc (Can Lộc) quyết định thực hiện giấc mơ làm nông nghiệp hiện đại.
Trong dòng suy nghĩ của ông Hải, nông nghiệp hiện đại ngoài tính quy mô, cần phải lấy tiêu chí “sạch” làm đầu. Dẫu ông ngẫm ra rằng, sản xuất sản phẩm sạch sẽ tốn nhiều chi phí, phải cần thời gian để người tiêu dùng thích nghi và chấp nhận, song, xác định “đi đường dài”, ông vẫn quyết tâm để mang sản phẩm sạch, chất lượng ra thị trường, với mục tiêu là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Hà Tĩnh đã có 1.624 ha cây trồng các loại (tương ứng với 243 cơ sở lĩnh vực trồng trọt) được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Ông Lê Vạn Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc, chia sẻ: “Việc đạt các tiêu chuẩn sẽ là điều kiện để HTX xây dựng thương hiệu riêng, mở “cánh cửa” thị trường rộng lớn và bền vững hơn. Hiện nay, 7 sản phẩm của HTX gồm: cam giòn, cam chanh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, táo, ổi đã được Công ty CP chứng nhận và kiểm nghiệm FAO chứng nhận được sản xuất phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ vào tháng 9/2022 trên diện tích 25ha. Đây là HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh “chạm” tới danh hiệu đáng tự hào này. Ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của HTX đã phân phối tại nhiều tỉnh, thành và vào hệ thống siêu thị BigC”.
Hà Tĩnh luôn quan tâm cao, chỉ đạo lồng ghép chương trình, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đạt chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.624ha cây trồng các loại (tương ứng với 243 cơ sở lĩnh vực trồng trọt) được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; 14 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP; 16 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận HACCP; 10 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận GMP, ISO và 23 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận. Toàn tỉnh cũng bước đầu số hóa thông tin, dữ liệu cho 2.859 hộ sản xuất kinh doanh bưởi Phúc Trạch và 13 vùng sản xuất với tổng diện tích 899ha; kết nối, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Sendo, Voso, Postmart, Shopee… Những sự thay đổi này góp phần giúp người nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Ông Lê Tùng Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Tĩnh, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường thì sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đang trở thành vấn đề “sống còn”. Đây cũng chính là lộ trình căn bản để nông nghiệp Hà Tĩnh từng bước thực hiện tốt việc gắn quản lý chất lượng với truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xa hơn là tiến tới xây dựng nền sản xuất an toàn, minh bạch, bền vững - sản xuất hữu cơ”.
Thay đổi tư duy và hướng đến mục tiêu cao hơn
Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định “Tiếp tục triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, thông minh… để đánh giá và nhân ra diện rộng”.
Đồng hành cùng người dân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với những chính sách “trợ lực” thực sự. Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 51-NQ/HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025… trở thành đòn bẩy cho các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, cho biết: Nửa nhiệm kỳ qua, ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả đồng bộ, tạo đà cho nhiều bước tiến mới. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn phải đối mặt, nhất là về nguồn lực; phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.
Để hoàn thành tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, khó khăn nhất hiện nay chính là việc thu hút doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi sản xuất quy mô lớn; trong khi nguồn lực để triển khai các chương trình/dự án trọng điểm phải phân bổ cho nhiều tiêu chí, lĩnh vực. Cùng với đó, sản phẩm nông nghiệp chỉ mang tính mùa vụ; năng lực kinh tế của người sản xuất hạn hẹp; các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn gặp khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Với các xã chưa đạt chuẩn NTM, khối lượng công việc còn lớn; các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu số lượng và chất lượng còn thấp; tiến độ xây dựng huyện đạt chuẩn ở Kỳ Anh, Hương Khê chậm, khối lượng còn nhiều, kinh phí lớn; thực hiện Đề án tỉnh NTM đang gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Việt, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị trong sản phẩm sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chuyên nghiệp.
Với tư duy mới, cách làm mới trong giai đoạn này, ngành sẽ tập trung triển khai tốt các chương trình, kế hoạch nhằm phát huy tối đa các chính sách của tỉnh; phối hợp với địa phương tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; đầu tư xây dựng, đánh giá, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ. Đồng thời, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng…
Nhiều mô hình trồng trọt ở Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn của ngành Nông nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, ngành tập trung phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Trong đó, tiếp tục kiên trì, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các định hướng, giải pháp về cơ cấu lại nông nghiệp trên các lĩnh vực.
Trước hết, triển khai việc lập quy hoạch chi tiết các vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện để tổ chức công bố, xúc tiến đầu tư, trong đó, phân rõ các thế mạnh của từng vùng như vùng trung du - miền núi, vùng ven biển, vùng đồng bằng.
Tập trung nhân rộng các mô hình dồn điền, đổi thửa, hướng tới tích tụ, tập trung ruộng đất trên diện rộng, bền vững; triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.
Trong chăn nuôi, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiệu quả, an toàn dịch bệnh, bảo đảm môi trường sinh thái.
Đối với lĩnh vực thủy sản, nâng cao năng lực đánh bắt hải sản tại vùng khơi và vùng lộng; quản lý, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; hình thành cụm liên kết phát triển nuôi tôm thâm canh công nghệ cao. Phát triển các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung thâm canh, đạt chứng chỉ FSC theo chuỗi các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu; thu hút đầu tư các dự án về phát triển nông lâm kết hợp, khai thác rừng bền vững, du lịch sinh thái...
Năm 2023, tỉnh tập trung chỉ đạo, rà soát, nâng cấp tất cả các thôn, xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đảm bảo đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025; tập trung quyết liệt chỉ đạo 4 xã còn lại đạt chuẩn NTM; huyện Lộc Hà, Kỳ Anh đạt chuẩn huyện NTM, thị xã Kỳ Anh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; quan tâm cao xây dựng huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo kế hoạch.
Song song với nhiệm vụ thực hiện đề án, Hà Tĩnh cũng tập trung triển khai, thực hiện Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2024.
Mục tiêu đến năm 2025, Hà Tĩnh phấn đấu có ít nhất 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, trong đó, 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.
Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM phải dựa trên tình cảm, trách nhiệm với nông dân, nông thôn; gia tăng thu nhập phải hướng vào nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân; chú ý bảo đảm tính bền vững của tiêu chí đã hoàn thành; nguồn lực đầu tư phải tập trung; phải thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân để xây dựng NTM thực sự bền vững.
Nửa nhiệm kỳ còn lại, ngành Nông nghiệp cần tập trung cao chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là chính sách về hỗ trợ tập trung ruộng đất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, hỗ trợ chuyển đổi số. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, phát triển thương hiệu bền vững... nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025, bình quân thu nhập người dân nông thôn tối thiểu lên 60 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn thấp hơn bình quân chung của vùng Bắc Trung Bộ theo đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…